Tầm quan trọng chiến lược của Trung Á đối với Nhật Bản

Thủ tướng Kishida Fumio đã hủy chuyến thăm Trung Á và Mông Cổ trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ động đất ở Nhật Bản. Đây là một trong những khu vực quan trọng đối với Nhật Bản vì nằm giữa Nga và Trung Quốc.

Các quốc gia Trung Á đang thu hút sự chú ý trên toàn cầu

Các quốc gia Trung Á đang thu hút sự chú ý trên toàn cầu

Tầm quan trọng của Trung Á đối với Nhật Bản

Các quốc gia Trung Á đang thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Khu vực này có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, điển hình là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực đạt khoảng 5%. Tốc độc tăng trưởng dân số và kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai.

Tầm quan trọng địa chính trị của khu vực cũng ngày càng tăng do xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Các quốc gia Trung Á tuyên bố độc lập vào năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ.

Nhưng Nga vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với họ cho đến ngày nay và đã tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh với họ. Gần đây, nhiều nước lớn cũng đang làm điều tương tự.

Năm ngoái, Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với 5 quốc gia Trung Á. Một số nước lớn như các nước trong EU, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang thiết lập khuôn khổ cho các cuộc đối thoại tương tự.

Nhật Bản là nước đầu tiên tiến hành đối thoại cấp bộ trưởng vào năm 2004, nhằm mục đích tăng cường quan hệ với các quốc gia Trung Á và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hiện có khoảng 50 công ty đang nghiên cứu và tham gia vào một diễn đàn kinh doanh tại khu vực này. Họ dự kiến sẽ cam kết thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tình hình chính trị tại khu vực Trung Á

Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại khu vực. Hai quốc gia gần nhau về mặt lịch sử và địa lý. Tuy nhiên, mối quan hệ đang dần thay đổi.

Sau cuộc xung đột Nga-Ukraine vào năm 2022, các lãnh đạo trong khu vực ngày càng nâng cao cảnh giác với Nga. Họ muốn giữ khoảng cách với Moscow trong cuộc xung đột.

Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia được kết nối bởi Con đường tơ lụa, gần đây đã nỗ lực tăng cường quan hệ như yếu tố cốt lõi trong chính sách Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc thiết lập một khuôn khổ hợp tác mới với các nước vào năm ngoái và công bố khoản viện trợ khổng lồ trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.

Các quốc gia Trung Á dường như đang bất an về việc sẽ bị buộc phải theo Nga và Trung Quốc về mặt chính trị và kinh tế.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Tư (14/8) bày tỏ nghi ngờ trước chuyến thăm dự kiến của ông Kishida. Bà cho rằng Nhật Bản đang nỗ lực làm suy yếu mối quan hệ kinh tế mà Nga xây dựng với các nước trong khu vực trong nhiều thập kỷ. Đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang coi Trung Á là phạm vi ảnh hưởng độc quyền của mình.

Các nước Trung Á nhìn nhận mối quan hệ như thế nào với Nhật Bản?

Người dân tại các quốc gia Trung Á dường như đang khá thiện cảm với Nhật Bản.

Họ cảm thấy tích cực về việc Nhật Bản đã hồi phục sau Thế chiến thứ hai và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kể. Văn hóa Nhật Bản cũng rất được ưa chuộng tại Trung Á.

Nhật Bản và các nước Trung Á dự kiến sẽ thúc đẩy các giải pháp công nghệ xanh như giảm lượng khí thải carbon dioxide, phát triển các tuyến hậu cần theo hướng biển Caspian về phía Tây mà không qua Nga hay Trung Quốc, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật số và hành chính.

Các nước Trung Á không thể xem nhẹ hay loại bỏ sức ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Nhưng họ hy vọng xây dựng mối quan hệ bền chặt với Nhật Bản và các nước phương Tây nhằm tìm kiếm chính sách đối ngoại cân bằng.

Việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Trung Á và Nhật Bản sẽ làm đa dạng hóa các lựa chọn ngoại giao cho cả hai bên và tăng cường sự hiện diện của họ để chống lại Nga và Trung Quốc.

Nhiều khả năng cả Moscow và Bắc Kinh sẽ theo dõi sát sao những diễn biến này.

Trung Á bao gồm 5 nước: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, đang nổi lên như một khu vực có ý nghĩa địa chính trị quan trọng, với đặc trưng lịch sử phong phú, di sản văn hóa đa dạng, có vị trí chiến lược nằm ở nơi giao cắt giữa châu Á và châu Âu.

Modern Diplomacy nhận định, trữ lượng dầu khí dồi dào của Trung Á khiến cho việc hợp tác với khu vực đồng nghĩa với các nước phương Tây có thêm một lựa chọn quan trọng giúp bảo đảm an ninh năng lượng. Khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và trữ lượng khoáng sản này cũng đem lại những cơ hội hấp dẫn cho các nền kinh tế phương Tây trong việc mở rộng chuỗi cung ứng.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tam-quan-trong-chien-luoc-cua-trung-a-doi-voi-nhat-ban-715902.html
Zalo