Tận tụy bảo tồn, truyền thụ các giá trị văn hóa của bản làng
Đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thì nhạc cụ, làn điệu dân ca, trang phục thổ cẩm... được xem là 'linh hồn', góp phần làm nên văn hóa đặc sắc được lưu giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ. Các nghệ nhân (tiếng Vân Kiều là 'Coài chieng', 'Coài xơợ') đang âm thầm nắm giữ 'linh hồn' để tiếp tục truyền thụ nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ; sưu tầm, bảo tồn nhạc cụ cùng các làn điệu dân ca Vân Kiều, Pa Kô.
Cách đây chưa lâu, tôi khá bất ngờ khi gặp nghệ nhân Hồ Văn Hồi cư trú ở Khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa tại xã A Bung, huyện Đakrông. Hỏi ra mới biết, nghệ nhân Hồ Văn Hồi đã không quản đường sá xa xôi lặn lội vào đây để truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho 16 nữ thanh niên xã A Bung.
Ông Hồi nhớ lại, ngày xưa, chỉ cần đến đầu bản Pa Nho (nay là Khóm 6, thị trấn Khe Sanh) đã nghe tiếng lách cách thoi đưa của khung dệt thổ cẩm. Nhìn qua cửa sổ nhà sàn, đã thấy người già, người trẻ dân tộc Vân Kiều say sưa với đường tơ, sợi chỉ dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp tựa sắc hoa núi rừng.
Qua bao mùa rẫy, hiện nay nhịp sống năng động dần “gõ cửa” từng căn nhà sàn trong bản Pa Nho cũng như nhiều bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Người già trong các bản làng còn lưu luyến với bản sắc văn hóa dân tộc mình nên vẫn còn mặc trang phục thổ cẩm truyền thống. Người trẻ với lối sống năng động nên không mấy mặn mà với trang phục thổ cẩm... Đó là nguyên nhân khiến nhiều khung dệt thổ cẩm bị xếp ở góc nhà, phủ bụi theo thời gian.
Xót xa trước nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang lụi tàn, mai một, ông Hồ Văn Hồi quyết tâm tìm đến các bản, làng đồng bào dân tộc Vân Kiều để gặp các nghệ nhân xin học nghề dệt thổ cẩm. Và rồi chiếc a zoong đầu tiên tự tay ông Hồi dệt phải mất cả mấy tuần mới xong.
Đến bây giờ, tay nghề dệt thổ cẩm của ông Hồi đã vang xa tận nhiều bản, làng của huyện Hướng Hóa, Đakrông. Khoảng năm 2020, khi biết tin chị Đoàn Thị Nga, một người có hiểu biết về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Pa Kô ở huyện A Lưới đến sinh sống tại thôn Cu Tài 2, xã A Bung đang hướng dẫn, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm ở xã A Bung, ông Hồi đã tìm vào xã A Bung để xin được học nghề.
Bởi theo ông Hồi thì thổ cẩm của đồng bào dân tộc Pa Kô luôn có sự khác biệt với thổ cẩm của đồng bào dân tộc Vân Kiều từ khung dệt, cách dệt cho đến hoa văn, họa tiết, sắc màu chủ đạo. Sau khi học thạo nghề dệt thổ cẩm, ông Hồi dồn tâm huyết, công sức để nghiên cứu cải tiến khung dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Pa Kô.
Sau khi cải tiến, khung dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Pa Kô trở thành khung dệt đứng. Khi dệt thổ cẩm, có thể ngồi để dệt nên dệt nhanh hơn, đỡ vất vả hơn, đa dạng được các sản phẩm dệt thổ cẩm, họa tiết, hoa văn sắc nét và có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng sử dụng.
Những ngày ngược xuôi qua bao bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở vùng Lìa (huyện Hướng Hóa) tôi may mắn gặp các nghệ nhân của núi rừng như Ăm Nhờ, Hồ A Chõ... để rồi cuốn theo câu chuyện sưu tầm, bảo tồn nhạc cụ cùng các làn điệu dân ca Vân Kiều, Pa Kô. Ăm Nhờ cho biết, từ thời còn trai trẻ, ông đã được các nghệ nhân ở bản A Máy, xã Lìa, huyện Hướng Hóa truyền dạy các làn điệu dân ca Pa Kô như làn điệu Cà Lơi-Cha chấp, Xiêng, A Un, Caraun, Terate’k, Ra Zok, Caracadoi, T’rel...
Truyền dạy việc kết hợp dân ca với các điệu múa như múa Toong (múa giữa rẫy), Xiêng câm priing, Ra Yook, Poon Rayoock để trình diễn trong các dịp lễ hội hay những khi lên nương, lên rẫy, lứa đôi hẹn hò... đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng riêng có của đồng bào dân tộc Pa Kô cùng với cách làm, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc Pa Kô như khèn bè, đàn Âmpreh, Ta lư...
Ý thức được tầm quan trọng của sự trao truyền từ các nghệ nhân bây giờ đã khuất núi, trong nhiều năm qua Ăm Nhờ không quản tuổi già sức yếu cất công sưu tầm, biên soạn rồi cùng các nghệ nhân trong xã Lìa dàn dựng thành nhiều tiết mục văn nghệ để biểu diễn không chỉ trong phạm vi địa phương. Ăm Nhờ luôn tâm niệm sẽ dùng hết “vốn liếng” để truyền dạy lại cho thế hệ mai sau.
Còn anh Hồ A Chõ ở bản Thuận 4, xã Thuận, huyện Hướng Hóa đã tự bỏ tiền túi xây dựng một “bảo tàng nhỏ” với ước mơ cháy bỏng là mai sau con cháu ghé thăm, có thể chạm vào từng hiện vật mà tìm về quá khứ nguồn cội dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. “Bảo tàng nhỏ” là căn nhà sàn dùng làm nơi trưng bày hơn 100 hiện vật chủ yếu là các loại nhạc cụ dân tộc, dụng cụ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá suối độc đáo của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô mà anh Hồ A Chõ công phu sưu tầm trong thời gian dài. Đó cũng là tâm huyết cùng ước mơ gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô theo cách của riêng anh.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa Hồ Ngọc Tình cho biết, trong những năm qua, huyện Hướng Hóa đã chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô và đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm văn hóa được sưu tầm, lưu giữ. Các phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được phục dựng. Các giá trị văn hóa truyền thống về trang phục, dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống... được bảo tồn và phát huy.
Thông qua Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa đã tổ chức phục dựng thành công lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng), lễ hội Ada (cúng lúa mới) của dân tộc Pa Kô ở xã Lìa; kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa dân ca, dân vũ và dân nhạc của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng di dân tái định cư như xã Tân Lập, Thuận, Hướng Phùng, Lìa, Hướng Sơn và thị trấn Lao Bảo; tổ chức 12 lớp tập huấn về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập CLB di sản phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương...