Tận dụng nguồn nước hồ Dầu Tiếng nuôi cá lăng nha hiệu quả

Đôn Thuận là xã nông nghiệp của thị xã Trảng Bàng, trên địa bàn có sông Sài Gòn và tuyến kênh chính Đông thuộc hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng. Đây chính là tiềm năng, lợi thế phát triền nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Ông Võ Thanh Liêm kiểm tra cá bột trong bể ương.

Ông Võ Thanh Liêm kiểm tra cá bột trong bể ương.

Tận dụng những tiềm năng và lợi thế của địa phương, những năm gần đây, trên địa bàn xã Đôn Thuận xuất hiện một số mô hình nuôi trồng thủy sản như lươn, ếch, cà cuống, cá trắm cỏ, cá chép giòn... Trong đó, trại nuôi cá lăng nha giống của ông Võ Thanh Liêm (ấp Trảng Sa) là một trong những mô hình đem lại kết quả khả quan.

Cá lăng nha hay còn gọi là cá lăng đuôi đỏ, là loài cá da trơn, có hình dáng giống cá trê, thân thuôn dài về hướng đuôi. Loài cá này sống trong môi trường tự nhiên trên các sông lớn, có đặc điểm là thịt dai, ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Những năm gần đây, sản lượng cá lăng nha trong tự nhiên giảm sút nghiêm trọng do tình trạng khai thác quá mức.

Nhận thấy nuôi loại cá này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, kỹ sư Võ Thanh Liêm, giảng viên trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, áp dụng thành công quy trình sinh sản nhân tạo giống cá lăng nha và nuôi thương phẩm tại khu vực ven kênh Đông (thuộc ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng), mở ra một hướng phát triển kinh tế mới đầy triển vọng cho người dân địa phương.

Công nhân bắt và tuyển chọn cá giống bố mẹ trong ao nuôi.

Công nhân bắt và tuyển chọn cá giống bố mẹ trong ao nuôi.

Ông Võ Thanh Liêm cho biết, năm 2016, ông cùng vài người bạn quyết định chọn vùng đất ven kênh Đông tại ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận để xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản. Ban đầu, ông tận dụng số ao nuôi hiện có để nuôi một số loại thủy sản như: cá trắm cỏ, cá mè, cá chép giòn… Sau thời gian nuôi, nhận thấy giá bán thương phẩm của các loại cá này khá bấp bênh, thêm vào đó, nguồn giống và vật liệu đều phụ thuộc bên ngoài nên ông Liêm chuyển sang đầu tư nuôi cá lăng nha giống.

Theo ông Liêm, nuôi cá lăng nha trong ao đất đã được nhiều địa phương áp dụng. Với lợi thế nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng thông qua tuyến kênh Đông không bị ô nhiễm nên cá nuôi tăng trưởng nhanh, người nuôi không phải tốn nhiều công sức đầu tư xử lý kỹ thuật ao hồ. Ngoài ra, khi nuôi trong ao, nguồn nước ra, vào được kiểm soát chủ động về chất lượng giúp ngăn ngừa và hạn chế được mầm bệnh, bảo vệ môi trường nuôi và đàn cá, hạn chế tỷ lệ cá mắc bệnh.

Hiện tại, trang trại nuôi cá của ông Liêm có diện tích khoảng 7 ha, tập trung nuôi và nhân giống cá lăng nha. Trong đó, con giống bố mẹ nhập từ hai nguồn. Thứ nhất, cá giống vùng nội địa do người dân khai thác ngoài tự nhiên từ hồ Thác Mơ, hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng có ưu điểm sức chịu đựng tốt, da dày, thịt thơm ngon; thứ hai là nguồn cá giống bố mẹ được nhập từ Campuchia, Thái Lan có đặc điểm là tăng trưởng nhanh, vóc dáng to, khỏe mạnh, nặng ký. Nhờ đó, con cá giống sản xuất tại trại của ông Liêm có ưu điểm vượt trội so với các nơi khác, được khách hàng từ các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên ưa chuộng.

Theo ông Liêm, với quy mô trang trại hiện có, mỗi năm, trại của ông có thể sản xuất được khoảng 100 triệu con cá lăng nha giống, cung cấp cho người nuôi thương phẩm tại các tỉnh khu vực miền Tây, với giá bán trung bình 120 đồng/con.

Cá Lăng bột được nuôi chờ xuất bán làm cá giống.

Cá Lăng bột được nuôi chờ xuất bán làm cá giống.

Nói về định hướng phát triển trong tương lai, ông Võ Thanh Liêm cho biết, dự định của trang trại trong là mở rộng thêm đối tượng nuôi trồng, hướng đến mô hình Aquaponics (kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh rau sạch), kết hợp giữa nuôi cá lăng nha thương phẩm với trùn chỉ và trồng rau móp khép kín.

Ông Liêm chia sẻ thêm, trên thị trường hiện tại, nhu cầu thịt cá lăng nha là rất lớn, cá thương phẩm có giá bán khá cao, dao động từ 120.000 đồng đến 150.000/kg. Trùn chỉ có thể dùng làm thức ăn cho cá, lươn… ngoài thị trường chủ yếu là khai thác tự nhiên chứ rất ít trang trại nuôi, trong khi nhu cầu loài vật này rất lớn, giá bán khá cao, khoảng 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg.

Ngoài ra, với việc kết hợp trồng cây rau móp, một loại rau đặc sản có giá trị kinh tế cao của vùng đất Tây Ninh và Củ Chi, có thể dùng ăn sống, hoặc là chế biến thành những thực phẩm, vị thuốc nam quý sẽ góp phần gia tăng kinh tế của trang trại, vừa đáp ứng nguồn thực phẩm sạch, an toàn, vừa bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Ông Bùi Trung Nguyên- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đôn Thuận cho biết, trang trại nuôi cá lăng nha giống của ông Võ Thanh Liêm là mô hình nuôi cá quy mô lớn nhất ở địa phương, có triển vọng phát triển thành mô hình kinh tế hiệu quả, được chính quyền và nhiều hộ nông dân xã Đôn Thuận quan tâm. Thời gian tới, Hội sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi cá lăng nha thương phẩm cho các hộ có nhu cầu; ông Liêm sẽ chuyển giao kinh nghiệm và kỹ thuật cải tạo ao, phương pháp nuôi để giúp các thành viên trong tổ triển khai nuôi đạt hiệu quả.

Công nhân cho cá con ăn.

Công nhân cho cá con ăn.

Theo ông Hồ Văn Khang- Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Trảng Bàng, để từng bước chuyển dịch nuôi thủy sản theo hướng nuôi các loại cá truyền thống sang giống mới có giá trị kinh tế cao, Hội chủ trương khuyến khích các hộ nuôi thủy sản tại địa phương mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá lăng nha trong ao đất, giúp người nuôi đạt giá trị kinh tế cao, đa dạng hình thức nuôi để bảo đảm thuận lợi cho khâu tiêu thụ,

Thời gian tới, Hội Nông dân Thị xã sẽ vận động nhân rộng mô hình, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, đối với những hộ gặp khó khăn về nguồn vốn, Hội Nông dân Thị xã phối hợp với các ngân hàng có liên kết để hỗ trợ nông dân vay vốn lãi suất thấp, góp phần phát huy hiệu quả tiềm năng tự nhiên của địa phương.

Minh Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tan-dung-nguon-nuoc-ho-dau-tieng-nuoi-ca-lang-nha-hieu-qua-a176752.html
Zalo