Tạm ứng viện phí cấp cứu: Đau đầu khi vừa cứu người vừa thu tiền, nhắc nợ

Các cơ sở y tế phải tuân thủ quy định cấp cứu trước, thủ tục hành chính như tạm ứng viện phí sau. Tuy nhiên không ít trường hợp trốn đóng viện phí gây khó cho bệnh viện.

Liên quan đến vụ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định bị tố "phải đóng đủ tiền mới cấp cứu" gây xôn xao dư luận những ngày gần đây, trao đổi với PLO, bác sĩ Nguyễn Văn Nam, khoa Cấp Cứu Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội), cho biết về nguyên tắc, các cơ sở y tế phải tuân thủ quy định: “Cấp cứu là ưu tiên hàng đầu, không phụ thuộc vào tình trạng tài chính".

Cứu người trước, thủ tục hành chính sau

Do đó, nếu có chuyện nhân viên y tế trì hoãn xử trí ban đầu để chờ đóng tạm ứng viện phí thì đó là sai hoàn toàn và cần bị xem xét trách nhiệm cụ thể. Tuy nhiên, không thể vội vàng đánh giá quy trình tại bệnh viện trên là đúng hay sai khi chưa có đầy đủ thông tin chính thức và khách quan.

Cũng ý kiến bác sĩ Nam, một đoạn clip ngắn, không rõ bối cảnh đầu - cuối không thể phản ánh toàn bộ sự việc. Có thể đó là sai sót, cũng có thể là hiểu nhầm, hoặc là hệ quả của một cách vận hành còn nhiều bất cập. Để công bằng, cần có điều tra minh bạch, dựa trên quy trình thực tế và bản tường trình của những người liên quan.

"Nếu sau khi điều tra, có căn cứ cho thấy việc trì hoãn xử trí vì lý do tài chính là có thật thì cần xử lý nghiêm minh, không bao che, không hợp thức hóa sai phạm dưới danh nghĩa quy trình” - bác sĩ Nam nhấn mạnh.

 Bệnh nhi trong sự việc gây xôn xao dư luận đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi trong sự việc gây xôn xao dư luận đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC

Một bác sĩ nhiều năm làm cấp cứu tại một bệnh viện công lập tại Quảng Nam, cho biết cấp cứu tại các cơ sở y tế luôn đặt tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu, huy động tất cả nguồn lực để cứu sống người bệnh.

Quy trình cấp cứu người bệnh có nhiều bước và không có bước dừng lại chờ người nhà tạm ứng viện phí, vì điều này vi phạm Chỉ thị 661 của Thủ tướng chính phủ về khám chữa bệnh ngay cho những người bệnh cấp cứu.

Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chưa miễn viện phí hoàn toàn, hoặc có những khoản ngoài BHYT chi trả thì người bệnh phải đóng khoản này. Để hoàn tất hồ sơ bệnh án nhằm chuyển khoa điều trị hoặc chuyển phẫu thuật cấp cứu, nhân viên khoa cấp cứu sẽ cho bệnh nhân đóng tạm ứng viện phí như là một bước để hoàn tất hồ sơ. Việc này làm đồng thời chứ không chờ người nhà đóng tạm ứng viện phí mới cấp cứu bệnh nhân.

"Các ca cấp cứu nặng, nguy kịch như đa chấn thương, nhồi máu cơ tim... tỉ lệ tử vong rất cao, chúng tôi phải xử trí ngay. Nhưng nếu sau đó bệnh nhân không đóng viện phí thì cũng rất khó cho bệnh viện.

Giá như những trường hợp này có một bên thứ ba chi trả thì sẽ bớt việc cho nhân viên y tế, khi đó họ sẽ dồn sức vào cấp cứu người bệnh mà không phải làm thêm một bước là thu viện phí như hiện nay” - bác sĩ này nói.

