Nghị quyết 68: Chính phủ cam kết đồng hành với DN tư nhân và nhà đầu tư quốc tế
Giữa lúc khu vực kinh tế tư nhân đối mặt nhiều rào cản về thể chế và cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được ví như một 'lời cam kết cao nhất' về việc đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư quốc tế.
Nghị quyết 68 định vị lại năng lực cạnh tranh
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Nghị quyết 68 được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là sự thay đổi thiết thực và đúng thời điểm, giúp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 phát đi thông điệp, Chính phủ sẵn sàng đồng hành cùng khu vực tư nhân và các nhà đầu tư quốc tế, không chỉ trong hiện tại mà cả trong dài hạn. Không chỉ dừng lại ở những tuyên bố mang tính khích lệ, nghị quyết còn thể hiện rõ ý chí cải cách thể chế, mở đường cho khu vực tư nhân Việt Nam vươn ra biển lớn, đặc biệt trong bối cảnh thu hút FDI đang có dấu hiệu chững lại.
Đặc biệt với các lĩnh vực liên quan đến bất động sản công nghiệp và logistics Việt Nam, nghị quyết này mang đến một tín hiệu tích cực, mở ra kỳ vọng mới cho các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Vì vậy, việc chủ động hỗ trợ, giảm rào cản và tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục, đất đai và hạ tầng được xem là bước tiến quan trọng để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong thu hút dòng vốn sản xuất và cải thiện môi trường kinh doanh.

Nghị quyết 68 tạo lực đẩy mạnh mẽ cho dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển xanh.
Giữa sự cạnh tranh khốc liệt trong khu vực, việc cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, đồng thời phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ từ giao thông, điện năng đến cảng biển và cửa khẩu được xem là điều kiện tiên quyết. Đây cũng là những yếu tố giúp Việt Nam nổi bật hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn đang dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc, Savills Việt Nam nhận định: Nghị quyết 68 Việt Nam phát đi một thông điệp nhất quán: Chính phủ sẵn sàng đồng hành cùng khu vực tư nhân và các nhà đầu tư quốc tế, không chỉ trong hiện tại mà cả trong dài hạn. Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Còn ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu một bước đi chiến lược thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc tái định vị vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thay vì chỉ là điểm đến sản xuất dựa trên lợi thế chi phí thấp, Việt Nam đang hướng tới mô hình phát triển khu công nghiệp dựa trên chất lượng, công nghệ cao và tính bền vững, điều từng là thách thức lớn đối với nhiều địa phương trong thời gian qua.
Bứt phá trong thu hút đầu tư quốc tế
Nghị quyết 68 không chỉ tạo lực đẩy mạnh mẽ cho dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển xanh, mà còn thúc đẩy nhu cầu đối với các khu công nghiệp hiện đại, nơi sở hữu hạ tầng thông minh, đạt tiêu chuẩn môi trường và có lợi thế cạnh tranh về logistics Việt Nam. Những mô hình khu công nghiệp đa chức năng đang trở thành hình mẫu lý tưởng, sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nghị quyết 68 tạo lực đẩy mạnh mẽ phát triển công nghệ cao.
“Điểm nhấn đáng chú ý trong Nghị quyết là mục tiêu giải quyết triệt để hai rào cản lớn: rào cản về đất đai và chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây là những yếu tố đã kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho các nhà đầu tư quốc tế trong việc triển khai dự án đúng tiến độ, đặc biệt với những tập đoàn đa quốc gia vốn có quy trình đánh giá rủi ro khắt khe”, ông Thomas Rooney khẳng định.
Chuyên gia tài chính Đoàn Duy Tú, Trưởng phòng tư vấn đầu tư chứng khoán VPbank đánh giá, điểm nhấn lớn trong Nghị quyết 68-NQ/TW là sự thay đổi căn bản về cách nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân. Từ chỗ chỉ được xem là “một trong những động lực quan trọng”, nay tư nhân được xác lập là “động lực tăng trưởng quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân. Đây là bước chuyển tư duy lớn, phản ánh rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc trao quyền dẫn dắt cho khu vực tư nhân.

Nghị quyết 68 tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục, đất đai và hạ tầng.
Trong bối cảnh nguồn vốn từ FDI bất ổn, doanh nghiệp nhà nước hiệu suất chưa cao, thì việc đặt kỳ vọng vào tư nhân là hợp lý. Sự thay đổi về chính sách đầu tư đối với kinh tế tư nhân là bước ngoặt lớn, có giá trị khích lệ tinh thần và niềm tin vào môi trường kinh doanh trong nước.
“Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến 2030 có thêm 1 triệu doanh nghiệp tư nhân mới, ít nhất 20 doanh nghiệp vươn tầm quốc tế. Song ngoài cải cách thể chế mang tính chiến lược thì điều cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng hơn cả là những “tín hiệu xanh” từ Chính phủ thông qua các chính sách đầu tư như giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính rườm rà, minh bạch hóa môi trường kinh doanh”, ông Tú nói.
Các chuyên gia khẳng định, nếu được triển khai hiệu quả, Nghị quyết 68 không chỉ là một thông điệp chính sách nhất quán, mà còn trở thành nền tảng chiến lược giúp Việt Nam bứt phá trong thu hút đầu tư quốc tế.