Tầm nhìn văn hóa Hà Nội, bản sắc, di sản và tương lai

Hà Nội là trái tim của cả nước, trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế và là bộ mặt của quốc gia, đóng vai trò đầu mối giao lưu với thế giới. Vì vậy, văn hóa cần được đặt lên vị trí hàng đầu trong đời sống của Thủ đô. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt cho Hà Nội, thể hiện qua nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng mang tính đặc thù riêng.

Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, về tầm nhìn phát triển văn hóa Thủ đô trong thời gian tới.

Theo ông, tầm nhìn văn hóa Hà Nội trong thời gian tới sẽ dựa trên những yếu tố nào để có thể xây dựng quy hoạch và phát triển?

Theo ông, tầm nhìn văn hóa Hà Nội trong thời gian tới sẽ dựa trên những yếu tố nào để có thể xây dựng quy hoạch và phát triển?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý: Trong tương lai, theo tầm nhìn phát triển của Hà Nội thì sông Hồng sẽ là trục chính của Thủ Đô, đây là một bước thay đổi căn bản về không gian kinh tế, đồng thời cũng là văn hóa. Bởi như ta biết, theo truyền thống Hà Nội xưa nằm trọn vẹn bên trong ba con sông mà câu ca dao xưa đã khái quát:

Nhị Hà quanh Bắc sang Đông

Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này

Trải qua thời gian, Hà Nội mở rộng ra cả bốn phía, và hôm nay đã vươn lên một tầm rộng lớn nhiều lần nữa, và lúc này sông Hồng sẽ là trục chính của thành phố. Điều này tạo cho Hà Nội giống nhiều thành phố lớn trên thế giới như Moscow, Paris, London, Seul... với một dòng sông lớn là trục chính. Xu thế đô thị hóa sẽ là tất yếu trong tương lai, làng xã sẽ giảm dần, thành phố sẽ mở rộng ra khắp mọi nơi trên diện tích tự nhiên của thành phố. Bộ mặt làng, xã sẽ thay đổi triệt để, đó là xu thế sẽ diễn ra mạnh mẽ của Hà Nội thời gian tới. Vì vậy cần có tầm nhìn trước để chuẩn bị cho những thay đổi triệt để về mặt văn hóa.

Theo quy hoạch hiện nay trục sông này sẽ chia thành ba đoạn: Đoạn một từ Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90 km; Đoạn hai từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40 km qua đô thị trung tâm (thuộc địa giới hành chính của 55 phường xã, 13 quận huyện gồm: Đan Phượng, Mê Linh, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín); Đoạn ba từ Mễ Sở đến hết Phú Xuyên dài 30 km.

Đứng từ góc quy hoạch văn hóa, trên trục dòng sông này là những thực thể văn hóa sau: Hệ thống di tích ven hai bên bờ sông từ đầu nguồn thuộc địa phận Hà Nội đến phía nam. Hiện tại ta thấy nổi bật là các di tích thờ Hai Bà Trưng, Chử Đồng Tử - Tiên Dung và các vị thần khác. Nếu như khu vực xứ Đoài ven sông Đà là hệ thống di tích thờ Tản Viên Thánh, thì hai bên sông Hồng là các di tích thờ nhị vị Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng các vị tướng của Hai Bà và những vị thần khác. Kèm theo các di tích này là hệ thống lễ hội của các làng thờ các vị thần đó.

 Lễ hội làng gốm cổ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), đây là lễ hội lớn nhất của làng gốm gần 700 năm tuổi bên dòng sông Hồng. Ảnh: Dân Trí

Lễ hội làng gốm cổ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), đây là lễ hội lớn nhất của làng gốm gần 700 năm tuổi bên dòng sông Hồng. Ảnh: Dân Trí

Cùng với các lễ hội là hệ thống phong tục tập quán, nghi lễ, trò diễn của các cộng đồng làng sinh sống nhiều đời tại đây. Sông Hồng là một con sông cổ, do vậy cư dân sinh sống hai bên từ lâu đời và vốn đã có truyền thống văn hóa kế thừa cư dân của nền văn minh sông Hồng xưa. Đó là các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, quận Hoàn Kiếm, huyện Thanh Trì và Thường Tín bên hữu ngạn và Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm bên tả ngạn.

Cùng với lễ hội, phong tục, diễn xướng dân gian là hệ thống làng nghề hai của các làng hai bên bờ sông Hồng và xa hơn là phần sông Đà thuộc địa phận Hà Nội. Đây là những di sản quý giá cho việc quy hoạch các giá trị văn hóa nhằm phát triển kinh tế của Hà Nội với lụa Cổ Đô, gốm Bát Tràng và những làng nghề khác. Tóm lại là toàn bộ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các làng hai bên sông Hồng sẽ là một phần đóng góp đáng kể vào trục văn hóa sông Hồng trong tương lai cần phải lưu ý.

Bên cạnh các sinh hoạt văn hóa truyền thống, là các hoạt động văn hóa hiện đại trên trục sông này cần được quy hoạch. Đó là xem xét khai thác các cồn, đảo trên lòng sông theo từng đoạn trên toàn hệ thống. Đã có những ý tưởng xây dựng công viên văn hóa, thậm chí đô thị trên những đảo này.

Tuy nhiên, trận lũ thế kỷ sau bão Yagi từ ngày mùng 7 – 10/9 vừa qua đã cho thấy cần có những suy nghĩ tính toán lại một cách thận trọng. Một thực tế rõ ràng là, cho dù mấy chục năm qua không có lũ trên sông Hồng và với hệ thống đập liên tiếp trên các khu vực thượng nguồn, song trận bão Yagi đã cảnh báo một điều là lũ lụt vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn. Càng rõ ràng hơn và nguy cơ hơn khi mà xu thế biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra hết sức phức tạp và càng ngày càng nguy hiểm và khốc liệt hơn trong thời hiện đại. Vì vậy, việc khai thác dòng sông rất cần được lưu ý và lường trước những vấn đề này trước khi tiến hành.

 Trong ảnh là Quy hoạch toàn cảnh phân khu đô thị sông Hồng do Viện QHXD Hà Nội thiết kế.

Trong ảnh là Quy hoạch toàn cảnh phân khu đô thị sông Hồng do Viện QHXD Hà Nội thiết kế.

Thiết nghĩ, theo từng đoạn đã kể trên có thể tiến hành những hoạt động văn hóa xuyên suốt như du lịch trên sông trên toàn bộ địa bàn Hà Nội và kết nối với các địa phương xung quanh. Có thể thiết kế các tuyến du lịch ngắn trong nội bộ từng đoạn hoặc xuyên đoạn. Các hoạt động văn hóa ở khu vực giữa các cầu khu vực trung tâm như giữa cầu Long Biên và cầu Nhật Tân, Long Biên và Chương Dương, Nhật Tân và Thăng Long... Giữa hai cầu và trên các cầu có thể tổ chức những hoạt động nghệ thuật ánh sáng, pháo hoa, âm nhạc như ta thấy ở các nước, không gian sông Hồng hoàn toàn phù hợp để thực hiện những ý tưởng đó.

Những không gian lòng sông, cồn, đảo và hai bên bờ với những hoạt động khác nhau tùy theo bối cảnh cũng như điều kiện của mỗi đoạn đó với những hoạt động văn hóa phù hợp. Điều này phải được nghiên cứu và tính toán một cách khoa học và hợp lý.

Ngoài trục sông Hồng là chính thì về lâu dài cũng cần tính đến các dòng sông huyền thoại khác của Hà Nội như Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Đáy, sông Tích v.v.. Một khi các dòng sông đó được khơi thông, làm sạch môi trường thì không chỉ là giao thông, du lịch và đặc biệt là văn hóa truyền thống của dân cư hai bên bờ từ bao đời nay cũng là những tầm nhìn cần được xem xét. Mặc dù, hai bờ của Kim Ngưu, Tô Lịch tất cả các làng cổ nay đã thành phố thị, văn hóa của họ với các di tích, lễ hội của các làng cổ một thời sẽ là giá trị không nhỏ góp sức cho thành phố. Lý tưởng nhất là khi tất cả các dòng sông của Hà Nội được kết nối với nhau thì chắc chắn các hoạt động văn hóa tại đây sẽ rất phong phú và đa dạng, đem lại bộ mặt văn hóa cho Thủ Đô vô cùng hấp dẫn đối với người dân thành phố và du khách thập phương.

