Tấm lòng nhân ái của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Ông Bùi Như Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định, huyện Hải Lăng nói rằng, Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Thỉ ở thôn Thiện Đông là điển hình về tấm lòng nhân ái. Cuộc đời mẹ sớm gánh chịu nỗi đau thương mất chồng và các con nhưng vẫn cố gượng dậy cưu mang trẻ mồ côi, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may khác.

 Mẹ Đặng Thị Thỉ vui vầy bên con cháu -Ảnh: PTB

Mẹ Đặng Thị Thỉ vui vầy bên con cháu -Ảnh: PTB

Năm 1950, cô gái trẻ 21 tuổi, xinh đẹp nhất làng Thiện Đông Đặng Thị Thỉ kết hôn với Lê Văn Hiệp, một chàng trai khôi ngô, khỏe mạnh ở cùng làng. Một năm sau, họ sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Lê Anh Tuấn, với mong muốn sau này con mình lớn lên sẽ vừa khỏe, vừa thông minh để làm được nhiều việc tốt giúp đỡ cách mạng. Nhưng người cha vốn là một du kích mật, sau nhiều đêm mùa đông lặn lội trinh sát địch để thông báo cho bộ đội, đã ngã bệnh nặng rồi ra đi đột ngột, để lại con trai mới 5 tuổi cùng người vợ thảo hiền đang mang thai đứa con thứ 2 mới 1 tháng tuổi.

Năm 14 tuổi, Anh Tuấn xin mẹ tham gia hoạt động du kích địa phương. Nhớ lời chồng dặn lúc lâm chung, nhưng nhìn con trai còn ít tuổi, người mẹ cố giấu nước mắt, im lặng không trả lời. Thế nhưng, sau ít hôm thằng bé lại tìm cách năn nỉ mẹ: “Mạ ơi! Con còn nhỏ thì làm việc nhỏ. Con có thể liên lạc đưa thư, tin tức cho các chú, các bác!”. Người mẹ trầm ngâm một lúc, đưa tay xoa đầu con: “Ba con mất sớm, mạ chỉ có hai anh em con. Con có đi thì phải hứa với mạ là phải hết sức cẩn thận!”.

Chừng 3 tháng sau khi con trai đi làm cách mạng, ông trời chẳng chút công bằng với người mẹ đã chịu đau thương, mất mát. Cô con gái sinh ra đã mồ côi cha, lúc đó lên 9 tuổi phổng phao, khuôn mặt giống y hệt mẹ, bỗng ngã bệnh rồi mất. Biết tin dữ, cơ sở bí mật đưa anh trai về chịu tang em. Sau đưa tang 3 ngày, người mẹ ôm con trai vào lòng, giấu đau thương vào trong và khẽ nói: “Cách mạng cần con, con cứ đi đi, đừng lo gì cho mạ, mạ ở nhà rồi sẽ ổn thôi. Con đi luôn phải nhớ giữ an toàn đó!”.

Năm 1968, tại nhiều địa phương ở Quảng Trị, chiến tranh diễn ra ác liệt. Việc hoạt động bí mật, liên tiếp 3 năm trong lòng địch có nguy cơ bị lộ, cậu bé Anh Tuấn lúc đó 17 tuổi được phép công khai cầm súng, trực tiếp chiến đấu chống lại kẻ thù. Từ đây, khắp các chiến trường Hải Lăng, cậu đều có mặt với vai trò quan trọng, trinh sát, dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến đánh, giành giữ các chốt trên tuyến vành đai chiến lược thị xã Quảng Trị - Hải Lăng; tổ chức lực lượng du kích mật phục, đánh chặn các toán địch xâm nhập, trinh sát vùng giải phóng.

