Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ

S&P 500 tăng nhẹ, Nasdaq giảm điểm sau một phiên giao dịch đầy biến động vào thứ Ba khi các nhà đầu tư đánh giá dữ liệu lạm phát và chuẩn bị cho các báo cáo lợi nhuận hàng quý…

Kết thúc phiên 14/1, chỉ số Dow Jones tăng 221,16 điểm (+0,52%) lên 42.518,28 điểm, S&P 500 thêm 6,69 điểm (+0,11%) thành 5.842,91 điểm và Nasdaq Composite giảm 43,71 điểm (-0,23%) xuống 19.044,39 điểm.

Thị trường dao động giữa tăng và giảm trong suốt cả ngày. Ban đầu, Phố Wall được hỗ trợ bởi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng ít hơn dự kiến trong tháng 12. Tuy nhiên, dữ liệu này không có tác động đáng kể đến lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.

Các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được công bố vào thứ Tư, một chi tiết sẽ định hình rõ hơn viễn cảnh lạm phát và kỳ vọng về động thái chính sách của Fed.

Thị trường dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 0,29 điểm phần trăm trong năm nay, theo dữ liệu từ LSEG, với kỳ vọng về một đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 6.

Góp phần thêm vào tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 4,784%, gần mức cao nhất trong 14 tháng.

Chuỗi báo cáo lợi nhuận hàng quý cũng sẽ bắt đầu vào thứ Tư với kết quả từ các ngân hàng lớn, dự kiến đạt lợi nhuận tích cực nhờ vào loạt hoạt động giao dịch và thỏa thuận sáp nhập sôi động. Cổ phiếu Goldman Sachs tăng 1,52% và giúp giữ chỉ số Dow Jones trong vùng tích cực.

Y tế là một trong những lĩnh vực hoạt động kém nhất trong 11 nhóm ngành chính của S&P, giảm 0,94%, do cổ phiếu Eli Lilly “bốc hơi” 6,59% sau khi công ty dự báo doanh thu quý 4 thấp hơn kỳ vọng.

Cổ phiếu Boeing cũng mất 2,08% vì số lượng giao hàng trong năm 2024 chạm mức thấp nhất kể từ đại dịch.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 13,58 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 15,72 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch gần đây.

Sau đợt tăng trưởng mạnh mẽ nhờ bầu cử Mỹ, thị trường chứng khoán gần đây đã gặp phải nhiều khó khăn, với S&P 500 giảm điểm trong 4 trên 5 tuần vừa qua. Điều này bởi lạm phát vẫn còn dai dẳng và phát biểu từ các nhà hoạch định chính sách làm gia tăng lo ngại Fed sẽ không cắt giảm lãi suất một cách quyết liệt như dự kiến trước đó.

Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas City Jeff Schmid cho biết, tác động tiềm tàng từ các chính sách sắp tới của ông Donald Trump là một cuộc thảo luận đang diễn ra tại Fed và ngân hàng trung ương Mỹ nhất định sẽ phản ứng kịp thời nếu các mục tiêu về lạm phát hoặc việc làm bị ảnh hưởng.

GIÁ DẦU GIẢM

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm vào thứ Ba sau khi một cơ quan chính phủ Mỹ dự báo nhu cầu ổn định vào năm 2025 và nâng ước tính về nguồn cung. Tuy nhiên, đà giảm đã phần nào được hạn chế bởi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ và Trung Quốc.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,09 USD, tương đương 1,35%, xuống còn 79,92 USD/thùng. Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 1,32 USD, tương đương 1,67%, xuống còn 77,50 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nhu cầu dầu của nước này sẽ duy trì ổn định ở mức 20,5 triệu thùng/ngày vào năm 2025 và 2026, trong khi sản lượng dầu nội địa dự kiến tăng lên 13,55 triệu thùng/ngày, cao hơn so với dự báo trước đó.

Mặc dù các nhà phân tích vẫn cho rằng lệnh trừng phạt mới sẽ “giáng một đòn” vào nguồn cung dầu của Nga, nhưng tác động lên thị trường có thể ít rõ rệt hơn. Bởi lẽ, sự không chắc chắn về nhu cầu từ Trung Quốc, quốc gia mua dầu nhiều nhất, cũng làm giảm bớt ảnh hưởng từ việc việc nguồn cung thắt chặt.

Dữ liệu chính thức công bố vào thứ Hai cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm trong năm 2024, lần đầu tiên trong hai thập kỷ ngoài giai đoạn đại dịch Covid-19.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/tam-ly-than-trong-bao-trum-thi-truong-chung-khoan-my-post557226.html
Zalo