Vì thế, việc quy hoạch văn hóa của các dòng sông với trục chính là sông Hồng là vấn đề phải được lưu ý. Kinh nghiệm từ hai dòng Kim Ngưu, Tô Lịch cho thấy, nếu không có sự quy hoạch ngay từ đầu thì việc cắt xén, lấn chiếm, xẻ thịt những không gian quanh những dòng sông này sẽ là bài học đắt giá cho trục sông Hồng trong thời gian tới.

Ngoài quy hoạch và phát triển trục văn hóa sông Hồng, xin ông cho biết tiềm năng văn hóa của Hà Nội còn có những giá trị nào có thể tiếp tục phát huy, phát triển?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý: Theo tôi đó là hệ thống các di tích và không gian đường phố, công viên...; Hệ thống các lễ hội dân gian tại các làng và phố; Làng cổ, phố cổ; Hệ thống làng nghề thủ công truyền thống; Không gian sinh thái văn hóa; Ẩm thực dân gian trong phố và trong các làng…

Có thể phân tích một khía cạnh về hệ thống các di tích và không gian đường phố, công viên, trong bối cảnh mới, di tích lịch sử, văn hóa không chỉ còn thuần túy là những bảo tàng cố định, mà là những địa điểm thăm quan, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau như những năm gần đây đang được thể hiện.

 Phố đi bộ hồ Gươm thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, vui chơi tạo nên không gian vô cùng nhộn nhịp, hấp dẫn.

Phố đi bộ hồ Gươm thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, vui chơi tạo nên không gian vô cùng nhộn nhịp, hấp dẫn.

Nhất là khi Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2.396 di tích đã được xếp hạng, 1.182 di tích quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố. Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội có 1.793 di sản, trong đó 1.206 lễ hội.

Thực tế cho thấy những di tích như Văn Miếu Quốc tử giám, nhà tù Hỏa Lò, đền Cổ Loa và nhiều di tích khác thời gian qua đã không dừng lại ở chuyện thăm viếng, học hỏi, mà đã là những không gian văn hóa rất phong phú. Tại đây có thể tổ chức những sự kiện, những thực hành văn hóa với nhiều màu sắc khác nhau như triển lãm, thời trang, thư pháp, trình diễn nghệ thuật và nhiều sự kiện văn hóa khác. Di tích, bảo tàng không còn thuần túy những thiết chế tĩnh tại, khô cứng, mà đã trở thành những không gian văn hóa sáng tạo cho nhiều thế hệ, nhiều hoạt động nhằm phục vụ con người. Đây sẽ là xu thế mạnh mẽ của văn hóa Hà Nội trong tương lai cần được chú trọng.

Cùng với các di tích này là những không gian đường phố và không gian công cộng như thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Hồ Gươm, Tây Hồ, hồ Thiền Quang, các công viên trong nội đô và tại tất cả các quận huyện nội ngoại thành, tất cả đều làm tiềm năng vô tận của một thành phố sáng tạo. Những công viên mới được xây dựng tại các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Long Biên... đang cho thấy tiềm năng to lớn này.

 Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò mạnh dạn đổi mới để đến gần hơn với du khách những năm qua. Ảnh: IT

Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò mạnh dạn đổi mới để đến gần hơn với du khách những năm qua. Ảnh: IT

Ngoài ra, những di sản một thời như các công trình kiến trúc Pháp thời thuộc địa với các nhà cửa, đường phố, trường học, công sở..., nơi tồn tại các kiến trúc thời Pháp đã và sẽ là những địa điểm sáng tạo và du lịch văn hóa hấp dẫn. Những công trình công nghiệp thời xã hội chủ nghĩa nay đã đổi mới và di chuyển địa điểm, nhưng không gian của chúng lại là những địa điểm lý tưởng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo như nhà máy xe lửa Gia Lâm, khu công nghiệp Thượng Đình...

