Tầm quan trọng khi ba quốc gia châu Âu tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine

Trong động thái được chuẩn bị kỹ lưỡng sau nhiều tuần thảo luận, Chính phủ Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland cho biết họ có ý định công nhận Nhà nước Palestine vào ngày 28-5 tới.

Lãnh đạo 3 nước châu Âu tuyên bố có ý định công nhận Nhà nước Palestine

Lãnh đạo 3 nước châu Âu tuyên bố có ý định công nhận Nhà nước Palestine

Khoảng 140 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã công nhận Nhà nước Palestine kể từ năm 1988. Tuy nhiên, động thái công nhận này, đặc biệt là ở các nước châu Âu, sẽ có những tác động quan trọng.

Theo giới chuyên gia, động thái mới nhất của 3 quốc gia cho thấy vị thế của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Israel - Palestine đã xói mòn kể từ thời kỳ đàm phán và thỏa thuận hòa bình ở Oslo. Với tiến trình hòa bình đang “hấp hối”, giới chức Palestine đã làm việc cần mẫn để vận động sự ủng hộ ở châu Âu để “cứu vãn” tiến trình này. Tiến trình này từng được thúc đẩy dưới thời Tổng thống Donald Trump với Hiệp định Abraham. Tuy nhiên, người Palestine được cho là đã bị gạt ra ngoài lề vì ông Trump dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem.

Trong khi đó, Thụy Điển, Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha từ lâu được coi là có thiện cảm với người Palestine. Vương quốc Anh cũng cho biết họ có thể xem xét công nhận Palestine trong bối cảnh thất vọng ngày càng sâu sắc về việc Israel từ chối tiến tới giải pháp hai Nhà nước, đặc biệt trong thời kỳ ông Netanyahu.

Ông Hugh Lovatt, chuyên gia về quan hệ Israel - Palestine tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định: “Việc công nhận Nhà nước Palestine là một bước đi hữu hình hướng tới con đường chính trị khả thi mang lại quyền tự quyết cho người dân Palestine. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự tham gia của Arab trong việc hỗ trợ lệnh ngừng bắn bền vững ở Gaza”.

Về tác động thực tế đối với người Palestine, sự công nhận quyền tự quyết của người Palestine cũng có thể hồi sinh xã hội dân sự Palestine vốn đã bị bóp nghẹt trong gần 2 thập kỷ. Có lẽ điều quan trọng nhất đối với người Palestine là điều gì đó cụ thể hơn: sự chấp nhận quyền tự quyết rõ ràng và cơ bản mà không cần sự cho phép của Israel.

Đối với Israel, cựu Thủ tướng Ehud Barak từng tuyên bố Israel có nguy cơ gây ra một “cơn sóng thần” ngoại giao vì chính các chính sách của nước này. Trong những tuần gần đây, “cơn sóng thần” đó đã bắt đầu ập xuống chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Việc 3 quốc gia châu Âu tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine được đưa ra ngay sau khi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đang ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì tội ác chiến tranh. Israel cũng đang bị điều tra vì cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu áp đặt chế độ trừng phạt đối với những người định cư bạo lực và các nhóm cực hữu ủng hộ Israel. Trong khi đó, xã hội Israel đang có sự chia rẽ sâu sắc. Hơn nữa, sự quyết liệt của

Israel trong các cuộc tấn công nhằm vào Gaza đã bị cộng đồng quốc tế lên án khi hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng trong các cuộc chiến dữ dội. Israel cũng đang bị cô lập hơn về mặt ngoại giao. Điều đó một phần đã thúc đẩy sự rạn nứt ngày càng gia tăng và rõ ràng hơn trong nội các của Chính phủ Thủ tướng Netanyahu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tam-quan-trong-khi-ba-quoc-gia-chau-au-tuyen-bo-cong-nhan-nha-nuoc-palestine-post577315.antd
Zalo