Quảng Ninh: Từ mô hình điểm đến chiều sâu chất lượng nông thôn mới

Sau 14 năm Chương trình nông thôn mới, Quảng Ninh đang chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng, tập trung phát triển nông thôn hiện đại, thông minh, bền vững.

Hành trình 14 năm kiến tạo nông thôn mới bền vững

Là một trong những địa phương tiên phong trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh không chỉ sớm “về đích” vào cuối năm 2024 mà còn được đánh giá là tỉnh đi đầu trong việc tạo dựng một mô hình nông thôn hiện đại, xanh, sạch, thông minh, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa và cộng đồng.

Để làm rõ hơn những kết quả nổi bật và định hướng phát triển trong giai đoạn mới, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, đơn vị chủ lực tham mưu, điều phối và trực tiếp tổ chức triển khai chương trình tại địa phương.

Sau hành trình 14 năm nỗ lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã trở thành một trong những tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2024. Từ góc độ đơn vị tham mưu, điều phối và tổ chức triển khai trực tiếp tại địa phương, ông có thể chia sẻ cụ thể những kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được. Những yếu tố quyết định giúp Quảng Ninh đạt được thành tựu này?

Ông Nguyễn Văn Đức: Trong hành trình 14 năm, chúng tôi đã trải qua không ít khó khăn, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi và biên giới. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và đặc biệt là sự đồng thuận, chủ động tham gia của người dân, chương trình đã đạt được những kết quả hết sức toàn diện.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh

Tính đến hết năm 2024, toàn bộ 91/91 xã trong tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 84 triệu đồng/năm, gấp hơn hai lần so với giai đoạn đầu triển khai chương trình. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 87% và đến cuối năm 2023, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Trung ương.

Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến hạ tầng thiết yếu: 100% thôn, bản có đường giao thông trải nhựa hoặc bê tông; hệ thống điện lưới quốc gia phủ kín toàn bộ xã, thôn; cơ sở vật chất y tế, giáo dục được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Đáng chú ý, 99,99% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó hơn 70% sử dụng nước sạch đạt chuẩn.

Song song đó, chương trình OCOP trở thành động lực quan trọng giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Tỉnh hiện có 432 sản phẩm OCOP, trong đó có 50 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, khẳng định vị thế hàng đầu của Quảng Ninh trong xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương.

Trong giai đoạn tới, khi chương trình nông thôn mới chuyển mạnh sang chiều sâu và chất lượng, Quảng Ninh sẽ ưu tiên định hướng phát triển nào để duy trì được đà bứt phá, nhất là ở những xã đã đạt chuẩn nâng cao hoặc kiểu mẫu, tránh rơi vào trạng thái bão hòa sau về đích?

Ông Nguyễn Văn Đức: Để tránh tình trạng các xã đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu rơi vào trạng thái "bão hòa" sau khi về đích, tôi cho rằng cần có định hướng chính sách rõ ràng cho giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt, từ ngày 1/7, chúng ta bắt đầu triển khai mô hình chính quyền theo tổ chức mới, do đó việc rà soát lại toàn bộ hệ thống xã sau sáp nhập là rất cần thiết.

Ở Quảng Ninh cũng vậy, cần tập trung rà soát lại quy hoạch, đối chiếu với các cơ chế, chính sách, đề án đã ban hành từ Trung ương đến cấp tỉnh, để từ đó bổ sung, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các chương trình, cơ chế phù hợp với thực tiễn địa phương.

Việc này không chỉ nhằm đảm bảo tính liên tục, mà quan trọng hơn là để tháo gỡ kịp thời những "nút thắt" và "điểm nghẽn" đang tồn tại trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.

Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả được lồng ghép trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh

Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả được lồng ghép trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh

Phương châm xuyên suốt từ khi bắt đầu chương trình sẽ tiếp tục chi phối tư duy trong thời gian tới đó là: Xây dựng nông thôn mới là hành trình chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Mỗi giai đoạn về đích không phải là kết thúc, mà là nền tảng để tiếp tục nâng tầm, từ chuẩn đến nâng cao, từ nâng cao đến kiểu mẫu và từ kiểu mẫu đến nông thôn hiện đại, thông minh, bền vững.

