Niềm tin Công lý số 25: Nghiêm trị 'Bảo mẫu' bạo hành trẻ em

Trong số 25, Chương trình 'Niềm tin đề cập đến một vụ án từng gây rúng động dư luận: Hai bảo mẫu thực hiện hành vi bạo hành, dẫn đến cái chết của một bé trai 17 tháng tuổi. Hình phạt nghiêm khắc đối với 2 bị cáo là một minh chứng cho thấy, những tội ác với con trẻ, với thế hệ mầm non của đất nước, với đối tượng yếu thế… sẽ đều bị nghiêm trị.

Hà Nội, vào tháng 8/2023, phiên tòa sơ thẩm xét xử hai “bảo mẫu” về tội "giết người" mà nạn nhân là một bé trai 17 tháng tuổi, khép lại với hình phạt nghiêm khắc là “tù chung thân” và “20 năm tù”. Phía sau bản án là một sự thật khiến xã hội không khỏi bàng hoàng: Những người được cha mẹ tin tưởng lại chính là kẻ đã có hành vi tàn nhẫn với một đứa bé chưa biết nói, chưa thể kêu cứu.

Hành vi đánh đập, đạp vào người, ném bé trai của các bị cáo đã vượt qua giới hạn đạo đức, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sống, quyền được bảo vệ của trẻ em, vốn được quy định rõ trong Hiến pháp và Luật Trẻ em. Đáng lên án hơn, với nghề nghiệp của mình, hai bị cáo đáng lẽ phải có tình yêu thương con trẻ hơn ai hết.

Trong một xã hội dân chủ, thượng tôn pháp luật, nơi quyền con người, đặc biệt là quyền của nhóm đối tượng yếu thế phải được bảo đảm tối đa, thì bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến trẻ nhỏ đều phải bị trừng trị nghiêm minh. Cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, truy tố và xét xử hai bảo mẫu về tội Giết người đã thể hiện rõ tính chất của tội phạm, với quan điểm răn đe, trừng trị và phòng ngừa chung.

Bản án được tuyên là một sự an ủi cho gia đình nạn nhân, là tuyên ngôn pháp lý, thể hiện thái độ không khoan nhượng của nhà nước đối với các loại tội phạm xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Vì sao những bảo mẫu mang trong mình những trách nhiệm đáng lẽ là người bảo vệ, nuôi dưỡng, lại trở thành kẻ lấy đi sinh mệnh một đứa trẻ chưa đầy hai tuổi?

Trách nhiệm của một bảo mẫu không đơn thuần là trông nom con trẻ theo nghĩa vụ lao động, mà đó là công việc đặc biệt – nơi mỗi hành vi, lời nói đều tác động đến thể chất, tinh thần và sự phát triển của con trẻ. Người làm nghề này phải có tình yêu thương, sự kiên nhẫn và được trang bị kỹ năng sư phạm, kỹ năng tâm lý trẻ em.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều cơ sở trông trẻ, đặc biệt là các nhóm trẻ tư nhân, gia đình vẫn tuyển dụng người lao động theo tiêu chí "quản lý trẻ”, mà không quan tâm đến lý lịch, phẩm chất đạo đức hay trình độ chuyên môn.

Vụ án gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về lỗ hổng trong công tác cấp phép, kiểm tra, giám sát các cơ sở trông trẻ. Trong nhiều trường hợp, sự buông lỏng của chính quyền địa phương đã vô tình trở thành “kẽ hở chết người” để rồi “mất bò mới lo làm chuồng”.

Công lý không chỉ là bản án hay hình phạt sau tội ác. Công lý phải bắt đầu từ sự phòng ngừa, từ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong bảo vệ những đối tượng yếu thế. Trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước cần được lớn lên trong một môi trường an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần. Quy định của pháp luật đã đầy đủ, đã thể hiện sự trừng phạt, trừng trị nhưng việc cần làm là nâng cao hơn nữa trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em và đề cao tình người, tình thương yêu đồng loại trong cuộc sống

Chương trình “Niềm tin Công lý” một lần nữa khẳng định là kênh tuyên truyền pháp luật, gắn với tính giáo dục cao, không chỉ bằng các bản án đã tuyên, mà còn bằng sự đối thoại giữa lương tri và pháp lý, giữa công chúng và hệ thống tư pháp.

Chương trình được phát sóng lúc 22 giờ 30 phút, thứ 3 ngày 06/5/2025, trên Kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Minh Anh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/niem-tin-cong-ly-so-25-nghiem-tri-bao-mau-bao-hanh-tre-em-477678.html
Zalo