Tận dụng vật liệu tái chế trong dạy và học môn Mỹ thuật

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cô Trần Thị Tuyết Anh, giáo viên Mỹ thuật - Âm nhạc, Trường TH-THCS Nam Cát Tiên (ở xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) đã hướng dẫn học sinh tận dụng vật liệu tái chế trong môn Mỹ thuật.

Học sinh Trường TH-THCS Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) tham gia hoạt động tạo hình từ vật liệu tái chế. Ảnh: NVCC

Học sinh Trường TH-THCS Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) tham gia hoạt động tạo hình từ vật liệu tái chế. Ảnh: NVCC

Cách làm này không chỉ giúp giải quyết được khó khăn về nguồn vật liệu, giúp tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp học sinh phát huy được năng lực sáng tạo không giới hạn.

Giải quyết khó khăn trong dạy học môn Mỹ thuật

Cô Tuyết Anh cho biết, khi mới thực hiện dạy môn Mỹ thuật theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, cô gặp không ít khó khăn và lúng túng. Bởi, nếu như môn Mỹ thuật theo chương trình cũ chỉ thiên về thể loại hội họa thì theo chương trình mới lại có yêu cầu thực tiễn cao hơn, mang tính ứng dụng hơn. Học sinh phải thiết kế, tạo hình sản phẩm 3D với nhiều loại hình, đòi hỏi sử dụng các loại nguyên, vật liệu khác nhau. Điều này dẫn đến khó khăn về vật liệu, chi phí, nhất là đối với trường học ở vùng sâu, vùng xa.

Từ thực tế đó, cô đã hướng dẫn học sinh sử dụng nguồn vật liệu tái chế để phục vụ cho bài học. Để có nguồn vật liệu tái chế hữu ích sử dụng trong học tập môn Mỹ thuật, trước mỗi chủ đề/dự án học tập, giáo viên phải có kế hoạch phát động học sinh thu thập và hướng dẫn để học sinh biết phân loại các vật liệu đã qua sử dụng; hướng dẫn xử lý, bảo quản đảm bảo hợp vệ sinh; hướng dẫn học sinh thiết kế sáng tạo, đảm bảo tính thẩm mỹ và phù hợp với nguyên, vật liệu.

Cô TRẦN THỊ TUYẾT ANH đã báo cáo chuyên đề cấp huyện với chủ đề “Phát triển năng lực sáng tạo, thẩm mỹ cho học sinh qua môn Mỹ thuật”.

Cùng với đó, học sinh được hướng dẫn tận dụng vật liệu tái chế để tham gia các hoạt động ngoại khóa như: Ngày hội STEM, tuyên truyền bảo vệ môi trường, các cuộc thi, hội thi… Nhờ đó, học sinh đã biết thu gom, sử dụng vật liệu tái chế để sáng tạo được nhiều sản phẩm hữu ích, có tính thẩm mỹ như: bình hoa, hộp bút, tranh ảnh… Những sản phẩm này được sử dụng để trang trí lớp học, làm đẹp cảnh quan trường học, thậm chí được phụ huynh đặt mua để trang trí trong gia đình, nơi làm việc.

Cô Tuyết Anh cho biết: “Năm đầu tiên khi thực hiện chương trình mới, tôi còn bỡ ngỡ, chưa biết sử dụng vật liệu tái chế trong dạy học, học sinh gặp nhiều khó khăn trong tạo hình vì rập khuôn theo nguyên liệu gợi ý trong sách giáo khoa. Kể từ năm thứ 2, tôi cho học sinh thay thế bằng các nguyên, vật liệu có khả năng tạo hình tương ứng, mở rộng nguyên, vật liệu và sáng tạo dựa trên nguyên, vật liệu tìm thấy, chủ yếu là vật liệu tái chế”.

Nhờ đó, sản phẩm tạo hình của học sinh đa dạng về thể loại, có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao. Như vậy, sử dụng vật liệu tái chế trong môn Mỹ thuật vừa giải quyết được khó khăn về nguyên, vật liệu, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giáo dục cho các em ý thức về bảo vệ môi trường.

Phân loại vật liệu tái chế để vận dụng trong môn Mỹ thuật

Với mỗi bài học tạo hình, cô Tuyết Anh không yêu cầu cố định về vật liệu, mà cho học sinh được quyền chọn lựa vật liệu thay thế, giúp học sinh có sự chuẩn bị chủ động, thuận lợi hơn. Sự linh động về nguồn vật liệu khác nhau là cơ hội kích thích tư duy sáng tạo cho mỗi học sinh.

Cô Tuyết Anh phân loại các nguyên, vật liệu vận dụng trong môn Mỹ thuật thành 3 nhóm: nhóm vật liệu có nguồn gốc hữu cơ có thể xử lý khô, không còn tích nước và bảo quản được lâu (gạo, đậu, bắp, lá cây, vỏ trứng…); nhóm vật liệu có nguồn gốc vô cơ, tính chất cứng, giòn, dễ vỡ (chai lọ thủy tinh, lon sắt, nắp chai bằng kim loại...); nhóm vật liệu có nguồn gốc vô cơ, tính chất mềm, dẻo (chai lọ nhựa, lon bia, lon nước ngọt, nắp chai nhựa,
ny-lông, ống hút bằng nhựa, muỗng nhựa…). Tất cả các vật liệu sau khi thu thập, phân loại phải rửa sạch và phơi khô để đảm bảo vệ sinh khi tái sử dụng.

Theo cô Tuyết Anh, để tránh tình trạng dư thừa quá nhiều vật liệu, biến lớp học trở thành nơi chứa rác thải tái chế, làm mất mỹ quan lớp học, giáo viên nên quy định số lượng vật liệu vừa đủ cho mỗi chủ đề bài học. Giáo viên cần yêu cầu học sinh nhận diện và không thu gom các chai nhựa, thủy tinh đựng những chất độc hại đã được khuyến cáo của các nhà sản xuất.

Em Hà Vũ Thảo Nguyên, học sinh lớp 7A2, Trường TH-THCS Nam Cát Tiên, bày tỏ: “Khi tận dụng các vật liệu tái chế để làm thành các sản phẩm mỹ thuật, em cảm thấy rất vui. Việc này không chỉ giúp em thể hiện sự sáng tạo, khéo léo, mà còn giúp em rèn luyện tính kiên nhẫn, góp phần bảo vệ môi trường. Em nhận ra rằng, những vật tưởng như bỏ đi vẫn có thể trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và có ý nghĩa”.

Còn em Hồ Thị Thu Hằng cho biết: “Ban đầu, em thấy rất khó thực hiện tạo hình trong môn Mỹ thuật nhưng khi cùng làm với các bạn và hình thành được các sản phẩm đẹp thì em thấy rất vui vì từ những đồ bỏ đi có thể gây ảnh hưởng môi trường, chúng em đã làm ra được sản phẩm hữu ích. Ngoài học ở lớp, ở nhà, em cũng tận dụng chiếc can nhựa để làm chậu hoa mini, dùng can dầu ăn bỏ đi để làm thùng đựng rác, làm đèn ngủ bằng chai nhựa…”.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202504/tan-dung-vat-lieu-tai-che-trong-day-va-hoc-mon-my-thuat-c346352/
Zalo