Chính vì vậy, tại Quảng Ninh, trong thời gian tới, để giữ vững và nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, chúng tôi sẽ tập trung triển khai theo định hướng: Chuyển từ “lượng” sang “chất”, đảm bảo triển khai thường xuyên, liên tục, xuyên suốt, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, tiếp cận dần với chuẩn đô thị.

Tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể trung tâm, là người trực tiếp thực hiện và thụ hưởng kết quả từ các hoạt động đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Một trong những định hướng trọng tâm là xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa, phát triển theo mô hình: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Hướng tới phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường, dựa trên các mô hình sản xuất xanh, sạch, bền vững.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với phát triển kinh tế nông thôn đa dạng. Trong đó, du lịch nông thôn sẽ được coi là một ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong việc: Khai thác các tiềm năng đặc thù của vùng biển, miền núi, vùng biên giới. Gắn kết văn hóa, sinh thái, cộng đồng, sản phẩm OCOP. Tạo ra sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Đây chính là hướng đi mà Quảng Ninh sẽ kiên định thực hiện, nhằm đưa nông thôn mới không chỉ là “về đích” mà còn là nền tảng phát triển dài hạn, bao trùm, hiện đại.

Xây dựng nông thôn mới: Nền tảng kiến tạo tương lai bền vững

Ông có kiến nghị nào về mặt thể chế, cơ chế điều phối hoặc cách tiếp cận chính sách để chương trình thực sự trở thành nền tảng phát triển nông thôn hiện đại, vừa toàn diện về hạ tầng, sinh kế, quản trị, vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa và tính gắn kết cộng đồng?

Ông Nguyễn Văn Đức: Hiện nay, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, điều đầu tiên tôi muốn đề xuất là cần quy định rõ ràng, cụ thể và thống nhất trên toàn quốc về bộ máy tổ chức để vận hành chương trình này. Điều này nhằm khắc phục những hạn chế đã tồn tại trong cơ cấu tổ chức của Văn phòng điều phối nông thôn mới trong thời gian qua.

Thứ hai, tôi kiến nghị cần khẩn trương ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới cho giai đoạn tới với mức độ linh hoạt cao hơn. Tránh tình trạng áp dụng một bộ tiêu chí quá cứng nhắc. Đồng thời, cần cho phép các địa phương được điều chỉnh phù hợp với đặc thù riêng của từng vùng miền, đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả trong triển khai.

Thứ ba, đề nghị nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện chương trình nông thôn mới theo hướng đột phá hơn trong giai đoạn tới. Những chính sách này cần tạo điều kiện thuận lợi, cởi mở hơn để thúc đẩy phát triển toàn diện khu vực nông thôn.

Cuối cùng, tôi đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế đối tác công tư (PPP) trong đầu tư hạ tầng nông thôn. Trong đó bao gồm các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, cơ chế bảo lãnh và bảo hành, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư và phát triển hệ thống hạ tầng tại các địa bàn nông thôn.

Một kiến nghị quan trọng khác là cần sớm ban hành chính sách phát triển kinh tế bền vững gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tăng cường gắn kết cộng đồng. Chính sách này nhằm khuyến khích xây dựng các mô hình, vùng liên kết phát triển nông thôn theo hướng bền vững, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Đồng thời, trong chương trình phát triển kinh tế, cần có chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm mang đặc trưng vùng miền. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể chủ động xây dựng cơ chế thực hiện phù hợp với tỉnh mình, góp phần khai thác hiệu quả lợi thế địa phương.

Thực tế thời gian qua cho thấy việc thiếu chính sách đặc thù trong phát triển sản phẩm vùng miền đã gây ra nhiều khó khăn trong triển khai. Do đó, việc hoàn thiện khung chính sách này là rất cấp thiết, nhằm đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với văn hóa và cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Với phương châm “Nông thôn mới là hành trình không có điểm kết thúc”, Quảng Ninh đang từng bước kiến tạo một diện mạo nông thôn hiện đại, nơi hạ tầng được đầu tư đồng bộ, người dân có sinh kế bền vững, văn hóa truyền thống được giữ gìn và cộng đồng phát triển hài hòa. Thành công của Quảng Ninh không chỉ là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ suốt 14 năm, mà còn là minh chứng cho cách tiếp cận chiến lược, bài bản và toàn diện trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-tu-mo-hinh-diem-den-chieu-sau-chat-luong-nong-thon-moi-410951.html
Zalo