Tấn công vào hạ tầng dầu mỏ tại Yemen: Rủi ro gia tăng đối với nguồn cung năng lượng

Các cảng Hodeidah và Ras Isa ở Yemen đã phải hứng chịu các cuộc tấn công của Israel, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển trong khu vực và làm trầm trọng thêm căng thẳng địa chính trị tại khu vực quan trọng đối với nguồn cung dầu toàn cầu.

Các bồn chứa dầu bốc cháy tại cảng do Houthis chiếm giữ ở Hodeidah, Yemen, sau cuộc không kích của Israel, ngày 20 tháng 7 năm 2024 (Ảnh AP)

Các bồn chứa dầu bốc cháy tại cảng do Houthis chiếm giữ ở Hodeidah, Yemen, sau cuộc không kích của Israel, ngày 20 tháng 7 năm 2024 (Ảnh AP)

Các cuộc tấn công gần đây của Israel vào các cảng Hodeidah và Ras Isa của Yemen đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng năng lượng địa phương. Những cơ sở này nằm dọc theo Biển Đỏ, đóng vai trò chiến lược trong việc vận chuyển dầu ở Trung Đông.

Theo tuyên bố của Chính quyền Israel, các cơ sở hạ tầng bị tấn công đóng vai trò là điểm giao nhau cho việc vận chuyển vũ khí từ Iran, và nhằm tăng cường khả năng quân sự của lực lượng Houthi, một nhóm được Tehran hỗ trợ. Tình trạng này không chỉ làm gián đoạn thương mại hàng hải trong khu vực mà còn làm gia tăng lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung cấp hydrocarbon.

Những sự cố này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang gia tăng sau vụ tấn công do nhóm vũ trang Hamas thực hiện nhằm vào Israel ngày 10/7. Đáp lại, Israel đã tăng cường các hành động quân sự, nhắm vào các điểm chiến lược được người Houthi sử dụng nhằm làm gián đoạn giao thông hàng hải.

Các báo cáo gần đây từ S&P Global Commodity Insights chỉ ra rằng hàng ngày khoảng 3,3 triệu thùng dầu thô và sản phẩm tinh chế đi qua eo biển Bab al-Mandab, nằm gần các cảng bị tấn công. Khối lượng này chiếm một phần đáng kể trong nguồn cung toàn cầu, và bất kỳ sự gián đoạn nào trong khu vực nhạy cảm này đều có thể gây ra tác động lớn đến thị trường năng lượng.

Tác động đến thương mại hàng hải khu vực

Các cuộc tấn công đã buộc nhiều nhà khai thác hàng hải phải điều chỉnh lại tuyến đường, kéo dài hành trình quanh sừng châu Phi. Tình trạng này làm phức tạp thêm hoạt động hậu cần trong vận tải biển, làm tăng chi phí và làm chậm quá trình giao hàng.

Eo biển Bab al-Mandab là tuyến đường chiến lược nối Ấn Độ Dương với Biển Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez. Với vị trí địa lý quan trọng, khu vực này có vai trò sống còn trong trung chuyển năng lượng. Tuy nhiên, sự gia tăng các cuộc tấn công đang gây nguy hiểm cho tuyến đường vận chuyển này, làm tăng rủi ro cho người khai thác tàu chở dầu.

Theo các nhà phân tích của S&P Global, mặc dù những cuộc tấn công gần đây này chưa ảnh hưởng đến dòng chảy thực tế của dầu, nhưng nguy cơ gián đoạn tiếp theo vẫn rất cao. Xung đột có thể khiến các bên liên quan trong khu vực, đặc biệt là Iran, tăng cường hỗ trợ cho các nhóm vũ trang, từ đó tăng nguy cơ tấn công vào hạ tầng và tàu thuyền đi qua hành lang này. Chi phí bảo hiểm tàu thuyền, vốn đã tăng lên, có thể tiếp tục leo thang, gây áp lực lên biên lợi nhuận của các công ty dầu khí hoạt động tại khu vực này.

Tình hình năng lượng của Yemen và sự phụ thuộc vào bên ngoài

Yemen, mặc dù là nước khai thác dầu nhỏ, nhưng vẫn là một nước đóng vai trò chiến lược nhờ vào vị trí địa lý. Trước khi bùng nổ nội chiến vào năm 2011, nước này khai thác từ 300.000 đến 400.000 thùng mỗi ngày. Ngày nay, sản lượng đã giảm xuống còn khoảng 10.000 thùng mỗi ngày, chỉ đủ cho tiêu dùng địa phương. Trong trường hợp không có đủ công suất lọc dầu, Yemen phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu các sản phẩm đã lọc từ UAE, Ả Rập Saudi, Nga và Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Theo dữ liệu từ S&P Global Commodities at Sea, nhập khẩu các sản phẩm đã lọc của Yemen đạt 3,3 triệu thùng trong năm nay tại Hodeidah và Ras Isa.

Sự phụ thuộc này khiến Yemen phải đối mặt với những biến động bên ngoài và rủi ro hậu cần, càng trở nên trầm trọng hơn, do bất ổn chính trị và xung đột quân sự. Các cuộc tấn công của Israel vào các cảng chiến lược này có nguy cơ làm tổn hại thêm đến nguồn cung cấp năng lượng của đất nước, làm xấu đi tình hình kinh tế vốn đã bấp bênh.

Căng thẳng địa chính trị và rủi ro cho thị trường toàn cầu

Hậu quả của những cuộc tấn công này không chỉ giới hạn ở Yemen. Căng thẳng khu vực gia tăng sau vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah bởi lực lượng Israel. Sự leo thang này có thể dẫn đến các cuộc trả đũa từ các bên liên quan, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột rộng hơn. Nếu những căng thẳng này làm giảm khả năng vận chuyển ở eo biển Bab al-Mandab, giá dầu có thể chịu áp lực tăng cao, làm tăng thêm sự bất ổn của thị trường năng lượng.

Yemen, dù đóng vai trò nhỏ trong khai thác dầu, vẫn là một điểm trung chuyển quan trọng. Bất kỳ sự gián đoạn nào tại khu vực này đều có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng. Các nhà khai thác đang theo dõi sát sao các diễn biến, nhận thức được rằng xung đột có thể lan sang các khu vực chiến lược khác, làm phức tạp thêm việc vận chuyển dầu khí.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tan-cong-vao-ha-tang-dau-mo-tai-yemen-rui-ro-gia-tang-doi-voi-nguon-cung-nang-luong-718500.html
Zalo