TAND Tối cao đề xuất sửa nhiều luật theo mô hình tòa 3 cấp, bỏ TAND cấp cao

TAND Tối cao đã công bố dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, Luật TTHC, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án.

Mới đây, TAND Tối cao công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Luật Tố tụng hành chính (TTHC), Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

 Hình minh họa.

Hình minh họa.

Không còn TAND cấp cao

Đáng chú ý, dự luật chủ yếu tập trung vào việc điều chỉnh lại chức năng của các cấp tòa. Và theo dự luật thì mô hình mới gồm 3 cấp tòa: TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh và TAND khu vực - tức không còn quy định TAND cấp cao, quy định TAND khu vực thay cho TAND cấp huyện hiện nay.

Cụ thể, TAND Tối cao đề xuất tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho TAND khu vực theo hướng TAND khu vực giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm tất các vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

TAND cấp tỉnh giải quyết, xét xử theo thủ tục phúc thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.

Bổ sung quy định Chánh án TAND cấp tỉnh và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực.

Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng nghị.

Tại Luật Tương trợ Tư pháp, đề xuất: Thay thế cụm từ “TAND cấp tỉnh” bằng cụm từ “TAND khu vực” tại Điều 38, Điều 39, khoản 1, 2, 3, 5 Điều 40, 42, 43, 44, 45, 54, 55, 56; Thay thế cụm từ “TAND tối cao” bằng cụm từ “TAND cấp tỉnh” tại khoản 5 Điều 55.

Hay dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14 như sau: Thay thế cụm từ “TAND cấp huyện” bằng cụm từ “TAND khu vực” tại khoản 4 Điều 33, khoản 3, 4 Điều 34.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá: Thay thế cụm từ “TAND cấp huyện” bằng cụm từ “TAND khu vực” tại khoản 3 Điều 15, khoản 2 Điều 29, khoản 1 Điều 31; thay thế cụm từ “VKSND cấp huyện” bằng cụm từ “VKSND khu vực” tại khoản 1 Điều 31.

Tại Bộ luật Tố tụng dân sự, dự luật thay thế cụm từ “Tòa án nhân dân cấp cao” bằng cụm từ “Tòa án nhân dân cấp tỉnh” tại khoản 3 Điều 53, điểm b khoản 2 Điều 348, khoản 2 Điều 405, khoản 2 Điều 406, Điều 413, các khoản 1, 2 và 4 Điều 443, các khoản 1, 2 và 6 Điều 462...

Xử lý chuyển tiếp từ 1-7-2025

Theo dự thảo, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Luật Tố tụng hành chính (TTHC), Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

Kể từ ngày đó, TAND khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ tiếp nhận nhiệm vụ giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính và các vụ việc khác của TAND cấp huyện đang giải quyết.

TAND cấp tỉnh tiếp tục giải quyết những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính và các vụ việc khác đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 1-7-2025 mà chưa giải quyết xong.

Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính và các vụ việc khác TAND cấp tỉnh đã nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu nhưng đến ngày 1-7-2025 chưa thụ lý thì chuyển cho TAND khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết.

Tòa phúc thẩm TAND tối cao có thẩm quyền giải quyết những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính và các vụ việc khác đã được TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 1-7-2025 mà có kháng cáo, kháng nghị nhưng TAND cấp cao chưa thụ lý theo thủ tục phúc thẩm.

Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính và các vụ việc khác TAND cấp cao đã thụ lý theo thủ tục phúc thẩm mà đến ngày 1-7-2025 chưa giải quyết xong thì Tòa phúc thẩm TAND Tối cao có thẩm quyền giải quyết.

Tòa phúc thẩm TAND Tối cao có thẩm quyền giải quyết những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính và các vụ việc khác TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị.

Đối với đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật đã được TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao thụ lý trước ngày 1-7-2025 mà chưa giải quyết xong thì TAND Tối cao hoặc VKSND Tối cao tiếp tục giải quyết.

Đối với đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của TAND cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật mà trước ngày 1-7-2025 TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao chưa thụ lý thì TAND cấp tỉnh, VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết.

Đối với khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là thẩm phán, Phó chánh án, thẩm tra viên, thư ký tòa án, hội thẩm nhân dân do Chánh án tòa án cấp huyện đang giải quyết nhưng đến ngày 1-7-2025 chưa giải quyết xong thì Chánh án TAND khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết.

Đối với khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là kiểm sát viên, Phó viện trưởng VKS, kiểm tra viên do Viện trưởng VKSND cấp huyện đang giải quyết nhưng đến ngày 1-7-2025 chưa giải quyết xong thì Viện trưởng VKSND khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết.

Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao nhưng đến ngày 1-7-2025 chưa giải quyết xong thì Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có thẩm quyền giải quyết.

Đối với trường hợp giải quyết đơn tố cáo thuộc thẩm quyền của Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao nhưng đến ngày 1-7-2025 chưa giải quyết xong thì Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có thẩm quyền giải quyết.

Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi nhiều Pháp lệnh

Cũng liên quan đến chủ trương thay đổi mô hình các cấp tòa, TAND Tối cao cũng dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của hàng loạt pháp lệnh gồm:

- Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển

- Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay

- Pháp lệnh trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

- Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

- Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.

- Pháp lệnh chi phí tố tụng (do Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố).

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tand-toi-cao-de-xuat-sua-nhieu-luat-theo-mo-hinh-toa-3-cap-bo-tand-cap-cao-post843167.html
Zalo