Tận dụng Cơ sở dữ liệu để chống thất thu thuế
Công tác thống kê thuế là một phần không thể tách rời với định hướng phát triển của ngành Thuế. Ngành Thuế tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án hiện đại hóa công tác thống kê thuế, từng bước sử dụng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác thống kê, phân tích…, giúp hoạch định chính sách cũng như điều hành, quản lý, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Phản ánh đầy đủ tình trạng hoạt động, kinh doanh
Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, trong nhiều năm qua, cùng với việc cung cấp ngày càng nhiều hơn, tiện ích hơn các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế (NNT), ngành Thuế đã từng bước xây dựng và tích lũy được một nguồn dữ liệu to lớn với lượng thông tin khổng lồ và là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá phản ánh đầy đủ tình trạng hoạt động, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế của mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ khi bắt đầu cho đến khi chấm dứt hoạt động.
Khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu
“Năm 2024 trở đi là thời điểm chín muồi để ngành Thuế bắt đầu chú trọng xây dựng, phát triển công tác thống kê thuế để khai thác hiệu quả nguồn cơ sở dữ liệu quý giá, to lớn này phục vụ công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế” - Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế).
Nguồn dữ liệu ngành Thuế tích lũy được gồm: thông tin liên quan đến đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp như: loại hình doanh nghiệp, chủ sở hữu, nguồn vốn, quy mô, số lượng lao động…; tình hình tài chính như: tài sản, nợ vay, vốn chủ sở hữu…; thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh như: doanh thu, chi phí, lợi nhuận…; thông tin về tình hình chấp hành pháp luật thuế, thông tin về khoản nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của hơn 1 triệu doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động, gần 3 triệu hộ cá nhân kinh doanh và hàng chục triệu cá nhân có nghĩa vụ với NSNN.
Đặc biệt, từ 1/7/2022 đến nay, cơ sở dữ liệu (CSDL) hóa đơn điện tử đã phản ánh gần như toàn bộ giao dịch mua bán của nền kinh tế ngay tại thời điểm phát sinh; bên cạnh đó là nguồn dữ liệu thu thập được từ việc trao đổi thông tin, phối hợp công tác các cơ quan quản lý nhà nước hay từ chính NNT là các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử... Theo Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, đây là cơ sở quan trọng để ngành Thuế thực hiện các mô hình quản lý thuế mới, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý thuế, tự động hóa các quy trình nghiệp vụ theo hướng hệ thống ra quyết định và giao việc cho cán bộ thuế, kiểm soát công việc và giám sát kết quả.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, nguồn thông tin dữ liệu to lớn trên là vô cùng quan trọng của ngành Thuế, ngành Thuế “quyết không để lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này”. Người đứng đầu ngành Thuế đã giao cho các vụ, đơn vị của Tổng cục Thuế, trong đó có Vụ Kê khai và Kế toán thuế xây dựng Đề án hiện đại hóa công tác thống kê thuế, từng bước sử dụng CSDL để phục vụ cho công tác thống kê, phân tích, dự báo xu hướng…, phục vụ cho công tác hoạch định chính sách cũng như điều hành, quản lý, chống thất thu NSNN.
Kiểm soát đối tượng nộp thuế trên mọi ngành, lĩnh vực
Năm 2025, trên cơ sở ý kiến tham gia của các cục thuế, các vụ, đơn vị, Vụ Kê khai và Kế toán thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án hiện đại hóa công tác thống kê thuế; hoàn thiện các chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo thống kê tĩnh và động phục vụ nhu cầu quản lý của cơ quan thuế các cấp. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu, biểu mẫu báo cáo thống kê trong lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của ngành Thuế, phục vụ tốt cho công tác thống kê, quản lý thuế; sửa đổi, bổ sung quy chế quy định trách nhiệm về kiểm soát xử lý dữ liệu, từ đó quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan thuế các cấp, công chức thuế trong việc làm sạch CSDL phục vụ công tác thống kê, quản lý thuế.
Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ triển khai kế hoạch làm sạch dữ liệu theo từng nhóm chức năng như đăng ký thuế như: rà soát toàn bộ thông tin đăng ký của NNT, số căn cước công dân của người đại diện theo pháp luật, trạng thái, loại hình, ngành nghề kinh doanh…; thông tin kê khai, nộp thuế như: cập nhật kịp thời, đầy đủ dữ liệu tờ khai, báo cáo tài chính; rà soát chuẩn hóa dữ liệu nộp thừa, dữ liệu hóa đơn điện tử cũng cần phải có giải pháp công nghệ để phân loại các nhóm hàng hóa phục vụ công tác thống kê, phân tích.
Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện quy chế, hệ thống trao đổi thông tin hiện có với Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội, Ủy ban Chứng khoán hay các ngân hàng thương mại…; tiếp tục nghiên cứu, mở rộng trao đổi thông tin với các đơn vị khác như Bộ Công an (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06), Bộ Giao thông vận tải (Cục đường bộ, Cục đường cao tốc…). Đồng thời, tăng cường, mở rộng trao đổi, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế như: OECD, IMF, cơ quan thuế của các nước phát triển để áp dụng các tiêu chuẩn quản lý thuế tiên tiến, ngăn chặn, phát hiện kịp thời tình trạng thất thu từ các giao dịch xuyên quốc gia./.