'Tái sinh' nông nghiệp Việt: Tận dụng phụ phẩm, giảm phát thải, gia tăng giá trị bền vững

Ngành nông nghiệp Việt Nam, với truyền thống lâu đời và tiềm năng vượt trội, đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng: Thay đổi tư duy, tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp tuần hoàn tiến tới nông nghiệp xanh…

Tại Diễn đàn Nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, các chuyên gia trao đổi và đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, tiếp tục tái cơ cấu nền nông nghiệp bền vững trong bối cảnh tăng trưởng xanh nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng đã dần trở thành xu hướng phát triển chủ đạo.

VIỆT NAM BỎ LỠ 65% "MỎ VÀNG" PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP

Nông nghiệp từ lâu đã khẳng định vị thế là trụ cột an ninh lương thực và là động lực phát triển nông thôn của Việt Nam. Với các mô hình sản xuất truyền thống như VAC (vườn - ao - chuồng), vườn - ao - rừng, ngành nông nghiệp nước ta vốn đã có những nét đặc trưng của một nền kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Việt Nam đang đứng trước một nghịch lý lớn: Mỗi năm chúng ta đang bỏ lỡ tới 65% giá trị từ hơn 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp khổng lồ. Đây là một sự lãng phí tài nguyên nghiêm trọng, đồng thời gây ra những hệ lụy không nhỏ về môi trường.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không chỉ là một khái niệm mà là một mô hình sản xuất toàn diện, khép kín. Ông Thịnh lý giải, mô hình này hướng tới mục tiêu tối đa hóa tài nguyên, tái sử dụng và tái chế triệt để phụ phẩm, chất thải, và khai thác năng lượng tái tạo trong toàn bộ chuỗi giá trị nông sản.

 Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Điều này bao gồm việc liên kết các quy trình sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, và du lịch, nhằm giảm thiểu phát thải và gia tăng giá trị. Đổi mới sáng tạo và công nghệ được xem là nền tảng cốt lõi, giúp xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, xanh hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn kết với sự phát triển của cộng đồng.

Mặc dù tiềm năng lớn, ông Thịnh thẳng thắn chỉ ra những thách thức hiện hữu. Việc thiếu hệ thống quy trình, tiêu chuẩn, và nhãn mác quốc gia cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn đã làm tăng rủi ro và giảm hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, các rào cản về chính sách tín dụng xanh, bảo hiểm rủi ro, và khuyến khích đầu tư công nghệ xử lý phụ phẩm vẫn còn tồn tại. Thiếu dữ liệu, bản đồ phụ phẩm và nền tảng số cũng là những yếu tố cản trở sự phát triển của thị trường nông nghiệp tuần hoàn.

Để khắc phục những hạn chế này, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Việt Nam là tối ưu hóa sử dụng tài nguyên đầu vào, tuần hoàn phụ phẩm và chất thải, giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cần được nâng lên hơn 70% (gấp đôi hiện nay) trong các lĩnh vực thế mạnh như lúa gạo, cà phê, chăn nuôi.

Việc xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn cấp vùng, ngành, và địa phương là cấp thiết để chuyển đổi từ các mô hình nhỏ lẻ, manh mún sang hình thành thị trường lớn, chuỗi ngành hàng bền vững.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI ông Hoàng Quang Phòng khẳng định, nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường...

Ông Thịnh đề xuất phát triển mô hình nông nghiệp tích hợp đa giá trị (trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản - chế biến - năng lượng tái tạo - du lịch sinh thái), kết hợp với khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Điều này bao gồm việc xử lý phụ phẩm thành phân hữu cơ, năng lượng sinh học, và ứng dụng công nghệ sinh học - số hóa.

“Việt Nam đang là quốc gia có lợi thế về nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, cơ hội lớn biến phụ phẩm thành tài nguyên, góp phần vào một nền kinh tế xanh, hiện đại và bền vững trong bối cảnh toàn cầu”, lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhận định.

CẦN HỆ SINH THÁI CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ

Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần T&T 159 nhận định, mặc dù nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chủ lực với hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào mô hình truyền thống, khai thác tài nguyên theo chiều rộng, gây phát thải lớn và dễ bị tổn thương.

Trong khi đó, nông nghiệp tuần hoàn vận hành theo chu trình khép kín, giúp tiết kiệm vật tư đầu vào, tái tạo tài nguyên tại chỗ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nước, giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp và nông hộ đã chủ động áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất. Điển hình là việc tận dụng rơm rạ và chất thải chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ, giúp tiết kiệm chi phí đầu vào và nâng cao giá trị sản phẩm. Các mô hình này đã giúp tăng thu nhập từ sản xuất lúa gạo lên khoảng 15%, đồng thời các mô hình chăn nuôi tuần hoàn cũng tăng hiệu quả kinh tế từ 10% đến 15% so với phương thức truyền thống. Tuy nhiên, con đường chuyển đổi sang nông nghiệp tuần hoàn vẫn còn nhiều rào cản.

Ông Thắng chỉ ra rằng: Thứ nhất, thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích và bảo vệ mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhiều quy định hiện hành chưa phù hợp, gây khó khăn cho các mô hình sản xuất mới. Thứ hai, rào cản về vốn và công nghệ là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Liên kết vùng và chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ, thiếu hợp tác. Thứ ba, tư duy sản xuất tuyến tính vẫn còn phổ biến. Nhiều nông dân vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt, lạm dụng hóa chất mà chưa quan tâm đến hậu quả lâu dài.

Để kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế chủ đạo, ông Thắng nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ sinh thái chính sách đồng bộ. Hệ sinh thái này bao gồm: Hỗ trợ tài chính và tín dụng xanh, cần có các cơ chế hỗ trợ tài chính và tín dụng xanh, cùng với ưu đãi thuế và đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sạch, tuần hoàn;

Đầu tư vào hạ tầng vùng sản xuất tập trung để hỗ trợ các mô hình tuần hoàn quy mô lớn. Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy trình, và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng và tăng giá trị sản phẩm.

Tiếp đến là đào tạo nhân lực có kiến thức về nông nghiệp tuần hoàn và thúc đẩy kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản tuần hoàn. Áp dụng cơ chế thử nghiệm linh hoạt "tiền đăng, hậu kiểm" cho các mô hình đổi mới sáng tạo ở quy mô nông hộ, khuyến khích nông dân mạnh dạn thử nghiệm những cách làm mới mà không bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc.

“Kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng bền vững cho nông nghiệp Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, giới khoa học và nhà đầu tư, trong đó hành động trực tiếp từ người nông dân sẽ đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng một nền nông nghiệp xanh, hiện đại và tuần hoàn”, ông Hà Văn Thắng khẳng định.

Huyền Ly

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/tai-sinh-nong-nghiep-viet-tan-dung-phu-pham-giam-phat-thai-gia-tang-gia-tri-ben-vung-post561743.html
Zalo