Tấm lòng thầy giáo vùng cao chăm lo bữa ăn, giấc ngủ HS đến hiến đất xây trường

Suốt 25 năm qua, những nỗ lực của thầy Nguyễn Khắc Điệp đã giúp nhiều học sinh có cơ hội học hỏi, vươn lên thoát nghèo.

Thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp đã có gần 25 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục tại vùng núi Quảng Nam bằng tất cả sự tận tụy. Là người con của vùng biển nghèo khó, thầy Điệp hiểu rõ giá trị của con chữ và luôn ấp ủ ước mơ thoát nghèo thông qua học vấn. Từ một học sinh nghèo phải vượt qua bao thử thách để đến với giảng đường đại học, thầy đã chọn con đường gắn bó với miền núi, nơi những khó khăn còn gấp bội và cuộc sống của học sinh thiếu thốn trăm bề.

Từ cậu bé nghèo vùng biển đến người thầy nơi vùng cao

 Thầy Nguyễn Khắc Điệp (áo trắng) cùng các em học sinh trong bữa cơm tất niên cuối năm. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Khắc Điệp (áo trắng) cùng các em học sinh trong bữa cơm tất niên cuối năm. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Khắc Điệp sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê biển Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tuổi thơ của thầy thiếu vắng người cha, gia đình gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, thầy không chấp nhận để nghèo khó định đoạt tương lai mà luôn kiên trì theo đuổi con chữ, nuôi dưỡng ước mơ vươn lên bằng con đường học vấn.

Thầy chia sẻ: “Mặc dù hoàn cảnh nghèo khó, nhưng tôi luôn có ước mơ được học hành, để có thể thay đổi cuộc đời mình. Đó là lý do tôi luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, để có thể đến trường và học tập.”

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, thầy Điệp không ngần ngại lặn lội lên miền núi Nam Trà My, nơi những 'cánh đồng chữ' còn thiếu và những đứa trẻ đang thiếu thốn về cả vật chất lẫn tri thức, để tham gia thi tuyển viên chức.

Khi công tác tại đây, thầy Điệp nhận ra rằng mình chưa phải là người gặp nhiều khó khăn nhất, vì học sinh nơi đây còn phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn hơn rất nhiều.

Thầy chia sẻ: “Mặc dù gia đình tôi nghèo khổ, nhưng tôi vẫn nhận được sự quan tâm từ mẹ và hàng xóm. Còn các em học sinh ở đây lại phải phụ thuộc hoàn toàn vào thầy cô, cha mẹ không thể chăm lo cho các em vì điều kiện sống ở miền núi quá khó khăn, cộng đồng đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, nên tâm lý chung của họ là chỉ cần biết đọc, biết viết là đủ. Hơn nữa, gia đình phần lớn còn nghèo khó, các em thường bỏ học để theo cha mẹ lên rẫy.” Chính những hoàn cảnh khó khăn này đã thúc đẩy thầy càng thêm quyết tâm, không chỉ là người dạy chữ mà còn là người chăm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, và kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Trong suốt 25 năm công tác tại các xã miền núi huyện Nam Trà My, thầy Điệp luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại niềm hy vọng và cơ hội cho học sinh. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, thầy không ngừng tìm cách cải thiện môi trường học tập cho các em.

Thầy đã sáng tạo áp dụng những giải pháp như tổ chức đấu thầu để bữa ăn để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh bán trú trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, hay phát động các hoạt động cộng đồng như hái rau, nuôi lợn, gà để cải thiện bữa ăn cho các em học sinh. Bên cạnh đó, thầy còn kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ học sinh về sách vở, áo quần,...

Thầy cũng từng có một hành động đầy xúc động khi hiến tặng 600m2 đất trị giá gần 300 triệu đồng để Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Trà Cang mở rộng không gian xây dựng, góp phần tạo ra môi trường học tập tốt hơn cho học sinh.

“Dù ở đâu, với cương vị nào, tôi đều nhận thấy con em đồng bào địa phương rất cần cái chữ. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế và kinh tế khó khăn, các em thường bỏ học sớm. Vì vậy, mỗi giáo viên, mỗi cán bộ quản lý phải luôn bám lớp, bám học trò để kêu gọi sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em được học tập,” thầy Điệp chia sẻ.