101 chuyện "bùng" viện phí cấp cứu

Quá trình làm việc tại khoa Cấp cứu, bác sĩ Nam cho biết có thực tế nhức nhối mà nhiều kíp trực cấp cứu phải đối mặt đó là tình trạng bệnh nhân trốn viện, không đóng viện phí. Ông từng chứng kiến, giải trình và phải gọi điện xác minh địa chỉ bệnh nhân đã khai nhưng đầu dây bên kia là một người hoàn toàn không liên quan.

Bác sĩ Nam kể, có đồng nghiệp của ông từng cấp cứu một bệnh nhân vào viện vì cơn tăng huyết áp, được bác sĩ cho thuốc, xét nghiệm nhưng chưa thu tiền tạm ứng viện phí. Sáng hôm sau, bệnh nhân... biến mất.

Bác sĩ đi tìm địa chỉ, gọi điện theo thông tin trên bệnh án nhưng lại là địa chỉ "ma". Bác sĩ sau đó phải viết báo cáo, giải trình, thêm lo lắng không biết mình có phải trả tiền thay bệnh nhân không.

Hay một bệnh nhân khác cũng vào viện vì cơn tăng huyết áp, không tạm ứng viện phí. Lần này bác sĩ rút kinh nghiệm, nhắc nhở ngay từ đầu nhưng bị bệnh nhân phản ứng gay gắt: “Bác sĩ thấy chết không cứu à, sao mở miệng là nhắc đến tiền. Tôi không có tiền bác sĩ để tôi chết phải không?”.

Nói xong, bệnh nhân rút điện thoại gọi đường dây nóng bệnh viện để phản ánh. Ê-kíp bị cấp trên nhắc nhở về văn hóa tiếp xúc với bệnh nhân. Thế nhưng vài ngày sau, chính bệnh nhân này lại trốn viện, bác sĩ lại viết giải trình.

 Khoa Cấp Cứu Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Khoa Cấp Cứu Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội). Ảnh: NVCC

"Với những bệnh nhân không giấy tờ, không người thân đi cùng, không đóng tạm ứng viện phí, chúng tôi vẫn cấp cứu theo đúng chuyên môn. Nhưng nếu sau khi điều trị, bệnh nhân bỏ viện mà không thanh toán thì chi phí thuốc men, vật tư, dịch vụ sử dụng rất khó thu hồi. Phòng Công tác xã hội thường không hỗ trợ những trường hợp thiếu hồ sơ xác minh hoàn cảnh cụ thể, nên gánh nặng thường đổ lên kíp trực hoặc bác sĩ nhận bệnh" - bác sĩ Nam chia sẻ.

Một bác sĩ cấp cứu gần 20 năm kinh nghiệm tại một bệnh viện ở TP Thủ Đức (TP.HCM), cho rằng các tình huống bệnh nhân không có người thân, không có tiền và giấy tờ không hiếm. Mỗi ngày, khoa cấp cứu của bệnh viện nơi bác sĩ công tác tiếp nhận khoảng 100 ca. Nhiều ca được cấp cứu xong... bỏ đi luôn, không để lại thông tin, không ai thanh toán.

"Bệnh viện có các bước xử lý rõ ràng cho trường hợp không có thân nhân, không thể xác định nhân thân ngay như bác sĩ hội chẩn, xác nhận tình trạng, thực hiện thủ thuật nếu cần... rồi báo cáo sau. Nhiều người có thể do này lý do kia trốn viện phí, nhưng cứ vậy thì tội cho bệnh viện quá bởi mọi can thiệp đều tốn kém cả..." - bác sĩ nói.

Cần có quỹ hỗ trợ tạm ứng viện phí cấp cứu

Theo bác sĩ Nam, trong cấp cứu, thời gian là yếu tố sống còn. Cụ thể, khi bệnh nhân đến khoa Cấp cứu, bác sĩ phải lập tức đánh giá, phân loại mức độ nguy kịch. Nếu bệnh nhân trong tình trạng nặng, đe dọa tính mạng, các can thiệp y tế phải thực hiện ngay, không chờ người nhà ký giấy hay đóng tạm ứng viện phí.

