Tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh

Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác quản lý thai, cũng như sàng lọc trước sinh, nhằm nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhưng có vai trò quyết định tới tương lai phát triển của đất nước, vì vậy phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, bà mẹ, trẻ em luôn có sự ưu tiên hàng đầu. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh công tác quản lý thai, cũng như sàng lọc trước sinh và sơ sinh giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh ở tuyến xã, phường. Nhờ đó, nhiều bệnh tật trong bào thai được phát hiện, can thiệp và điều trị sớm, góp phần đảm bảo chất lượng dân số tại Việt Nam.

Ngay khi biết mình mang thai, chị Bùi Thị Hồng Vân (Đan Phượng) đã đặc biệt quản lý theo dõi thai nghén tại Trạm Y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Tại đây, chị được theo dõi về cân nặng, đo tim mẹ, tim thai, huyết áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi.

Chị Bùi Thị Hồng Vân chia sẻ: "Khi biết có bầu, tôi đã báo với các bác ở trong trạm y tế. Các bác thường xuyên gọi điện và hỏi thăm, sau đó hỏi đã làm những xét nghiệm chưa. Nói chung, sự quan tâm của các bác ở trạm y tế rất là tốt đối với những bà bầu".

Mang thai tuần thứ 39, chị Dương Thị Thúy Lan cho biết, để yên tâm thai nhi trong bụng khỏe mạnh, chị thường xuyên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Với chị, việc quản lý thai kỳ tại các cơ sở y tế là vô cùng cần thiết và quan trọng.

Việc kiểm tra sàng lọc trước khi sinh trong ba tháng đầu, ba tháng giữa và ba tháng cuối sẽ chỉ ra các vấn đề về sức khỏe của người mẹ và phát hiện sớm các dấu hiệu dị tật ở thai nhi. Từ đó, tham vấn cho gia đình chọn hướng xử trí kịp thời và thích hợp.

Sau khi em bé được sinh ra, lấy máu gót chân trẻ sơ sinh là phương pháp sàng lọc sơ sinh hiệu quả, giúp phát hiện nhiều chứng bệnh bẩm sinh nguy hiểm. Vì vậy, hầu hết các em bé chào đời tại các cơ sở y tế đều được lấy máu gót chân để sàng lọc hai bệnh là suy tuyến giáp bẩm sinh và bệnh thiếu hụt men G6PD bẩm sinh.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay: "Nếu đã bị bệnh thì thực sự người bệnh rất khó hòa nhập với cộng đồng, tiền chữa bệnh vô cùng tốn kém. Trong khi đó, việc sàng lọc không phải mất quá nhiều tiền, rất đơn giản mà chúng ta lại thực hiện được phát hiện sớm. Chỉ cần lấy một giọt máu ở gót chân đã biết được đứa bé liệu có bị bệnh không, từ đó xử lý để bé thoát được bệnh hiểm nghèo".

Khuyết tật bẩm sinh không chỉ mang lại bất hạnh cho đứa trẻ mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, nguy cơ khuyết tật có thể được phòng ngừa và giảm thiểu nếu sàng lọc, can thiệp sớm. Việc xét nghiệm sàng lọc trước sinh vô cùng quan trọng, không chỉ giúp phát hiện dị tật bẩm sinh cho thai nhi mà còn giúp cải thiện và nâng cao chất lượng giống nòi. Vì vậy, để có một thai kỳ khỏe mạnh, các sản phụ nên khám sức khỏe tổng thể cho bản thân; tuân thủ đi khám thai định kỳ theo đúng lịch, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tam-soat-chan-doan-som-benh-tat-truoc-sinh-320442.htm
Zalo