Đầu năm 1972, chiến tranh nổ ra ác liệt nhiều nơi ở Hải Lăng. Để đảm bảo an toàn cho người dân, các lực lượng bộ đội, dân quân du kích tổ chức sơ tán dân đến huyện Cam Lộ. Từ đó, mẹ Thỉ lên ở vùng giải phóng, con trai vẫn ở lại hoạt động địa bàn xã Hải Thiện (năm 2020, xã Hải Thành và Hải Thiện sáp nhập thành xã Hải Định). Một năm sau, chiến sĩ du kích trẻ Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Phó Công an xã Hải Thiện, anh vừa chỉ huy bảo đảm an ninh trật tự, giữ bình yên địa bàn, vừa trực tiếp chiến đấu ở những vùng địch đang còn tạm chiếm. Thế nhưng, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng, huyện Hải Lăng - địa phương cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được giải phóng-anh đã mãi mãi nằm xuống trong lòng đất mẹ.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình mẹ Thỉ ở cách UBND xã Hải Định chừng 500 m, trên trục đường tỉnh, hướng mặt ra cánh đồng lúa mênh mông. Khi chúng tôi đến, mẹ đang ngồi chơi với đứa cháu nhỏ 2 tuổi ở trước hiên nhà. Anh Lê Văn Sinh (sinh năm 1976), con trai nuôi của mẹ đang sửa xe đạp cho khách, xởi lởi mời chúng tôi vào nhà. Mẹ Thỉ nay đã ngoài 90 tuổi nhưng trí óc vẫn còn rất minh mẫn.

Hỏi chuyện người con hy sinh, mẹ rưng rưng nước mắt, kể lại: “Lúc đó, mệ vẫn đang ở vùng giải phóng ở huyện Cam Lộ. Ngày nào mệ cũng tìm các chú bộ đội tuyến trước (lực lượng đánh vào các vùng phía Nam của Quảng Trị) để hỏi thăm tin tức về nó. Đến lúc mệ biết Hải Lăng đã được giải phóng toàn huyện, nhưng vẫn không thấy con về nên lại đi hỏi, thì bộ đội nói đồng chí Anh Tuấn đang đi công tác ở trên rừng. Lúc đó, mệ đã có linh tính chẳng lành nên ngồi khóc từ sáng đến tối, không ăn uống gì, chỉ nhìn ra phía ngoài đường, chờ mong tin con. Biết không thể giấu mãi được mệ, hai hôm sau, bộ đội mang tới chiếc áo của con mệ hay mặc và một tấm ảnh nhỏ đã ố vàng vì ẩm ướt. Lúc đó, mệ khuỵu xuống và không biết gì nữa. Đến khi tỉnh lại, mệ thấy đang nằm trên giường của bệnh viện…”.

Sau khi chồng, con gái mất, con trai hy sinh, mẹ Thỉ suy sụp hoàn toàn. Nhưng giữa năm 1976, biết có đứa trẻ trong làng mồ côi cha mẹ, mẹ liền mang về nuôi. Sau đó, mẹ tiếp tục ở vậy nuôi nấng, chăm chút người con nuôi này mà không đi bước nữa. Ngoài ra, lúc đó gia đình mẹ con côi cút, nhờ sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ của chính quyền và người dân địa phương mới có được cuộc sống tạm ổn định. Vì thế, hễ ai gặp hoạn nạn, khó khăn, mẹ đều đến sớm nhất để san sẻ, giúp đỡ những thứ mình có dẫu không nhiều.

Bao năm qua, mẹ đã luôn sống với một tấm lòng nhân ái, sẻ chia như vậy, nên hết thảy mọi người đều quý mến, trân trọng mẹ vô cùng. Sau những mất mát, đau thương không gì bù đắp nỗi, nay mẹ đang sống những ngày tháng được chăm sóc tuổi già trong một gia đình nhỏ luôn đầy ắp tình yêu thương, tiếng nói, cười rộn rã, ấm áp của con, cháu mình.

Thanh Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162125&title=tam-long-nhan-ai-cua-mot-ba-me-viet-nam-anh-hung
Zalo