Việc thu viện phí, ký cam kết, nhập thông tin chỉ được thực hiện khi bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hoặc song song trong quá trình điều trị nếu tình trạng ổn định hơn. Thậm chí, những ca không có người thân, không giấy tờ, ê-kíp vẫn cấp cứu như thường, không được từ chối hay trì hoãn.

 Bác sĩ Nguyễn Văn Nam, khoa Cấp Cứu Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội), đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Nguyễn Văn Nam, khoa Cấp Cứu Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội), đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC

"Quy trình chuẩn không chỉ nằm trên giấy mà phải tạo điều kiện để bác sĩ thực thi nhiệm vụ một cách an toàn cho cả bệnh nhân lẫn bản thân họ. Cần nhìn nhận rõ đây là vấn đề thuộc về hệ thống vận hành. Vì vậy, mọi giải pháp đưa ra cũng phải đi từ góc độ quản trị” - bác sĩ Nam nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Nam, bác sĩ, điều dưỡng chỉ nên tập trung cứu người, không nên kiêm vai trò kiểm soát viện phí, thu tiền hay nhắc nợ. Sự chồng chéo đó dễ khiến bác sĩ bị đẩy vào thế đối đầu với người bệnh hoặc người nhà họ.

Tiếp đó, cần có cơ chế tài chính trung gian, có thể là quỹ hỗ trợ tạm ứng viện phí cấp cứu khẩn, cho phép xử trí ngay với những ca nguy kịch không giấy tờ, không người thân. Sau đó, bệnh viện sẽ phối hợp với BHYT, phòng công tác xã hội, chính quyền địa phương xử lý theo hướng truy thu. Không nên để khoản nợ đó đổ lên đầu bác sĩ trực tiếp điều trị.

"Một hệ thống kiểm tra thông tin bệnh nhân đồng bộ và thông minh hơn cũng là thứ rất cần thiết. Việc bệnh nhân khai địa chỉ giả, số điện thoại giả hoàn toàn có thể phát hiện sớm nếu có sự kết nối dữ liệu với mã định danh, BHYT hoặc xác thực qua CCCD. Hiện nay, bác sĩ vẫn phải dò địa chỉ bằng Google Maps hoặc gọi nhờ địa phương xác minh.

Cuối cùng và quan trọng hơn cả là phải bảo vệ người thi hành nhiệm vụ đúng chuyên môn. Nếu bác sĩ đã làm đúng quy trình cấp cứu, sau đó có phát sinh thất thoát viện phí, họ không thể là người gánh trách nhiệm tài chính" - bác sĩ Nam nêu.

Thu tạm ứng viện phí như thế nào?

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, hành vi từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh là hành vi bị nghiêm cấm. Người hành nghề chỉ được từ chối khám chữa bệnh trong một số trường hợp đặc biệt.

Trước đó, sự việc này từng được cử tri tỉnh Quảng Nam gửi Bộ Y tế sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo phản ánh nhiều người dân phải nộp tạm ứng viện phí khi khám chữa bệnh, thậm chí có trường hợp số tiền tạm ứng cao gấp đôi viện phí thực tế, gây khó khăn cho bệnh nhân và gia đình.

Trả lời nội dung trên, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Chỉ thị 06 năm 2016 yêu cầu các bệnh viện không thu tiền tạm ứng đối với người có thẻ BHYT khi khám và điều trị ngoại trú, đặc biệt là trường hợp cấp cứu.

Với bệnh nhân điều trị nội trú, bệnh viện chỉ thu tạm ứng trong trường hợp cần sử dụng kỹ thuật điều trị chi phí cao và khoản thu này không bao gồm phần chi trả của BHYT. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh rằng việc đổi mới tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân là một trong những trọng tâm của ngành y tế.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tam-ung-vien-phi-cap-cuu-dau-dau-khi-vua-cuu-nguoi-vua-thu-tien-nhac-no-post848217.html
Zalo