Ngân hàng Nhà nước nới room:Tín dụng có tăng trưởng?

Mặc dù tín dụng tăng trưởng chưa đạt như kế hoạch, song một số ngân hàng đã chạm ngưỡng 80% chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao từ đầu năm 2024.

Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới hạn mức tín dụng (room) cho các ngân hàng được cho là giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng từ nay đến cuối năm 2024. Các chuyên gia dự báo về tốc độ tăng trưởng tín dụng thế nào?

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân. Ảnh: Đỗ Tâm

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân. Ảnh: Đỗ Tâm

“Nới” tăng trưởng tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 26-8, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023, tương đương với dư nợ tín dụng tăng thêm khoảng 900.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm 2024. Tính riêng giai đoạn từ cuối quý II-2024 đến ngày 26-8, tín dụng tăng thêm gần 72.000 tỷ đồng.

Về lãi suất, các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, nhưng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Thống kê mới nhất cho thấy, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm.

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, tín dụng tăng chậm do một số nguyên nhân, như nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vẫn còn gặp khó khăn. Tín dụng bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn. Tổng giám đốc một ngân hàng có hội sở ở Hà Nội cũng nhận định, mặc dù nhu cầu vay vốn tín dụng của khách hàng gần đây có tăng, nhưng thời điểm giải ngân rơi vào quý III và đầu quý IV-2024 nên tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chưa cao.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cuối tháng 8-2024, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đã đạt từ 80% chỉ tiêu được thông báo đầu năm 2024 dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cơ quan này chủ động bổ sung hạn mức, các tổ chức tín dụng không cần đề nghị.

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng phải thực hiện đúng chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và quy định về cấp tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với hạn chế nợ xấu gia tăng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trước đó, đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ở mức khoảng 15%. Nếu tính trên cơ sở dư nợ đến cuối năm 2023 là khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, sẽ có thêm khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt 15%?

Không quá bi quan về cơ hội tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm 2024, nhưng với kết quả thực hiện trong 8 tháng qua, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn trong các tháng còn lại để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 14%-15% như mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, tăng trưởng tín dụng 14%-15%/năm là thách thức lớn do tỷ lệ tín dụng/Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam đang ở mức quá cao. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt 6,1%, tương đương 41% mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra là 15%. Dự báo cả năm 2024, tăng trưởng tín dụng khoảng 14,83%, với kỳ vọng vào mùa mua sắm cuối năm, sản xuất, kinh doanh phục hồi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

Một số tổ chức kinh tế khác nhận định, cho vay mua nhà có thể dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong thời gian tới, khi lãi suất ở mức thấp và thị trường bất động sản dần hồi phục. Cùng với đó, động lực tăng trưởng còn đến từ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công. Dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 sẽ đạt 12%-13%.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) nhận định, tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới sẽ tiệm cận các mục tiêu đề ra, đặc biệt nếu các điều kiện kinh tế tiếp tục cải thiện. Áp lực tỷ giá giảm và khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn. Đại diện một số ngân hàng cũng dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục hồi phục nên các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động chuẩn bị nguồn vốn phục vụ cho thời kỳ cao điểm cuối năm.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, hệ thống ngân hàng luôn nỗ lực cung ứng nguồn vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, cũng như kiểm soát các nguy cơ rủi ro tín dụng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay. Từ góc độ quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cũng theo dõi sát diễn biến thị trường, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, giúp các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng:
Tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan

Từ nay đến cuối năm 2024, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan. Trong những tháng cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế. Ngân hàng sẽ điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay…

Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng:
Hướng dòng vốn vào các dự án trọng điểm

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2024, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ xem xét việc giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất sẽ vô cùng khó khăn khi áp lực huy động vốn đang tăng lên. Hiện nay, các thủ tục cấp tín dụng đơn giản hơn, bám sát các quy định về bảo đảm an toàn. Từ quá trình lập hồ sơ đến giải ngân, cấp vốn tín dụng đều ứng dụng công nghệ và xử lý nhanh theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Thời gian tới, Vietcombank sẽ tập trung vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Còn mục tiêu xuyên suốt của Vietcombank là hướng dòng vốn vào các dự án lớn, các dự án trọng điểm có tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đồng thời, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vẫn là khách hàng mục tiêu, đặc thù của Vietcombank. Với cam kết cấp tín dụng trong thời gian tới, lộ trình tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đến hết ngày 30-9 đạt 8,2% và đến hết ngày 31-12-2024 sẽ lên đến 12%.

Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường (VNDirect) Đinh Quang Hinh:
Tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ giảm

Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, áp lực tỷ giá hạ nhiệt cho phép Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. Nhà điều hành sẽ có thêm không gian chính sách để hỗ trợ thanh khoản thông qua kênh thị trường mở, cũng như có điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm 2024.

Kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ giảm dần về cuối năm và chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng tăng trưởng tín dụng. Dự báo, lãi suất huy động bình quân 12 tháng sẽ ở mức 5,2%-5,3% vào cuối năm nay, thấp hơn dự báo 5,3%-5,5%/năm trong báo cáo chiến lược giữa năm 2024. Sự thay đổi này dựa trên khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự kiến trước đó. Trong chỉ đạo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.

Hà Linh ghi

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngan-hang-nha-nuoc-noi-room-tin-dung-co-tang-truong-677389.html
Zalo