Trong suốt hành trình dạy học của mình, thầy Điệp luôn dành thời gian không chỉ để giảng dạy mà còn để trò chuyện, động viên các em học sinh. Thầy luôn khơi dậy niềm tin và hy vọng vào tương lai cho các em, giúp các em nhận thức được rằng, học tập là con đường duy nhất để thay đổi cuộc sống. Thầy chia sẻ: “Các em học sinh nơi đây rất cần những tấm gương sáng để hướng tới. Vì vậy, tôi luôn cố gắng xây dựng một môi trường học tập tích cực, không chỉ bằng kiến thức mà còn bằng những bài học về cách sống, về tình người.”

Ngoài việc dạy học, thầy cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh không cảm thấy nhàm chán. Các hoạt động như đốt lửa trại, hát văn nghệ hay tham gia các trò chơi đều được thầy đưa vào chương trình học nhằm tạo ra không khí vui vẻ, thân thiện và gần gũi, giúp học sinh gắn bó với trường lớp hơn.

Mong nhà nước tiếp tục quan tâm giáo viên vùng sâu, vùng xa

 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Trà Vinh, nơi thầy Điệp đang công tác. Ảnh: NVCC

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Trà Vinh, nơi thầy Điệp đang công tác. Ảnh: NVCC

Hiện tại, thầy Điệp đang giữ chức vụ Hiệu trưởng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Trà Vinh, một ngôi trường nằm ở xã Trà Vinh, một trong những xã nghèo của huyện Nam Trà My. Nơi đây có địa hình giống như ruộng bậc thang, với các lớp học rải rác và cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, thầy không để những khó khăn này làm giảm đi tâm huyết của mình.

Thầy Điệp chia sẻ, mục tiêu của thầy là giúp Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Trà Vinh đạt chuẩn quốc gia vào năm 2026 và tạo ra một môi trường học tập tốt nhất có thể cho học sinh.

“Mặc dù đôi lúc nghĩ đến con cái, nhà cửa đều một tay vợ lo liệu, tôi cũng cảm thấy ái ngại, nhưng rồi lại nghĩ đến lợi ích chung. Vợ tôi cũng là giáo viên, cô ấy hiểu và luôn đồng hành cùng tôi trong mọi khó khăn’’, thầy Điệp tâm sự.

 Thầy Điệp cùng các mạnh thường quân tổ chức bữa cơm tất niên và phát quà cho các em học sinh. Ảnh: NVCC

Thầy Điệp cùng các mạnh thường quân tổ chức bữa cơm tất niên và phát quà cho các em học sinh. Ảnh: NVCC

Tết Nguyên đán năm nay, thầy Nguyễn Khắc Điệp đã tổ chức một hoạt động trải nghiệm đặc biệt kết hợp trao quà cho 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, như mồ côi cha mẹ, gia đình nghèo. Danh sách học sinh nhận quà được các giáo viên chủ nhiệm đề cử. Quà tặng cho các em được thầy Điệp vận động từ các mạnh thường quân, đồng thời thầy cũng trích một phần chi phí cá nhân để hỗ trợ. Thầy còn đặc biệt tổ chức phát tặng 700 bộ quần áo mới cho các em học sinh, giúp các em có thể đón Tết trong những bộ trang phục mới, ấm áp.

Thầy Điệp chia sẻ: “Mặc dù điều kiện còn rất khó khăn, nhưng tôi muốn các em có thể đón Tết vui vẻ, đầy đủ và ấm cúng. Hy vọng món quà nhỏ này sẽ giúp các em thêm động lực, vững tin vào tương lai và cảm nhận được niềm vui trong những ngày đầu năm mới.”

Chia sẻ niềm mong mỏi, thầy Điệp tâm sự: “Tôi mong muốn nhà nước và địa phương sẽ tiếp tục quan tâm đến các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, để họ có thể gắn bó lâu dài với nghề và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.”

Suốt 25 năm qua, những nỗ lực của thầy Điệp đã giúp nhiều học sinh có cơ hội học hỏi, vươn lên thoát nghèo. Hành trình của thầy không chỉ dừng lại ở việc mang con chữ đến vùng cao, mà còn là hành trình gieo hy vọng và niềm tin vào tương lai.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tam-long-thay-giao-vung-cao-cham-lo-bua-an-giac-ngu-hs-den-hien-dat-xay-truong-post248876.gd
Zalo