Luật Điện lực sửa đổi: Làm sao để người dân không phải 'gánh' tiền điện cho sản xuất?

Vấn đề này được giới chuyên gia bàn luận tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), ngày 9/8.

Những vấn đề lớn được bàn luận trong lần sửa này gồm: Phát triển điện năng lượng tái tạo; hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; đặc biệt là nội dung về phát triển thị trường điện…

Tăng tính chủ động cho các khung giá điện

Liên quan đến vấn đề giá điện, luật đề ra một loạt các khung giá như giá bán buôn, giá bán lẻ điện; giá dịch vụ phát điện… Ông Lưu Hoàng Hà, đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đề xuất các khung giá được ban hành làm sao để tính đến tính chủ động, cũng như quy định mở để việc đàm phán các hợp đồng mua bán giữa hai doanh nghiệp với nhau… hướng đến mục tiêu nhà nước không can thiệp.

Hiện Việt Nam áp dụng giá điện theo điện năng, còn hầu hết các nước đều áp dụng giá điện hai thành phần. Ảnh: EVN.

Hiện Việt Nam áp dụng giá điện theo điện năng, còn hầu hết các nước đều áp dụng giá điện hai thành phần. Ảnh: EVN.

Ông Hà lưu ý đến vấn đề bù chéo giá điện giữa các khối khách hàng sử dụng điện. Hiện giá điện sản xuất thấp hơn giá điện tiêu dùng của các hộ dân. "Đây là vấn đề gây tranh cãi cho xã hội trong thời gian rất dài và chúng ta cần phải giải quyết", ông Hà nói và đề xuất có lộ trình xóa bỏ bù giá chéo để tạo ra bình đẳng xã hội, hạn chế vấn đề xã hội có thể phát sinh trong tương lai.

Việc có lộ trình rõ ràng, theo ông Hà, giúp các hộ sử dụng điện lớn như doanh nghiệp sản xuất có lộ trình chuẩn bị trước, thay vì đến một lúc không thể giữ giá được nữa, chúng ta thay đổi đột ngột sẽ dẫn đến sự thiếu chuẩn bị của doanh nghiệp.

Đại diện VBF cũng góp ý, Bộ Công thương cũng đang xây dựng giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng), nên lần sửa này cần có một số nguyên tắc cơ bản để đưa vào luật. Việc này nhằm đảm bảo nền tảng pháp lý cho chính sách giá điện 2 thành phần về sau.

Đồng quan điểm, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cũng cho rằng, vấn đề giá điện 2 thành phần là điều phải thực hiện trong tương lai gần để tăng tính công bằng. Nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng, vì thế, cần được bổ sung vào luật.

Ông Lưu Hoàng Hà, đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

Ông Lưu Hoàng Hà, đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

Luật nên có điều khoản chuyển tiếp

Liên quan đến vấn đề mua bán điện, ông Lưu Hoàng Hà kiến nghị, luật có điều khoản chuyển tiếp để áp dụng cho các dự án đã được đầu tư xây dựng và vận hành trong thời gian vừa rồi.

Ông dẫn chứng, thực tế, sau khi hết giá mua điện ưu đãi (FIT) cho năng lượng tái tạo, thì tạo ra một tình huống, nhiều doanh nghiệp sản xuất rất khó khăn khi xuất khẩu hàng của mình vì không đáp ứng tiêu chuẩn xanh là phải sử dụng năng lượng tái tạo.

Vì thế, họ đã chủ động lắp điện mặt trời áp mái, lắp thiết bị chống phát ngược, không đưa lên hệ thống lưới điện quốc gia, để có thể chứng minh được với các thị trường xuất khẩu là có dùng điện sạch.

"Các dự án này được đầu tư, vận hành trong bối cảnh không có quy định, không biết cấm hay không, không biết cho phép hay không, nhưng nó xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu hàng hóa, giúp tiết kiệm tiền điện…không có hại gì nhà nước, không nhận đồng tiền nào từ nhà nước, đầu tư vốn họ bỏ ra…", ông Hà lý giải cho thực tế khách quan nên cần một chính sách để "lấp đầy" khoảng trống trên.

Hiện nghị định về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn đã được ban hành, mở ra kỳ vọng mới cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tuy nhiên, một số chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn vướng vì một số quy định chưa được quy định tại Luật Điện lực hiện hành, trong đó có vấn đề "hợp đồng quyền chọn".

Ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Về việc này, ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho hay, xuất phát từ thực tiễn giao dịch của thị trường điện giao ngay và nhu cầu sử dụng các công cụ phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện trong quá trình giao dịch. Ngoài việc giao dịch thông qua "hợp đồng kỳ hạn", các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ còn có thể lựa chọn một loại công cụ khác có chức năng bảo hiểm, phòng ngừa rủi ro đó là "hợp đồng quyền chọn".

Tương tự như "hợp đồng kỳ hạn", "hợp đồng quyền chọn" là một công cụ bảo hiểm giá có vai trò, chức năng phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện giao ngay và chi phí sản xuất không ổn định.

Tuy nhiên, "hợp đồng kỳ hạn" lại được đưa vào luật, còn "hợp đồng quyền chọn" lại không.

Trong khi đó, hợp đồng quyền chọn làm cơ sở pháp lý cho các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh có thể sử dụng, triển khai trong thực tiễn giao dịch, mua bán trên thị trường điện lực.

Vì thế, đại diện MXV kiến nghị đưa "hợp đồng quyền chọn" vào luật về cả nội dung và khái niệm. Với khái niệm được quy định tại Luật Thương mại năm 2005 là:"Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó".

Vị đại diện cũng kiến nghị bổ sung khái niệm "Thị trường điện kỳ hạn". Cụ thể, "Thị trường điện kỳ hạn là thị trường mua, bán các hợp đồng điện năng trong đó giá mua bán được ấn định trước cho các chu kỳ giao dịch do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện thực hiện trong tương lai".

Đồng thời, cần quy định về việc giao Chính phủ hoặc Bộ Công thương quy định chi tiết về thị trường điện kỳ hạn.

Giảm độc quyền của ngành điện

Hiện nhiều nguồn điện và công trình điện lớn do Nhà nước đầu tư chậm tiến độ, ông Lưu Hoàng Hà cũng lưu ý đến vấn đề độc quyền trong ngành điện.

"Với các dự án nguồn, truyền tải khẩn cấp, hay dự án điện hạt nhân… thì dự thảo đang quy định doanh nghiệp nhà nước đầu tư. Tôi đề xuất chúng ta xây dựng một cơ chế mở hơn, việc lựa chọn chủ đầu tư sẽ do Nhà nước quyết định nhưng không nên loại trừ nhà đầu tư tư nhân tham gia vào hoạt động này nếu họ đáp ứng được tất cả vấn đề về tiến độ, an toàn, an ninh quốc phòng…", ông Hà nói và nhận định, nhiều trường hợp nhà đầu tư tư nhân đầu tư hiệu quả hơn.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/luat-dien-luc-sua-doi-lam-sao-de-nguoi-dan-khong-phai-ganh-tien-dien-cho-san-xuat-192240809192920798.htm
Zalo