Tận dụng cơ hội từ giá cà phê nhảy vọt

Giá cà phê liên tiếp lập đỉnh kỳ vọng mang lại cơ may lớn cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu, tạo ra tiềm năng vững chắc cho ngành cà phê Việt Nam.

Thị trường cà phê trong nước đang chứng kiến mức giá lập đỉnh tăn vọt lên mức 130.000 đồng/kg, một con số kỷ lục trong nhiều năm qua. Điều này không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn đặt ngành cà phê Việt Nam trước nhiều cơ hội quý báu.

Trong bối cảnh nhu cầu cà phê trên thế giới không ngừng tăng, Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc nhằm tận dụng tối đa tiềm năng xuất khẩu của mình.

Giá cà phê tiếp tục lập đỉnh mới

Trong những tháng gần đây, giá cà phê trên thị trường thế giới liên tục tăng, nhiều lần lập đỉnh mới. Theo số liệu ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá bình quân xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt mức 4.489 USD/tấn trong tháng 6/2024, tăng 5% so với tháng 5/2024 và tăng 67,3% so với tháng 6/2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.570 USD/tấn, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/7/2024, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2024 tăng 41 USD/tấn, ở mức 4.617 USD/tấn, giao tháng 11/2024 tăng 44 USD/tấn, ở mức 4.441 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tăng 3,9 cent/lb, ở mức 248,75 cent/lb, giao tháng 12/2024 tăng 4,15 cent/lb, ở mức 246,8 cent/lb.

Giá cà phê trong nước ngày 13/7/2024 tiếp tục tăng thêm 500 đồng/kg và lên mức 129.000 đồng/kg ở các vùng trọng điểm ở Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của cà phê nước ta.

Theo nhận định của một số chuyên gia, giá cà phê biến động mạnh thời gian gần đây là hiện tượng El Nino toàn cầu gây nắng nóng, khô hạn, dẫn đến thiếu nước cho cà phê. Nhiều vùng trồng cây cà phê đã bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới, cháy lá, thậm chí cây cà phê chết. Chính điều này đã khiến nhiều người lo ngại việc sản xuất cà phê sẽ bị ảnh hưởng, nhu cầu mua trữ hàng tăng dẫn đến giá cà phê tăng vọt.

Nguồn cung cà phê Robusta, đặc biệt là từ Việt Nam, vào thời điểm này vẫn tiếp tục eo hẹp. Lý do đã qua vụ thu hoạch từ lâu, hàng tồn kho không còn, các doanh nghiệp trữ cà phê lại không bán ra. Sản lượng cà phê Brazil, quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, dự kiến giảm khoảng 20% so với vụ trước do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn. Tựu chung, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá cà phê tăng mạnh.

Ngoài ra, việc nông dân Brazil không còn mặn mà bán cà phê ra thị trường bởi chênh lệch tỷ giá đồng Real Brazil so với USD là quá lớn.

Theo một số doanh nghiệp, hiện sản lượng cũng không có nhiều, chủ yếu để phục vụ thị trường nội địa. Các doanh nghiệp lớn không dám mạo hiểm ký hợp đồng mới khi giá cả liên tục biến động mạnh cùng với đó là việc vận chuyển khó khăn do cước tàu biển tăng.

Cà phê xuất khẩu Việt Nam (Ảnh minh họa)

Cà phê xuất khẩu Việt Nam (Ảnh minh họa)

Cơ hội vàng cho ngành xuất khẩu cà phê

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chỉ đạt 70.202 tấn, giảm 11,5% so với tháng 5. Đây cũng được ghi nhận là tháng sụt giảm thứ 3 liên tiếp. Sản lượng cà phê xuất khẩu tích lũy trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 893.820 tấn, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới thương nhân cho rằng, tình trạng xuất khẩu ảm đạm và khan hiếm nguồn cung tại Việt Nam có thể kéo dài đến tháng 11 năm nay, khi vụ mới bắt đầu thu hoạch.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết: “Giá cà phê tăng cao là do sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm”.

Với diễn biến tích cực về giá cà phê thế giới tăng, ngành xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, giá cà phê tăng cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ chế biến, và đa dạng hóa sản phẩm nhằm gia tăng giá trị gia tăng. Tận dụng cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng phát triển các sản phẩm cà phê chế biến sâu như cà phê hạt rang, cà phê tỏa hương, cà phê túi lọc để tăng giá trị xuất khẩu.

Giá cà phê tăng cao cũng khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm và khai thác thêm nguồn nguyên liệu từ nông dân. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu xuất khẩu trong bối cảnh nguồn cung cà phê toàn cầu bị thắt chặt.

Tuy nhiên, giá cà phê tăng cao không chỉ mang lại lợi ích mà còn đặt ra nhiều thách thức. Giá cà phê cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí nguyên liệu đầu vào. Điều này sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp nếu không thể điều chỉnh giá bán phù hợp.

Bên cạnh đó, việc giá cà phê biến động mạnh cũng sẽ tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp, khiến cho việc lập kế hoạch và dự báo trở nên khó khăn hơn. Doanh nghiệp cần linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để ứng phó với những biến động bất thường của thị trường.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), nhận định: “Ngành cà phê đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất khác. Việc duy trì chất lượng và sản lượng ổn định là yếu tố then chốt để giữ vững vị thế trên thị trường thế giới”.

Theo bà Lê Thị Hồng, chuyên gia kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân, việc giá cà phê tăng cao còn tạo áp lực lên người tiêu dùng và các nhà rang xay. “Mặc dù giá cà phê tăng mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân, nhưng cũng cần cân nhắc đến việc đảm bảo giá bán lẻ không tăng quá cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cuối cùng”, bà Hồng nhấn mạnh.

Để tận dụng tối đa cơ hội từ giá cà phê tăng cao, các chuyên gia cho rằng ngành cà phê Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh: “Việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến cà phê, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố then chốt để gia tăng giá trị xuất khẩu”.

Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Giám đốc Marketing của một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn, chia sẻ: “Chúng ta cần tập trung vào việc xây dựng thương hiệu mạnh, nhấn mạnh đến nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm để tạo sự khác biệt trên thị trường quốc tế”.

Dự báo diễn biến thị trường cà phê giai đoạn 6 tháng cuối năm 2024, dựa trên các yếu tố như điều kiện thời tiết, năng suất cây trồng và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, giới quan sát cho rằng có thể giá của loại "hạt đắng" này sẽ chưa thể hạ nhiệt. Ông Trần Hữu Nam, chuyên gia phân tích thị trường cà phê cho rằng: “Nguồn cung cà phê trên thế giới vẫn còn nhiều bất ổn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các yếu tố địa chính trị. Tuy nhiên, Việt Nam với điều kiện khí hậu thuận lợi và chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang có cơ hội lớn để gia tăng sản lượng và xuất khẩu”.

Nhìn chung, giữa bối cảnh thị trường cà phê toàn cầu đang biến động, sự nỗ lực và sáng tạo của các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giữ vững vị thế và phát triển bền vững ngành cà phê.

Yến Thư

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tan-dung-co-hoi-tu-gia-ca-phe-nhay-vot-331982.html
Zalo