Hay như ẩm thực dân gian trong phố và trong các làng, ngoài những “món ngon Hà Nội” day dứt tâm hồn kẻ xa xứ, thì ẩm thực Ha Nội vô cùng đa dạng và phong phú đã và đang là nguồn hấp dẫn vô bờ đối với người Hà Nội và du khách trong nước cũng như quốc tế.

Gần đây ta thấy các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ ngồi ăn bún chả Hà Nội, Thủ tướng Úc ăn bánh mỳ Hà Nội, các yếu nhân khác với sự thưởng thức cà phê cùng phở Hà Nội... đã cho thấy ẩm thực Hà Nội có vai trò thế nào trong đời sống người Hà Thành và du khách. Đặc biệt nhân dịp Tổng thống Mỹ với cuộc gặp gỡ lịch sử nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Hà Nội thì ẩm thực Hà Nội được nâng lên một tầm cao mới thông qua hàng trăm hãng thông tấn nước ngoài khi các phóng viên được trực tiếp trải nghiệm ẩm thực Hà Nội.

 Thủ tướng Australia Anthony Albanese thưởng thức bia hơi Hà Nội cùng người dân địa phương. Ảnh: Nhân Dân

Thủ tướng Australia Anthony Albanese thưởng thức bia hơi Hà Nội cùng người dân địa phương. Ảnh: Nhân Dân

Ngoài những món ăn nổi tiếng trong nội thành, những quán ngon vỉa hè, thì hàng loạt những ẩm thực của các vùng quê ngoại thành đang là đặc sản của Hà Nội thu hút sự tò mò, hấp dẫn du khách bốn phương. Tiềm năng này có đáng để quy hoạch như một sản phẩm văn hóa của Hà Nội hay chăng?

Đối với công nghiệp văn hóa, sáng tạo, trước khi có những ngành văn hóa hiện đại thì công nghiệp văn hóa nên chăng phải bắt đầu từ các giá trị văn hóa truyền thống. Và làm thế nào để khai thác và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống đó, thưa ông?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý: Thực tế như các lễ hội, nghề thủ công, các trình diễn nghệ thuật dân gian, thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ tại chùa Thầy v.v... tại Hà Nội đã chứng minh có thể khai thác và phát huy được để đem lại lợi ích kinh tế cho Thủ Đô.

Tương tự như vậy, trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa được Hà Nội đề ra thì thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa là hai lĩnh vực cần sự tham gia của văn hóa truyền thống nhất. Dần dần chúng ta sẽ phát triển các lĩnh vực còn lại và cần phải phát triển nó, tuy nhiên những lĩnh vực đó đòi hỏi mất thời gian, tiền bạc và công sức không hề nhỏ, không thể ngày một ngày hai mà có được.

 Triển lãm sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu mang đến không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Triển lãm sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu mang đến không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Thực tế kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước phát triển cho thấy một Hollywood của Mỹ, K-pop của Hàn Quốc... họ đều có lịch sử hàng vài thế kỷ. Bởi vậy, khai thác công nghiệp văn hóa ngay từ cái chúng ta đang có đó chính là văn hóa truyền thống mà chúng ta đang sở hữu, là việc cần được đặt ra trong quy hoạch văn hóa của Hà Nội trong thời gian tới.

Với ngành công nghiệp sáng tạo cũng cần bắt đầu từ chính các không gian truyền thống và không gian mới hiện có của Hà Nội. Đó là những đường phố cổ, vườn hoa, công viên, nhà hát... Những công trình thời thuộc địa như đã kể trên. Sau đó là những công trình, những di sản thời bao cấp, thời XHCN. Những nhà máy, xí nghiệp công nghiệp vang bóng một thời trước đây, những di sản thời thuộc địa như tháp nước Hàng Đậu, nhà máy xe lửa Gia lâm, khu Cao Xà Lá, các công trình kiến trúc Pháp v.v... sẽ là những không gian cho công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa...

