Ngành ngân hàng thêm một năm 'ăn nên làm ra'

Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được Đại hội đồng cổ đông giao, trong đó, có những đơn vị ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số...

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 hoặc kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024 với nhiều tín hiệu tích cực. Đáng chú ý, có nhiều ngân hàng tiết lộ mang về khoản lợi nhuận kỷ lục, ngược lại có một đơn vị duy nhất báo lợi nhuận “đi lùi”.

NHIỀU NGÂN HÀNG ĐỒNG LOẠT BÁO LÃI ĐẬM

Ngân hàng Techcombank vừa ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2024 đầy ấn tượng, với lợi nhuận trước thuế đạt 27.500 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm trước. Đây không chỉ là mức lợi nhuận cao kỷ lục mà còn vượt kế hoạch đề ra (27.100 tỷ đồng).

Đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Techcombank chạm mốc 978.800 tỷ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm. Quy mô tín dụng đạt 640.700 tỷ đồng, tăng 20,85%, nằm trong hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Xét trên cơ sở hợp nhất, tín dụng tăng 21,7%, trong đó cho vay cá nhân tăng 28,4%, vượt xa mức tăng 17,3% của tín dụng doanh nghiệp. Số dư tiền gửi khách hàng cũng tăng mạnh 24,3%, đạt 565.100 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của Techcombank được cải thiện, giảm xuống còn 1,17%. Đặc biệt, tỷ lệ NPL trước CIC ở mức thấp ấn tượng, chỉ 1%.

ACB vừa khép lại năm 2024 với kết quả kinh doanh ấn tượng, khi lợi nhuận trước thuế vượt ngưỡng 21.000 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với năm trước. Động lực chính đến từ thu nhập lãi tăng 11,4%, nhờ mở rộng quy mô tín dụng, và thu nhập từ phí dịch vụ tăng 10,8% nhờ sự đa dạng hóa các nguồn thu phí. Hiệu quả hoạt động được củng cố với tỷ lệ CIR giảm xuống 32,5%, trong khi ROE đạt 22%, nằm trong top đầu của ngành ngân hàng.

Quy mô tín dụng của ACB trong năm 2024 đạt 581 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 19,1%, với tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 1,51%. Song song đó, tổng huy động vốn từ khách hàng và giấy tờ có giá tăng 19,4%, đạt 639 nghìn tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2024, các chỉ số an toàn của ACB đều được duy trì ở mức cao: tỷ lệ LDR ở mức 78%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ 18,8%. Đặc biệt, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) đạt trên 12%, vượt xa mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Hệ số rủi ro của tài sản cũng được kiểm soát chặt chẽ, duy trì ở khoảng 70%.

Ngân hàng PGBank cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2024, ghi nhận lợi nhuận trước thuế 76,3 tỷ đồng, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ so với mức lỗ 4,6 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái.

Theo PGBank, kết quả ấn tượng này đến từ thu nhập lãi thuần tăng 23%, cùng với việc đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, đặc biệt là các khoản gốc và lãi đã sử dụng dự phòng, giúp thu nhập từ hoạt động khác tăng đáng kể trong quý 4.

Tính chung cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế của PGBank đạt 421 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2023. Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của ngân hàng đạt 73.211 tỷ đồng, tăng 31,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng 17,3%, đạt 41.436 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, tổng dư nợ xấu của PGBank tính đến ngày 31/12/2024 là 1.061 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,2% so với đầu năm, phản ánh sự kiểm soát tương đối tốt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng SeABank vừa thông báo về kết quả hoạt động năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.039 tỷ đồng, tăng 31% so với 2023, hoàn thành 103% kế hoạch. Tổng thu nhập hoạt động của SeABank tăng trưởng 32% so với năm trước, đạt 12.409 tỷ đồng. Tỷ lệ ROE ở mức 14,75% và ROA đạt 1,63%. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) năm 2024 giảm đáng kể, xuống mức 33,28%.

Tính đến cuối năm 2024, quy mô tổng tài sản SeABank đạt 325.699 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023; Dư nợ tín dụng đạt 209.355 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 20,42%.

Tổng huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức tài chính quốc tế vượt kế hoạch năm, đạt 215.984 tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng ấn tượng đạt 32.658 tỷ đồng, tăng 96% so với năm 2023 và chiếm 19,4% tổng huy động. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,89%, thấp hơn nhiều so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Eximbank cũng cho biết lợi nhuận năm 2024 đạt 4.188 tỷ đồng, tăng vọt 54% so với năm 2023. Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Eximbank đạt 239.532 tỷ đồng, tăng 18,9% so với đầu năm. Bên cạnh đó, dư nợ cấp tín dụng cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 19,72%.

Kết thúc năm 2024, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt gần 7.600 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra tại Đại hội đồng cổ đông. Tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của TPBank duy trì ở mức trên 17%.

Kết thúc năm 2024, dư nợ tín dụng của TPBank, bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp, đạt 261.500 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng hơn 20% so với năm trước, vượt xa mức tăng trưởng trung bình của ngành ngân hàng. Tổng tài sản vượt 418.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và vượt kế hoạch 7%.

Nam A Bank mới đây đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.545 tỷ đồng, tăng 37,56% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 13,6% chỉ tiêu được giao.

LPBank cũng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2023 và thực hiện được 116% kế hoạch đề ra. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của ngân hàng này và là lần đầu tiên LPBank ghi tên mình vào 'Câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ đồng'. Bên cạnh đó, LPBank cũng là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất hệ thống tính đến thời điểm hiện tại.

Chia sẻ tại Hội nghị nhà đầu tư HDBank 2024 mới đây, ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính HDBank cho biết, ngân hàng này tin tưởng sẽ vượt các chỉ tiêu lợi nhuận 15.852 tỷ cổ đông giao và dự kiến đạt tới trên 16.000 tỷ đồng. So với kết quả đạt được năm 2023, lợi nhuận HDBank dự kiến sẽ tăng trưởng 23%.

Sacombank cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý 4 và cả năm 2024. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Sacombank trong quý 4/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông giao.

Còn tại Hội nghị Nhà đầu tư ngày 10/1, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho biết, ước tính lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ngân hàng năm 2024 tăng khoảng 12% so với năm 2023 và đạt 27.600 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng khoảng 9-10%, đạt gần 29.000 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2024, lợi nhuận trước thuế BaoVietBank đạt gần 86 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 87 tỷ đồng trong năm 2023 . Đây là ngân hàng đầu tiên ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong năm 2024.

Trong năm 2024, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của BaoVietBank ghi nhận mức tăng trưởng 21%; Hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều giảm; Tổng thu nhập hoạt động tăng 13% so với năm 2023.

Kết thúc năm 2024, tổng tài sản của BaoVietBank đạt hơn 90,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,06% so với cuối năm trước, tổng dư nợ tín dụng đạt gần 54,6 nghìn tỷ đồng, đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu/tổng nợ duy trì ở mức 2,84%.

Nguồn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư cũng tăng trưởng đáng kể, đạt 59,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,66% so với cùng kỳ.

NHÓM BIG 4 ĐỒNG LOẠT BÁO LÃI KỶ LỤC

Báo cáo tại Hội nghị Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh năm 2025, Ban lãnh đạo BIDV cho biết, tính đến hết 31/12/2024, các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đều đạt và vượt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng trưởng 12,4% so với năm 2023.

Với kết quả trên, nhiều khả năng BIDV sẽ là ngân hàng có lợi nhuận lớn thứ hai hệ thống (chỉ sau Vietcombank) và là mức cao nhất lịch sử của nhà băng này.

Agribank mới đây cũng đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế tăng trên 8%. Trước đó, năm 2023, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 25.525 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ngân hàng năm 2024 ước tính đạt trên 27.500 tỷ đồng.

Tại VietinBank , Ban lãnh đạo cũng thông tin rằng lợi nhuận năm 2024 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trước đó, hồi tháng 10/2024, VietinBank đã công bố chính thức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ đạt mức kỷ lục 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm trước.

Với Vietcombank , ngân hàng này chưa công bố lợi nhuận cả năm 2024. Song, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025 diễn ra vào giữa tháng 12/2024, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cho biết ngân hàng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.

Trong Báo cáo thường niên 2023, Vietcombank cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tối thiểu 5% trong năm 2024. Ước tính, Vietcombank có thể đạt mức lợi nhuận riêng lẻ khoảng 43.000 tỷ đồng trong năm 2024 – tiếp tục đứng đầu toàn ngành ngân hàng.

Hải Đăng

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nganh-ngan-hang-them-mot-nam-an-nen-lam-ra-post557381.html
Zalo