Tam Đường 'quả ngọt' từ cây ăn quả ôn đới
Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng huyện Tam Đường tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ôn đới như: đào, lê, mận. Đến nay, huyện hình thành được vùng trồng cây ăn quả ôn đới tập trung ở các xã: Nùng Nàng, Giang Ma, Tả Lèng, Hồ Thầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân vùng cao từng bước vươn lên làm giàu.
Thực hiện chương trình phát triển cây ăn quả ôn đới, xã Nùng Nàng đã đưa cây lê vào trồng thí điểm, những diện tích đất dốc trồng ngô, sắn kém hiệu quả nay đã phủ xanh bằng những vườn lê trĩu quả. Đến nay, toàn xã có trên 47ha cây lê, trong đó có gần 30ha đã cho thu hoạch. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn cây lê phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt, chất lượng quả to, ngọt được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Trong năm 2024, xã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng mô hình VietGap cho cây lê, để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như thu nhập cho bà con nhân dân.
Gia đình anh Ma A Kỷ, bản Sáy San 3, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường đưa cây lê vào trồng từ năm 2015, khi trồng anh được nhà nước hỗ trợ giống, phân bón. Thấy cây lê mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay gia đình có trên 300 gốc lê, trong đó 100 gốc đã cho thu hoạch; mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu về hơn 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn sáng tạo trong trồng và chăm sóc cây lê, điển hình như gia đình anh Giàng A Phử, bản Giang Ma, xã Giang Ma được cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn ghép cành cây lê VH6 trên cây lê Tai Nung có nguồn gốc từ Đài Loan để cho quả mới, chất lượng tốt hơn. Năm 2022-2023, anh bắt tay thực hiện ghép, đến nay quả lê thu được có chất lượng tốt hơn 2 loại kia, quả ngọt, giòn, không quá mọng nước. Hiện gia đình anh có 16 gốc lê hơn 15 năm tuổi. Trung bình mỗi năm gia đình bán ra thị trường gần 2 tấn lê, thu nhập gần 50 triệu đồng.
Bên cạnh cây lê, cây đào cũng được bà con đẩy mạnh trồng và nhân rộng diện tích, như gia đình anh Giàng A Di ở bản Giang Ma, xã Giang Ma chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng ngô sang trồng đào chín sớm, đến nay gia đình có hơn 20 cây đào đã ra quả, trung bình mỗi năm gia đình thu về 20 triệu đồng. Nhờ đó, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vàng A Chư, Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma chia sẻ: “Từ năm 2012, xã triển khai trồng thí điểm các cây ăn quả ôn đới: đào, lê tại một số bản. Đến nay, xã Giang Ma có 116ha cây ăn quả ôn đới, trong đó diện tích thu hoạch 96ha, sản lượng ước đạt 780 tấn. Nhìn chung các loại cây ăn quả sinh trưởng phát triển tốt, mỗi hécta thu về hàng chục triệu đồng, có nhiều mô hình được nhân rộng thu về vài trăm triệu đồng. Thời gian tới, xã tiếp tục hướng dẫn người dân trong việc chăm sóc vườn cây, bảo quản, vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ, tránh bị hư hỏng, dập nát và quy hoạch các vùng mới để mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới tại các khu vực có tiềm năng”.
Từ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, đến nay huyện Tam Đường phát triển được trên 330ha cây ăn quả ôn đới ở các xã vùng cao như: Tả Lèng, Hồ Thầu, Giang Ma, Nùng Nàng, Sơn Bình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Để đảm bảo các loại cây ăn quả ôn đới phát triển và cho sản lượng quả tốt, các cơ quan chuyên môn phối hợp UBND các xã hướng dẫn bà con cách chăm sóc, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, tỉa bớt quả nhỏ để cây sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo cho thu hoạch vào vụ tới. Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản phẩm, chính quyền các xã tập trung quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả ôn đới gắn với phát triển du lịch trải nghiệm theo mùa hoa, mùa quả. Thực hiện tốt việc hỗ trợ cho người dân thông qua các chính sách của tỉnh như: Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025… Theo đó, các hộ đăng ký trồng cây ăn quả ôn đới được hỗ trợ 100% giống, phân bón, tùy vào từng chính sách hỗ trợ người dân sẽ được hỗ trợ 50% hoặc 100% phân bón năm thứ nhất và 50% năm thứ 2.
Để cây ăn quả phát triển bền vững, thực sự là cây giảm nghèo cùng với tiếp tục thu hút, kêu gọi tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã vào đầu tư thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân, huyện Tam Đường cần hướng tới mục tiêu gắn phát triển cây ăn quả với phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng nhà máy sơ chế, từ đó tạo sự ổn định và bền vững lâu dài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.