Cuối cùng là các loại hình văn hóa hiện đại của ngày hôm nay nơi có thể phát triển ngành công nghiệp sáng tạo như âm nhạc, mỹ thuật, múa, sân khấu, nhiếp ảnh, nghệ thuật sắp đặt, trang trí ngoài trời... Khai thác công nghệ hiện đại, công nghệ ánh sáng, AI vào các di sản truyền thống như Văn Miếu, Hoàng Thành, Nhà Hát Lớn... Một xu hướng mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ đó là các hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa trong các khu đô thị như vingroup, Ecopark, Bảo Sơn... đang trở thành một hiện tượng mới và góp phần vào đời sống văn hóa Thủ Đô. Cùng với Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô thì đây là những tiềm năng mới trong không gian văn hóa Hà Nội thời hiện đại.

Ngoài những không gian văn hóa kể trên còn có những không gian khác trong tầm nhìn quy hoạch văn hóa Hà Nội như văn hóa các tộc người thiểu số trên địa bàn Thủ đô, người Dao, người Mường, hay những không gian homestay, không gian của các resort kết hợp giữa du lịch, văn hóa và nghỉ dưỡng cùng các không gian linh hoạt khác. Những không gian này sẽ xuất hiện trong quá trình phát triển của thành phố mà những người làm quy hoạch, những nhà chiến lược, những chuyên gia kinh tế và văn hóa sẽ nảy ra trong quá trình thực hiện các công việc của mình. Có thể thấy là một không gian mở, không gian sáng tạo liên tục trong quá trình phát triển của một đô thị hiện đại. Vấn đề chỉ còn là những người thực hiện luôn có ý thức nhìn nhận, phát hiện và có dám nghĩ về nó trong quá trình hoàn thiện liên tục cho một đô thị tương lai…

 Ngày 6/10, khoảng 10.000 người đã tham gia chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” diễn ra tại Hà Nội.

Ngày 6/10, khoảng 10.000 người đã tham gia chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” diễn ra tại Hà Nội.

Theo ông, vì sao việc quy hoạch không gian văn hóa tại Hà Nội cần được xem như một chiến lược phát triển lâu dài, và những thách thức nào sẽ xảy ra nếu không có quy hoạch này trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý: Bàn đến quy hoạch văn hóa ở đây tôi chỉ muốn hướng đến ý tưởng việc quy hoạch không gian cho các loại hình văn hóa ở Hà Nội trong tương lai. Trong bối cảnh một thành phố đang thay đổi hàng giờ nếu không có sự quy hoạch để bảo vệ, để “giữ chỗ”, thì với tốc độ đô thị hóa hiện tại sớm hay muộn các không gian văn hóa này sẽ bị xâm phạm và biến mất.

Thực tế đã cho thấy điều đó, cho nên quy hoạch không gian cho các lĩnh vực văn hóa cần được các cấp chính quyền lưu ý và có sự chuẩn bị càng sớm càng tốt. Việc quy hoạch văn hóa nói chung, cụ thể ở đây là không gian cho văn hóa phải được coi như một chiến lược, một triết lý rõ ràng. Triết lý phát triển Thủ đô được hình thành trên cơ sở đánh giá, phân tích đặc điểm địa chính trị, kinh tế của Hà Nội; xuất phát từ việc xác định mục tiêu phát triển và được xác định từ việc đánh giá bản sắc và những lợi thế vượt trội của Hà Nội.

Một khi đã xác định được vai trò của văn hóa, coi trọng văn hóa và luôn thấy nó ở mọi khía cạnh của cuộc sống thì ắt sẽ có những nhìn nhận phù hợp cho sự phát triển, một sự phát triển có văn hóa.

Xin trân trọng cảm ơn GS,TS Lê Hồng Lý!

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tam-nhin-van-hoa-ha-noi-ban-sac-di-san-va-tuong-lai-post315631.html
Zalo