Có thể tử vong do dùng An Cung Ngưu Hoàng Hoàn không đúng cách

Hiện nay vẫn còn nhiều người, nhất là người cao tuổi quan niệm An Cung Ngưu Hoàng Hoàn là 'thần dược' trong phòng và trị đột quỵ. Song đây là một quan niệm sai lầm chết người.

1. Một số trường hợp tai biến do dùng An Cung Ngưu Hoàng Hoàn

1. 1. Dùng thuốc khi chưa rõ nguyên nhân tai biến

Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận trường hợp cụ bà 68 tuổi được người nhà cho uống An Cung Ngưu Hoàng Hoàn (ACNHH) ngay khi có dấu hiệu méo miệng, yếu nửa người. Sau 30 phút, bệnh nhân bất tỉnh sâu hơn. Kết quả chụp CT cho thấy đột quỵ thiếu máu não cấp, nhưng việc dùng ACNHH - có thành phần là các vị thuốc thanh nhiệt, hàn lạnh nhiều - lại làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu não cục bộ, khiến não tổn thương lan rộng hơn.

1. 2. Tự dùng thuốc khi chưa có chẩn đoán y tế

Tại TPHCM, một trường hợp nam bệnh nhân 58 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, khi thấy chóng mặt và buồn nôn đã tự uống một viên ACNHH theo lời khuyên từ người quen. Sau 2 giờ, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng xuất huyết não nặng. Các bác sĩ đánh giá việc sử dụng thuốc đã che mờ triệu chứng, khiến bệnh nhân đến viện muộn.

Khi phát hiện người bị đột quỵ cần sơ cứu đúng cách.

Khi phát hiện người bị đột quỵ cần sơ cứu đúng cách.

1. 3. Dùng thuốc kém chất lượng, hàng giả

Ngoài sai lầm trong sử dụng, một rủi ro khác là việc mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Trên thị trường hiện nay, nhiều loại ACNHH được rao bán tràn lan trên mạng, không qua kiểm định, thậm chí có chứa kim loại nặng như thủy ngân, chì..., gây ngộ độc mạn tính, tổn thương gan, thận.

Chính vì vậy việc phân biệt các thể đột quỵ rất quan trọng, giúp trả lời cho câu hỏi ACNHH vì sao không thể "dùng bừa"?

Theo Y học cổ truyền, đột quỵ não (Trúng phong tạng phủ) gồm hai thể chính:

- Chứng bế (Thể nhiệt): Biểu hiện hôn mê, liệt cứng, thở khò khè, người nóng, mắt đỏ, không có mồ hôi, lưỡi đỏ, rêu vàng dày, mạch hoạt sác hữu lực.

- Chứng thoát (Thể hàn): Biểu hiện hôn mê, liệt mềm, đại tiểu tiện không tự chủ, sắc mặt trắng bệch, da lạnh, chân tay lạnh, nhiều mồ hôi, chất lưỡi sắc nhạt, mạch trầm tế sác vô lực.

ACNHH được chỉ định trong đột quỵ thể nhiệt - tương ứng với một số trường hợp đột quỵ có biểu hiện sốt cao, mê sảng.

Ngưu hoàng - một vị thuốc có trong An Cung Ngưu Hoàng Hoàn.

Ngưu hoàng - một vị thuốc có trong An Cung Ngưu Hoàng Hoàn.

2. An Cung Ngưu Hoàng Hoàn - 'thần dược' hay 'con dao hai lưỡi'?

An Cung Ngưu Hoàng Hoàn là bài thuốc cổ phương có nguồn gốc từ Trung Quốc, được ghi chép trong sách "Ôn bệnh điều biện" của danh y Ngô Cúc Thông vào thế kỷ 18. Thuốc có thành phần chủ yếu từ ngưu hoàng, xạ hương, chu sa, hoàng liên, hoàng cầm, chi tử, uất kim…, vốn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trấn kinh, khai khiếu.

Tại Trung Quốc, ACNHH được chỉ định điều trị trong các trường hợp trúng phong thể nhiệt, tức là đột quỵ thể nhiệt (chứng bế) có kèm theo các triệu chứng sốt cao, hôn mê, co giật. Thuốc không được dùng cho các trường hợp đột quỵ thể hàn (chứng thoát) và càng không được khuyến cáo sử dụng đại trà để "phòng ngừa đột quỵ" như nhiều người lầm tưởng.

Tuy nhiên từ trước tới nay vẫn có những hiểu lầm tai hại: Uống ACNHH để "ngừa tai biến". Tại Việt Nam, xu hướng sử dụng ACNHH theo kiểu "thần dược phòng tai biến" đã trở nên phổ biến, đặc biệt trong cộng đồng người cao tuổi. Nhiều gia đình mua thuốc dự trữ, thậm chí mang theo khi đi du lịch để "phòng hờ".

Một số người còn truyền nhau cách "uống định kỳ mỗi tháng một viên" để "tăng cường tuần hoàn não". Đáng tiếc, đây là cách sử dụng hoàn toàn phản khoa học, tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Xạ hương có trong thành phần An Cung Ngưu Hoàng Hoàn.

Xạ hương có trong thành phần An Cung Ngưu Hoàng Hoàn.

3. Một số lưu ý khi sử dụng

3. 1. Không tự ý dùng An Cung Ngưu Hoàng Hoàn tại nhà

- Ngay khi có dấu hiệu đột quỵ như: Méo miệng, nói khó, liệt nửa người, đau đầu dữ dội, mất ý thức - việc duy nhất cần làm là gọi cấp cứu và đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

- Dùng ACNHH lúc này không chỉ không có tác dụng, mà còn làm mất "thời gian vàng" để can thiệp y tế (trong vòng 3 - 6 giờ đầu tiên).

3.2. Chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

- Các bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả chụp CT hoặc MRI để xác định thể đột quỵ, từ đó quyết định có dùng ACNHH hay không.

- Thuốc cũng có thể tương tác với các thuốc tây y khác (như thuốc chống đông, hạ áp...), vì vậy cần được theo dõi sát trong môi trường y tế.

Chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ.

Chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ.

3.3. Cảnh giác với sản phẩm không rõ nguồn gốc

- Không mua ACNHH trôi nổi, không có nhãn mác rõ ràng, không có giấy phép lưu hành từ Bộ Y tế.

- Cẩn trọng với hàng không được kiểm định, chứa các chất độc hại như chu sa, thủy ngân hoặc các loại chất an thần mạnh.

An Cung Ngưu Hoàng Hoàn không phải là "thần dược trị bách bệnh" và càng không thể là "thuốc phòng ngừa đột quỵ". Dù là bài thuốc cổ truyền quý giá, ACNHH chỉ phát huy hiệu quả khi được sử dụng đúng chỉ định, đúng thời điểm, dưới sự giám sát y tế.

Tự ý sử dụng không những không đem lại lợi ích, mà còn là hành động nguy hiểm, có thể cướp đi cơ hội sống của người bệnh. Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là vàng - mỗi phút trôi qua là hàng triệu tế bào thần kinh chết đi. Việc đầu tiên cần làm không phải là tìm thuốc, mà là sơ cứu bệnh nhân đúng cách.

SKĐS | Chuyên gia cảnh báo đột quỵ đang gia tăng ở giới trẻ.

BSNT. Phan Bích Hằng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-the-tu-vong-do-dung-an-cung-nguu-hoang-hoan-khong-dung-cach-169250417154519896.htm
Zalo