Tài xế công nghệ 'bơi' giữa các nền tảng

Nghề lái xe công nghệ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng gọi xe, xe tự lái. Điều này buộc một số tài xế phải sử dụng nhiều điện thoại thông minh để tìm kiếm khách hàng.

Nikkei Asia cho biết, tính đến tháng 12 năm ngoái, số người dùng ứng dụng đi xe chung tại Trung Quốc đã vượt quá 500 triệu. Theo Bộ Giao thông Vận tải nước này, tính đến tháng 6, đã có hơn 7,1 triệu giấy phép lái xe công nghệ được cấp, tăng gấp đôi trong vòng ba năm. Số lượt đặt xe trong tháng 6 đạt kỷ lục 971 triệu lượt.

Dịch vụ đặt xe qua ứng dụng đã phổ biến ở Trung Quốc từ rất sớm. Didi, công ty được thành lập vào năm 2012, hiện dẫn đầu thị trường với khoảng 70% thị phần.

Tài xế công nghệ Trung Quốc phải dùng nhiều smartphone để tìm kiếm khách hàng. (Ảnh: Nikkei Asia).

Tài xế công nghệ Trung Quốc phải dùng nhiều smartphone để tìm kiếm khách hàng. (Ảnh: Nikkei Asia).

Điện thoại thông minh (smartphone) đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với tài xế taxi và xe công nghệ. Anh Xu, một tài xế taxi, có đến 4 chiếc điện thoại thông minh được lắp đặt bên cạnh ghế lái. Anh giải thích: "Chúng ta đang sống trong thời đại tìm khách qua ứng dụng, vì vậy tôi có nhiều điện thoại để chạy nhiều ứng dụng khác nhau".

Một trong những điện thoại của anh Xu dùng cho WeChat, giúp liên lạc với các tài xế khác. Ba chiếc còn lại dành cho các ứng dụng gọi xe, trong đó có Didi.

Khi Bắc Kinh và Thượng Hải chưa có hệ thống tàu điện ngầm phát triển như hiện nay, việc đón taxi vào giờ cao điểm từng là cơn ác mộng đối với người đi làm. Ngay cả bây giờ, ứng dụng Didi đôi khi vẫn hiển thị hàng trăm khách hàng đang chờ xe vào những đêm mưa.

Sự phổ biến của dịch vụ gọi xe làm tăng tính linh hoạt cho tài xế. Anh Zhang từng làm tài xế taxi ở Thượng Hải 14 năm, trước khi chuyển sang lái xe cho Didi 8 năm trước, cho biết: "Khi làm việc cho công ty taxi, tôi đi làm cách ngày, nhưng kể từ khi đăng ký với Didi, tôi có thể làm việc mỗi ngày".

Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Anh Zhang nhận thấy giá taxi ở Thượng Hải cao, nên tài xế từ các thành phố khác đổ về rất nhiều. Anh phải làm việc lâu hơn so với khi mới bắt đầu để kiếm đủ thu nhập, thường ở trên đường từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Dịch vụ gọi xe đã giúp việc trở thành tài xế dễ dàng hơn, nhưng sự gia tăng này dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây ra cạnh tranh quá mức ở một số khu vực.

Theo Cục Giao thông Vận tải thành phố Quảng Châu, tính đến tháng 5, thu nhập trung bình hàng ngày của tài xế xe công nghệ ở đây khoảng 312 nhân dân tệ (tương đương 43,67 USD), giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gần đây, chính quyền các thành phố Trùng Khánh, Tô Châu và Cảnh Đức Trấn đã cảnh báo những người đang cân nhắc trở thành tài xế nên thận trọng, vì thị trường đã bão hòa do năng lực vận chuyển vượt quá nhu cầu.

Cạnh tranh quá mức không phải là thách thức duy nhất đối với tài xế.

Năm 2019, công ty công nghệ Baidu bắt đầu thử nghiệm taxi tự lái hoàn toàn cấp độ 4 trên một số tuyến đường ở tỉnh Hồ Nam. Đến năm 2021, họ bắt đầu dịch vụ thương mại có thu phí ở Bắc Kinh với xe taxi robot (không có tài xế trên xe).

Dịch vụ này đã lan rộng đến Vũ Hán. Xe taxi tự lái có thể đe dọa việc làm của tài xế, gây ra sự phản đối. Anh Xu nhận xét: "Ưu điểm của việc có tài xế là bạn vừa có sự an toàn trong trường hợp khẩn cấp, vừa có thể trò chuyện thú vị".

Ngoài xe tự lái, Trung Quốc còn đang tiến bộ trong lĩnh vực taxi bay. Công ty khởi nghiệp AutoFlight đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm dài 50 km giữa Thâm Quyến và Châu Hải vào tháng 2.

Thành Vũ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tai-xe-cong-nghe-boi-giua-cac-nen-tang.html
Zalo