Tận dụng tiềm năng, cơ hội để phát triển công nghiệp
Nhiều chuyên gia đánh giá, Cần Thơ có rất nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp. Thành phố này nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, là đầu mối giao thương chiến lược và là cực tăng trưởng của khu vực. Ở đây có hệ thống cảng hàng không quốc tế, hệ thống cảng biển và thuận lợi kết nối giao thông bằng đường bộ và đường thủy với các địa phương trong vùng, với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và các khu vực lân cận cũng như quốc tế. Cần Thơ cũng có nguồn lao động được đào tạo khá dồi dào từ các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề trong khu vực...
![Ảnh minh họa: Công nhân tại Công ty Seavina (Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). (Ảnh: TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_14_51429702/c94c666f5c21b57fec30.jpg)
Ảnh minh họa: Công nhân tại Công ty Seavina (Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). (Ảnh: TTXVN)
Thấy rõ các lợi thế, những năm gần đây, thành phố đã chú trọng "dọn tổ, đón đại bàng" để phát triển công nghiệp. Tháng 10/2024, Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ (Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1) chính thức giải phóng mặt bằng đồng bộ với tổng diện tích 293,7 ha chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng. Đây hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm sản xuất mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến cuối năm 2025, nếu đạt tỷ lệ lấp đầy 60%, VSIP sẽ chuẩn bị thủ tục xin đầu tư Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ giai đoạn 2, quy mô 519 ha. Cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2). Dự án có diện tích 540,58 ha, tổng vốn đầu tư 7.850 tỷ đồng theo mô hình cụm liên kết ngành.
Nhà đầu tư cũng quan tâm tìm hiểu dự án Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn khoảng 250 ha và Khu công nghiệp Cờ Đỏ-Thới Lai với diện tích 1.070 ha. Tháng 10/2024, nhà máy chiếu xạ tại khu vực cảng Cần Thơ với công suất 19.000 tấn/năm chính thức đưa vào hoạt động, phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, tôm sang thị trường Mỹ, châu Âu. Các dự án nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn đang triển khai quyết liệt…
Việc phát triển công nghiệp tại Cần Thơ nhận được rất nhiều sự quan tâm của Chính phủ. Chính quyền địa phương cũng rốt ráo, quyết liệt, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất tại các khu công nghiệp với chi phí hợp lý và các thủ tục hành chính được đơn giản hóa...
Mặc dù vậy, Cần Thơ vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Hiện, thu hút FDI của Cần Thơ ở mức khá khiêm tốn. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra còn chậm với tỷ trọng các ngành kinh tế chưa thay đổi đáng kể theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Nguồn lao động dồi dào, song chất lượng lao động chưa đạt kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp đối mặt khó khăn trong tuyển dụng lao động có tay nghề cao cho các ngành công nghiệp đặc thù, dẫn đến việc gia tăng chi phí đào tạo lại nguồn nhân lực hoặc phải thuê chuyên gia từ các khu vực khác. Việc xây dựng chuỗi cung ứng công nghiệp tại Cần Thơ và kết nối với các tỉnh lân cận đối mặt với nhiều thách thức về sự thiếu hụt của các nguồn cung thượng nguồn và hạn chế về cơ sở hạ tầng, làm giảm tính liên kết và khả năng phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong vùng…
Để tận dụng tiềm năng, cơ hội phát triển công nghiệp, tạo nền tảng vững chắc bước vào kỷ nguyên mới, Cần Thơ cần chú trọng tháo gỡ một số điểm nghẽn. Theo đó, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp theo hướng đáp ứng nguyên tắc về lợi thế cạnh tranh của thành phố, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, tạo động lực phát triển vùng và dẫn dắt, thu hút các nguồn vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của thành phố. Đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giảng viên để tạo nguồn lực công nghiệp chất lượng cao.
Một số chuyên gia cho rằng, các khu kinh tế, khu công nghiệp tại miền bắc và miền trung đã tận dụng rất thành công xu thế cộng hưởng, hỗ trợ và cộng sinh lẫn nhau trong phát triển công nghiệp. Đây cũng sẽ là bài học đáng để tham khảo đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng...