Góp ý nhiều điểm mới của dự thảo Luật Việc làm sửa đổi

Tại hội thảo, nhiều ý kiến góp ý cho nhiều nội dung mới của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Hôm nay (14-11), Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)”.

Góp ý dự thảo Luật Việc làm sửa đổi

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng hơn 8 năm thi hành Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn về cơ bản đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động và người sử dụng lao động, đảm bảo an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Việc làm năm 2013, vẫn còn nhiều nội dung bất cập, hạn chế.

So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có nhiều nội dung sửa đổi đáng lưu ý như sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động…

 TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Theo TS Sơn, hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các luật sư, các cơ quan… có thể trao đổi, chia sẻ, đánh giá và đưa ra những góp ý cho nội dung dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Quyên (Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết ngày 23-11 Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Cho tới thời điểm này thì các chính sách mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội đã cơ bản được các tổ, các đại biểu thống nhất và cũng có đề xuất trong quá trình chỉnh lý hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và Ủy ban xã hội (Quốc hội) để rà soát chỉnh lý.

“Quốc hội sẽ chủ trương đường lối, luật khung còn các nhiệm vụ cụ thể thì giao cho Chính phủ. Mục tiêu làm sao để luật có tuổi thọ dài hơn, chứ cái gì cũng quy định trong luật sẽ hạn chế, gò bó vì khi muốn sửa một chính sách phải báo cáo Quốc hội thì sẽ rất lâu” - bà Quyên nói.

 TS Nguyễn Thị Quyên (Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: UL

TS Nguyễn Thị Quyên (Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: UL

Nội dung mới về đăng ký lao động

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận và góp ý nhiều nội dung mới của dự thảo Luật Việc làm sửa đổi.

Trong đó, trình bày tham luận về góp ý nội dung đăng ký lao động trong dự thảo luật việc làm sửa đổi, ThS Hồ Thị Thanh Trúc (Khoa Kinh tế - luật, Trường ĐH Tài chính - Marketing) cho rằng đăng ký lao động là một nội dung mới được đề xuất trong dự thảo.

Đăng ký lao động được xếp vào chương 3 của dự thảo với nhiều nội dung. Đối tượng đăng ký lao động là người lao động là công dân Việt Nam có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp lao động chưa thành niên theo quy định của BLLĐ.

 Ban chủ trì hội thảo. Ảnh: YC

Ban chủ trì hội thảo. Ảnh: YC

Theo bà Trúc, như vậy, đối tượng đăng ký lao động là công dân Việt Nam có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc và đủ tuổi lao động theo quy định pháp luật. Có 2 vấn đề được đặt ra:

Bổ sung thông tin về khả năng làm việc của người lao động

Những yếu tố đánh giá khả năng làm việc của người lao động như sức khỏe, lịch sử bệnh lý và kinh nghiệm làm việc, lịch sử công việc đã làm không được đề cập trong thông tin lao động.

Vì vậy, cần bỏ thông tin về dân tộc và bổ sung thông tin còn thiếu.

ThS HỒ THỊ THANH TRÚC (Khoa Kinh tế - luật, Trường ĐH Tài chính - Marketing)

Thứ nhất đối tượng đăng ký lao động phải có nhu cầu làm việc. Nội dung này mang tính cảm tính, như vậy việc đăng ký lao động được hiểu là không phải nghĩa vụ bắt buộc nếu viện dẫn lý do là không có nhu cầu làm việc thì không cần đăng ký lao động. Điều này sẽ làm cho việc thu thập thông tin về lao động không được đầy đủ và chính xác.

Thứ hai, đối tượng đăng ký lao động là công dân Việt Nam, người nước ngoài không phải đăng ký lao động, việc này làm cho thông tin thị trường lao động bị khuyết, khó có thể phục vụ tốt cho công tác quản lý vĩ mô thị trường lao động.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

ThS Trúc dẫn: Những nội dung đăng ký lao động gồm 4 nhóm:

(1) Nhóm thông tin cơ bản: họ, chữ đệm và tên khai sinh; số định danh cá nhân; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; nơi ở hiện tại;

(2) Nhóm thông tin về trình độ chuyên môn gồm trình độ giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp; giáo dục đại học; chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

(3) Nhóm thông tin về việc làm: tình trạng tham gia hoạt động kinh tế; vị thế việc làm; công việc cụ thể đang làm; doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân sử dụng lao động; địa chỉ nơi làm việc;

(4) Nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ThS Trúc, một số thông tin đăng ký lao động không cần thiết và có thể tạo ra sự phân biệt đối xử, đồng thời thiếu một số thông tin cần thiết trong quản lý lao động. Cụ thể, thông tin về dân tộc là không cần thiết. Trong khi đó, một trong những yếu tố đánh giá khả năng làm việc của người lao động là sức khỏe, lịch sử bệnh lý và kinh nghiệm làm việc, lịch sử công việc đã làm không được đề cập trong thông tin lao động. Vì vậy, bà đề xuất bỏ thông tin về dân tộc và bổ sung thông tin về tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh lý, kinh nghiệm làm việc, lịch sử làm việc.

Cạnh đó, bà Trúc cho rằng một số thông tin về người lao động đã được thu thập trong cơ sở dữ liệu về dân cư vì thế việc thu thập các thông tin về tình trạng lao động và việc làm cần tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc đăng ký cần dễ dàng, tinh gọn...

Cũng theo ThS Trúc, dự thảo quy định về những đối tượng được sử dụng dữ liệu về người lao động ngoài cơ quan quản lý nhà nước còn có tổ chức và cá nhân khác. Vì thế cần xây dựng cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân đồng bộ với Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cần có quy định chính sách hỗ trợ người cao tuổi

Có một sự khập khiễng khi thực trạng lao động lớn tuổi đã trở thành vấn đề nổi cộm và xuất hiện trong nhiều hội thảo và các tài liệu nghiên cứu, quá trình tổng kết nhưng nó lại không được đề cập một cách chính thức trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Trong khi đó, đối với lao động cao tuổi, một bộ phận lao động sau tuổi hưu trí tiếp tục làm việc, có số lượng ít hơn lại được đề cập để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Với tên gọi Luật Việc làm, Luật phải hướng đến mục tiêu là tạo được môi trường mà ở đó mọi lao động được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận, duy trì việc làm ổn định và bền vững. Trong ý nghĩa đó thì lao động lớn tuổi, với những hạn chế và khó khăn trong việc tiếp cận với việc làm khu vực chính thức cần được Luật Việc làm dành sự quan tâm phù hợp.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) không có quy định về chính sách hỗ trợ dành cho lao động lớn tuổi, trong khi đó có quy định về các chính sách hỗ trợ cho lao động thanh niên, lao động nông thôn, lao động cao tuổi là còn thiếu sót.

Với mục đích tạo điều kiện cho các nhóm lao động có sự hạn chế nhất định tham gia vào thị trường lao động, Luật Việc làm cần có quy định bổ sung các chính sách hỗ trợ lao động lớn tuổi.

(Theo ThS Lường Minh Sơn và TS Hồ Xuân Dũng, Trường ĐH Luật TP.HCM)

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/gop-y-nhieu-diem-moi-cua-du-thao-luat-viec-lam-sua-doi-post819799.html
Zalo