Hàng loạt đề xuất mới quan trọng về dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam

Tại dự thảo Luật Dẫn độ, Bộ Công an đề xuất nhiều quy định mới quan trọng về dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, dẫn độ từ Việt Nam ra nước ngoài…

Về cơ quan của Việt Nam lập yêu cầu dẫn độ, Dự thảo Luật quy định, cơ quan trung ương về dẫn độ, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành án.

Đây là quy định được kế thừa, đồng thời được bổ sung so với Luật Tương trợ tư pháp. Việc quy định theo hướng này là phù hợp với việc bổ sung nội dung về cơ quan có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ.

Về hồ sơ yêu cầu dẫn độ của Việt Nam gửi đi nước ngoài, dự thảo kế thừa các quy định của Điều 37 Luật Tương trợ tư pháp 2007 và bổ sung một số nội dung để phù hợp với tình hình mới, phù hợp với các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật cũng quy định chi tiết về các tài liệu kèm theo văn bản yêu cầu dẫn độ trong trường hợp dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án hình sự.

Về tiếp nhận, kiểm tra, chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ và bổ sung thông tin, tài liệu, theo dự thảo Luật, cơ quan lập yêu cầu dẫn độ có trách nhiệm gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến Bộ Công an để kiểm tra, trừ trường hợp cơ quan lập yêu cầu dẫn độ là Cơ quan Trung ương về dẫn độ.

Bộ Công an kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ yêu cầu dẫn độ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì Bộ Công an chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ cho nước ngoài. Trường hợp nước ngoài đề nghị bổ sung thông tin, tài liệu trong hồ sơ yêu cầu dẫn độ, Cơ quan lập yêu cầu dẫn độ bổ sung thông tin, tài liệu để trả lời nước ngoài.

Về tiếp nhận, áp giải người bị dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, sau khi nhận được quyết định dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Bộ Công an thành lập đoàn tiếp nhận, áp giải người bị dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn chi tiết Điều này.

Ngoài nội dung trên, dự thảo Luật Dẫn độ còn đề xuất nhiều quy định về dẫn độ từ Việt Nam ra nước ngoài. Về quyết định dẫn độ cho nước ngoài, theo dự thảo, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra một trong các quyết định sau:

Quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ; Quyết định đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ.Tòa án nhân dân cấp tỉnh mở phiên họp xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ.

Về kháng cáo, kháng nghị quyết định dẫn độ hoặc quyết định từ chối dẫn độ, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dẫn độ và kháng cáo, kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp cao mở phiên họp xem xét, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.

Quy định này liên quan đến việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp cao trong việc phúc thẩm quyết định dẫn độ.

Ngọc Minh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-loat-de-xuat-moi-quan-trong-ve-dan-do-tu-nuoc-ngoai-ve-viet-nam-post608880.antd
Zalo