Tâm huyết với nghề xưa

Trải qua hàng trăm năm thăng trầm, nghề tranh dân gian làng Sình (xã Phú Mậu, nay là phường Dương Nỗ, thành phố Huế) đã dần mai một và có nguy cơ thất truyền. Nhưng nhờ nỗ lực của các cơ quan chức năng cùng những người tâm huyết, nghề xưa đang từng bước được bảo tồn và phát triển.

Ông Khai nâng niu giới thiệu những mộc bản đã hoàn thành

Ông Khai nâng niu giới thiệu những mộc bản đã hoàn thành

Mạnh dạn xông pha

Bóng nắng hắt vào hiên nhà khiến tiếng đục đẽo lách cách như thêm rộn rã. Ông Phạm Công Khai ngồi trên manh chiếu cói, chăm chút đi từng đường nét trên phiến gỗ. Bộ dụng cụ khắc mộc bản tranh làng Sình được ông giữ gìn cẩn thận, sau hơn 20 năm im lìm "ngủ" trong kho cuối cùng cũng “thức giấc”.

“Tôi học nghề khắc mộc bản tranh làng Sình từ năm 15 tuổi. Sau hơn mười năm theo đuổi, tôi đành phải từ bỏ vì không thể sống được với nghề. Cứ nghĩ đi hết cuộc đời này mình cũng không có cơ hội quay lại với nghề đã từng gắn bó suốt những năm tháng tuổi trẻ, không ngờ nhân duyên với nghề tranh dân gian vẫn chưa cạn”, ông Khai bộc bạch khi nhịp búa trên tay vẫn gõ liên hồi.

Hồi tưởng lại những năm tháng xa xôi, ông Khai như vẫn còn nghe thấy tiếng đục đẽo lách cách rộn rã khi ấy, cả những đơn hàng tới tấp ngược xuôi. Người trong làng, ngoài làng, người ở xa làm tranh đều thuê ông khắc mộc bản. Tranh dân gian làng Sình là dòng tranh có tính tâm linh, dùng để thờ cúng. Quá trình chế tác đều hoàn toàn thủ công, từ khắc mộc bản, sau đó dập in, rồi tô màu. Ông Khai vẫn nhớ những người phụ nữ trong làng thời ấy rời quê đi làm ăn xa, trong hành trang họ mang theo còn có những bộ mộc bản để in tranh bán. Mỗi mộc bản sau khi in tầm vài ngàn bức tranh sẽ bị mòn, cần phải thay mới để đảm bảo chất lượng bản in sắc nét. Những người sống ở xa quê như bà Ngọt, bà Khoa… năm nào cũng trở về quê đặt ông khắc mộc bản. Sau này họ già đi, cũng không còn tiếp tục theo nghề, trong khi lớp người kế cận không có. Rồi máy móc hiện đại ra đời có thể in ấn tranh hàng loạt, khiến nghề làm tranh làng Sình dần rơi vào đìu hiu.

Ở làng Lại Ân, ngoài nghệ nhân dân gian Kỳ Hữu Phước là người nắm giữ rõ nhất kỹ thuật khắc mộc bản tranh làng Sình, thì những người vẫn còn giữ được niềm đam mê khắc mộc bản và háo hức quay trở lại với nghề truyền thống như ông Khai rất hiếm. “Khắc mộc bản tuy có mẫu sẵn, nhưng vẫn đòi hỏi người làm nghề phải có hoa tay, năng khiếu. Mỗi chi tiết điêu khắc dù có khuôn mẫu nhưng cũng cần phải biến hóa cho đường nét mềm mại, uyển chuyển hơn. Một mộc bản phải làm từ 1- 2 ngày mới xong. Giá bán một mộc bản từ 1,2 - 1,5 triệu đồng”, ông Khai cho biết.

