Tái sinh di sản qua ngôn ngữ thời trang hiện đại

Sáng 21-11, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm diễn ra tọa đàm 'Thời trang và di sản', được tổ chức bởi Diễn đàn Sinh viên Thời trang Việt Nam nhằm trao đổi về tái sinh di sản qua ngôn ngữ thời trang hiện đại.

Tọa đàm là một trong những điểm nhấn thú vị của Lễ hội thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, mang đến những góc nhìn về ngành thời trang trong việc kết hợp giữa bảo tồn các giá trị truyền thống với kỹ thuật và ngôn ngữ của thời trang hiện đại.

Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

Chia sẻ về sức hút của chủ đề di sản đối với các nhà thiết kế thời trang tại tọa đàm, diễn giả, thạc sĩ, nhà thiết kế Lê Hà cho biết, chủ đề về di sản những năm gần đây được Đảng và Chính phủ Việt Nam vô cùng quan tâm, được đưa vào trong chiến lược phát triển văn hóa đến tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó, liên quan đến việc cạnh tranh về thị trường, khi nền kinh tế phát triển, cái hồn bản sắc văn hóa của chúng ta chính là sự độc đáo của bản địa, chúng ta cần tận dụng vì không một đất nước nào có, đó là sắc thái riêng của Việt Nam.

Chủ đề di sản dần trở thành xu hướng trong tất cả các ngành nghề, không chỉ ở thiết kế thời trang mà trong âm nhạc, trong nghệ thuật trình diễn và các ngành nghề khác. Không những vậy, liên quan đến việc chúng ta cần bảo tồn phát huy văn hóa di sản, đây là cơ hội để chúng ta tận dụng tài nguyên văn hóa làm mới các sản phẩm của mình.

Tại tọa đàm đã có những ý kiến trao đổi về thời trang nhanh và thời trang bền vững. Thời trang nhanh hiện nay đang là một xu thế nhưng nó gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Chính bởi vậy, phát triển bền vững đang là một lĩnh vực được mọi người quan tâm, đặc biệt là thời trang bền vững. Đối với phát triển bền vững có 4 trụ cột chính là xã hội, môi trường, kinh tế, văn hóa. Di sản văn hóa là một trong những yếu tố góp phần làm đa dạng, phong phú nét đẹp văn hóa của nhân loại.

Tọa đàm có sự góp mặt nhà thiết kế Lê Hà với vai trò diễn giả.

Tọa đàm có sự góp mặt nhà thiết kế Lê Hà với vai trò diễn giả.

Theo nhà thiết kế Lê Hà về triết lý trải nghiệm người dùng, ngoài thiết kế về tạo hình bên ngoài, chức năng, điều quan trọng là chạm đến cảm xúc của người dùng. Người Việt Nam chúng ta có lòng yêu nước nồng nàn và niềm tự hào dân tộc, khi những sản phẩm thiết kế dựa trên di sản văn hóa chạm đến cảm xúc của người Việt thì sản phẩm sẽ tiếp cận được nhiều người hơn, được tiêu thụ nhiều hơn. Quan trọng nhất chúng ta phải có tư duy sáng tạo, khai thác một cách tối ưu nhất đưa văn hóa truyền thống vào các thiết kế thời trang.

Trong quá trình bảo tồn di sản, các giá trị truyền thống luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà thiết kế trẻ sáng tạo và thể hiện tinh thần tự hào dân tộc, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và tôn vinh các nét đẹp văn hóa, lịch sử và định hướng cho tương lai.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/tai-sinh-di-san-qua-ngon-ngu-thoi-trang-hien-dai-752395

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/625929-tai-sinh-di-san-qua-ngon-ngu-thoi-trang-hien-dai.html
Zalo