'Tam giác phối hợp' chung tay xây dựng chính sách, phát triển thị trường bất động sản
Thời gian tới, 'tam giác phối hợp' là các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan báo chí cần nhận diện, tháo gỡ các rào cản thể chế, những bất cập nổi bật về chính sách đất đai, tín dụng... để phát triển bền vững, minh bạch thị trường bất động sản.
Cầu nối xây dựng chính sách, gỡ rào cản thể chế
Chiều 16/7, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức diễn đàn "Vai trò của hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách".

Toàn cảnh diễn đàn "Vai trò của hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách".
Phát biểu khai mạc và đề dẫn diễn đàn, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Thực tế, hiệp hội, doanh nghiệp và báo chí đã thường xuyên thực hiện công tác chung tay xây dựng chính sách, phát triển thị trường, nhất là trong 3 năm qua khi góp ý sửa đổi 3 bộ luật quan trọng của thị trường bất động sản: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Trong đó, những góp ý của hiệp hội cũng đã được Chính phủ ghi nhận, Quốc hội thông qua, ban hành và đồng thời có hiệu lực từ 1/8/2024. Ngay sau khi có các luật, các thông tư, nghị định hướng dẫn cũng được gấp rút xây dựng và ban hành.
"Khi được triển khai, những cơ chế pháp luật này đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập nên Chính phủ, các bộ, ngành hiện vẫn tiếp tục lấy ý kiến góp ý các vấn đề. Trong bối cảnh như vậy, rất cần có sự hợp tác giữa các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội để tham vấn cho Chính phủ nhằm góp ý để hoàn thiện chính sách", ông Khôi nói.
Theo TS Nguyễn Văn Khôi, đất nước ta đang bước vào một giai đoạn hết sức đặc biệt, đó là kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với mục tiêu đạt mức tăng trưởng 2 con số từ năm 2026 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành “bộ tứ trụ cột” gồm 4 nghị quyết quan trọng. Một là, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hai là, Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Ba là, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Bốn là, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong bối cảnh đó, ông Khôi cho rằng, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội với vai trò cầu nối có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các doanh nghiệp, nhất là lực lượng pháp chế doanh nghiệp và các cơ quan báo chí truyền thông cần tham gia tích cực, đầy đủ, đóng góp ý kiến với các chính sách của Chính phủ, qua đó đưa ra những giải pháp cho sự phát triển bền vững, minh bạch của thị trường bất động sản.
Cần mô hình "tam giác phối hợp" để xây dựng và phản biện chính sách
Dưới góc độ vừa là đại diện cho cơ quan báo chí, vừa là đại diện hiệp hội, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Phạm Nguyễn Toan, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi luôn nhận thức rất rõ vai trò phản biện đối với các vấn đề chính sách. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) có Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) để thực hiện các công trình nghiên cứu, đánh giá thị trường, chính sách; đồng thời cũng có Ban Pháp chế, chịu trách nhiệm nghiên cứu đánh giá, phản biện, để có những kiến nghị hợp lý, hài hòa lợi ích của các bên".

Hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan báo chí là "tam giác phối hợp" xây dựng, phản biện chính sách, phát triển bền vững thị trường bất động sản. Ảnh: Hoàng Anh
Trong quá trình góp ý xây dựng và sửa đổi Luật Đất đai, VNREA đã gửi hàng trăm kiến nghị, góp ý cụ thể, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển thị trường.
Mặc dù vậy, trên thực tế thực hiện cũng còn không ít bất cập. Các chuyên gia tham dự diễn đàn đồng thuận, mô hình tam giác phối hợp "Hiệp hội - Doanh nghiệp - Báo chí" cần phải tham gia có trách nhiệm, kết nối dữ liệu, truyền thông hiệu quả.
Theo GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, hiện nay chúng ta phải loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm", thay vào đó phải điều chỉnh các quy định, luật để doanh nghiệp tuân thủ và làm tốt.
Nếu doanh nghiệp không đủ năng lực để đón nhận, thực thi, thì dù chính sách ban hành tốt đến đâu, hành vi doanh nghiệp vẫn có thể đi lệch mục tiêu quản lý, dẫn đến việc doanh nghiệp cảm thấy nặng nề khi thực thi chính sách.
"Doanh nghiệp hoàn toàn có quyền phản ánh những vướng mắc khi thực thi để các cơ quan chức năng có cơ sở điều chỉnh. Đây chính là cách cung cấp thông tin, bằng chứng để nhận diện chính sách nào đang phát huy hiệu quả và chính sách nào cần sửa đổi.
Truyền thông và báo chí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các bằng chứng khách quan, trung thực, tránh đưa tin sai lệch hay cường điệu. Chính các hiệp hội cũng có nhiều cơ hội để tham gia góp ý chính sách, phản biện xây dựng. Tiếng nói của hiệp hội không chỉ tổng hợp thông tin từ thực tiễn mà còn tạo thành cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và nhà nước", ông Cường nhận định.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, năng lực nghiên cứu phản biện chính sách là một nhiệm vụ quan trọng của các hiệp hội. Vì thế, các hiệp hội cần nâng cao năng lực này, để bổ trợ thêm cho doanh nghiệp.
Vai trò của hiệp hội doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng, không chỉ có năng lực nghiên cứu mà hiệp hội còn có tính chính danh. Bởi vậy, việc vận động chính sách nên là các hiệp hội lên tiếng chứ không nên qua doanh nghiệp để tránh sự xung đột lợi ích.