Cuối tháng 12/2024, niềm vui ngập tràn khi ông Phạm Công Khai đón lãnh đạo chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, đại diện hợp tác xã du lịch sinh thái Thanh Tiên; các cơ sở nghề cùng người dân trên địa bàn đến dự khai trương cơ sở tranh làng Sình Mộc Huy. Ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu (nay ông Trai là Chủ tịch UBND phường Dương Nỗ) hồ hởi cho biết: "Đây là cơ sở sản xuất, trưng bày mộc bản và phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm sản xuất tranh, làm mộc bản".

Mấy mươi năm ấp ủ, giờ ông Khai quay lại nghề của cha ông bằng một diện mạo mới. Chi phí đầu tư ban đầu hơn 250 triệu đồng, nhưng may mắn được địa phương đồng hành tiếp sức, đã giúp ông mạnh dạn xông pha. Niềm hy vọng về một tương lai gần, cơ sở tranh làng Sình Mộc Huy sẽ phát huy công suất, nhộn nhịp đón khách du lịch đến trải nghiệm khiến gương mặt ông Khai thêm rạng rỡ.

Chung tay bảo tồn, phát triển

Năm 2016, nghề tranh dân gian làng Sình được tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) công nhận là nghề truyền thống. Từ đây, nghề làm tranh dân gian cũng dần phát triển bền vững hơn khi gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống. Lượng khách du lịch trong và ngoài nước, các trường học trong và ngoài tỉnh đến tham quan trải nghiệm ngày càng nhiều đã tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho các cơ sở làng nghề.

Dù đã có những bước phát triển đáng kể, thế nhưng nghề tranh dân gian làng Sình vẫn gặp những khó khăn, làm cho nghề có nguy cơ mai một, thất truyền. Do đó việc tìm kiếm, trau dồi, bồi dưỡng một thế hệ trẻ kế cận và có tâm huyết với nghề để duy trì và phát triển làng nghề trở nên cấp thiết.

Để nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề, UBND xã Phú Mậu (cũ) đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành phố Huế mở lớp đào tạo, truyền nghề làm tranh làng Sình cho các lao động trong thôn, cũng như kỹ năng phục vụ du lịch cho các cơ sở sản xuất ở làng nghề truyền thống.

Khi chúng tôi đến Phú Mậu (cũ) vào giữa tháng 12/2024, cũng là lúc hơn 60 học viên là người dân trên địa bàn đến với lớp truyền nghề của nghệ nhân tranh dân gian làng Sình do nghệ nhân Kỳ Hữu Phước và ông Phan Thanh Quang, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đứng lớp. Trước đó, người dân cũng miệt mài tại lớp học vẽ tranh làng Sình được tổ chức từ tháng 9 đến tháng 11/2024. Tại nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Lại Ân, những người dân sau một ngày tất bật với ruộng đồng, tối đến lại hồ hởi kéo đến lớp học nghề tranh. Ông Phước xấp xỉ tuổi 80 nhưng vẫn cực kỳ nhanh nhẹn khi tới lui hướng dẫn các học viên thao tác in ấn, tô tranh. Niềm vui được trao truyền lại nghề của cha ông cho lớp trẻ khiến gương mặt ông Phước lúc nào cũng rạng rỡ.

Sản phẩm tranh dân gian làng Sình của thôn Lại Ân vừa được UBND thành phố Huế chứng nhận là sản phẩm đạt OCOP 3 sao trong tháng 7/2024. Ông Nguyễn Văn Trai cho biết: "Ngày nay, tranh dân gian làng Sình không chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho mục đích thờ cúng mà còn phục vụ cho trưng bày, trang trí. Chúng tôi cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất phát triển đa dạng mẫu mã, chất lượng và tạo ra các sản phẩm đặc trưng có giá trị làm hàng lưu niệm, quà tặng cho khách du lịch để mở rộng hơn giá trị của sản phẩm làng nghề”.

Bài, ảnh: Ngọc Hà

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/tam-huyet-voi-nghe-xua-150612.html
Zalo