Tài xế TPHCM kể sự cố nhớ đời trong cabin rộng 1m2 giữa lưng chừng trời

Chọn nghề không dành cho người yếu tim, tài xế lái cẩu tháp quanh năm suốt tháng một mình đối mặt với nỗi cô đơn, mối nguy hiểm tiềm tàng giữa lưng chừng trời.

Lời tòa soạn:

Đu dây bên ngoài tòa nhà hàng chục tầng để lau kính, ngồi trên tháp cao cả trăm mét so với mặt đất để điều khiển cần cẩu… đều là những công việc không dành cho người yếu tim.

Báo VietNamNet giới thiệu cùng độc giả tuyến bài “Nghề nguy hiểm” với góc nhìn chân thực về những công việc đầy rủi ro nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng đảm nhận để mưu sinh.

Không dành cho người yếu tim

7h, anh Nguyễn Trí Thức (SN 1993, huyện Nhà Bè, TPHCM) có mặt tại công trường. Sau khâu kiểm tra sức khỏe, Thức mặc đồ bảo hộ, tiến về phía máy cẩu tháp sừng sững giữa không trung.

Tại đây, Thức trèo lên thang bộ giữa thân tháp. Chiếc thang cao vút, đâm thẳng lên trời khiến anh thở dốc. Cứ sau 10m, Thức lại phải dừng nghỉ để lấy sức rồi mới tiếp tục trèo lên.

Phải mất nhiều phút, Thức mới lên đến cabin nằm cách mặt đất hơn 100m. Một ngày vận hành cần trục tháp (còn gọi là lái cẩu tháp) giữa lưng chừng trời với nỗi cô đơn, nhiều hiểm nguy của anh bắt đầu.

Mỗi sáng, anh Thức (mũ trắng) đến công trường để chuẩn bị cho công việc đặc biệt của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi sáng, anh Thức (mũ trắng) đến công trường để chuẩn bị cho công việc đặc biệt của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thức chia sẻ: “Lái cẩu tháp là nghề khắc nghiệt vô cùng vì kém an toàn, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên không dành cho người yếu tim. Muốn làm nghề phải đi học, có chứng chỉ.

Mỗi ngày, chúng tôi ngồi trong cabin cao hàng trăm mét so với mặt đất để điều khiển cần trục phục vụ việc xây dựng tại công trình lớn như cao ốc, tòa nhà chọc trời…

Lần đầu tiên leo cầu thang lên tháp, tôi không dám nhìn xuống. Khi lên đến cabin, tôi run bần bật, không dám trèo xuống. Cabin luôn chuyển động, rung lắc tạo cảm giác không an toàn”.

Làm việc ở lưng chừng trời, mỗi ngày, Thức đối mặt với vô số nguy cơ như: Móng tháp không chắc chắn, vượt tải nên đứt cáp, gẫy cần trục…

Trường hợp cẩu tháp bị đổ, ngã, tài xế trong cabin thường không kịp thoát thân dẫn đến tử vong.

Trước khi làm việc, không chỉ Thức mà các công nhân khác cũng phải kiểm tra sức khỏe. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước khi làm việc, không chỉ Thức mà các công nhân khác cũng phải kiểm tra sức khỏe. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đặc biệt, tài xế cẩu tháp như Thức luôn ám ảnh chuyện phải làm việc trong điều kiện mưa to, gió lớn bất chợt. Không kịp trèo xuống mặt đất, các tài xế chỉ còn cách đóng cửa cabin, ngồi bên trong chịu trận.

Những lúc như thế, cẩu tháp quay tự do theo gió, cabin rung lắc dữ dội, thậm chí bị sét đánh trúng. Thức kể: “Tôi nhớ lần lái cẩu tháp cho công trình ở TP Thủ Đức.

Hôm đó trời nổi gió rất mạnh buộc chúng tôi phải thả cho cần trục quay tự do. Nếu khóa lại, cần trục có thể bị gãy, gây nguy hiểm. Vì thế, lúc đó các cẩu tháp tại công trường đều quay theo gió như chong chóng.

Trèo thang bộ, cứ 10m, anh Thức phải dừng nghỉ rồi mới có thể tiếp tục. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trèo thang bộ, cứ 10m, anh Thức phải dừng nghỉ rồi mới có thể tiếp tục. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên dưới, tôi thấy giàn giáo ở công trình đổ sập. Bên trên, cabin rung lắc dữ dội, tưởng như bị gió xé nát nên chúng tôi ai cũng sợ, nghĩ đến tình huống xấu nhất.

Để tự trấn an, chúng tôi bật bộ đàm hỏi thăm nhau”.

Đánh đổi cả thanh xuân, hạnh phúc gia đình

Ngoài cực nhọc, nguy hiểm tiềm ẩn, tài xế lái cẩu tháp còn đối mặt với nỗi cô đơn mỗi ngày. Bởi dù lúc làm việc hay nghỉ ngơi, khi ở trên cabin, tài xế chỉ có một mình.

Thời gian đầu, Thức luôn cảm thấy chơi vơi, buồn chán vì phải “nhốt” mình trong cabin chỉ rộng khoảng 1m2. Suốt thời gian làm việc, Thức không có ai để trò chuyện, không có gì để giải trí.

Tài xế cẩu tháp làm việc trong cabin cao ngất. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tài xế cẩu tháp làm việc trong cabin cao ngất. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi ngày, Thức thường chỉ leo lên xuống cẩu tháp 1 lần. Nếu tăng ca, Thức ngủ luôn trong cabin. Vì vậy, anh phải ăn uống một mình trên không trung.

Dù vậy, anh cũng không được ăn uống như các công nhân khác. Cánh tài xế cẩu tháp phải hạn chế một số loại thức ăn dễ gây đau bụng vì trên cabin không có chỗ để xử lý.

Theo nghề quanh năm làm việc ở lưng chừng trời, nhiều tài xế cẩu tháp đánh đổi cả thanh xuân, hạnh phúc gia đình. Bởi, hầu hết những người như Thức đều nay đây mai đó theo công trình.

Làm việc một mình ở lưng chừng trời, anh Thức thường xuyên đối mặt với nỗi cô đơn cùng nhiều mối nguy hiểm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Làm việc một mình ở lưng chừng trời, anh Thức thường xuyên đối mặt với nỗi cô đơn cùng nhiều mối nguy hiểm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhốt mình trong cabin, cô đơn giữa không trung, tài xế cẩu tháp hầu như không có thời gian kết bạn, yêu đương. Nhiều tài xế vì thế mà không thể tìm kiếm người yêu, lập gia đình.

Cũng có không ít trường hợp tài xế lập gia đình rồi tan vỡ hạnh phúc, như trường hợp của Thức. Dù đã có với nhau một mặt con, vợ của Thức không chịu nổi sự cô đơn, trống trải khi chồng cứ biền biệt theo công trình.

Cuối cùng, chị ra đi tìm hạnh phúc mới. Thức hiểu nên không trách vợ, chấp nhận cảnh gà trống nuôi con.

Anh khẳng định đây là nghề nguy hiểm, khắc nghiệt và không dành cho người yếu tim. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh khẳng định đây là nghề nguy hiểm, khắc nghiệt và không dành cho người yếu tim. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh tâm sự: “Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng thu nhập của nghề này thuộc dạng thấp nhất trong các ngành nghề. Trung bình mỗi ngày, tài xế như tôi chỉ nhận được từ 230.000 đồng.

Vì vậy, chỉ có ai thực sự yêu nghề mới đủ sức theo đuổi. Tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề vì đã hy sinh cho nghề quá nhiều. Tôi sẽ theo đuổi đến khi nào không còn đủ sức nữa mới thôi”.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tai-xe-tphcm-ke-su-co-nho-doi-trong-cabin-rong-1m2-giua-lung-chung-troi-2347382.html
Zalo