Tại sao nhiều mẫu ô tô, xe máy sẽ phải ngưng bán tại Việt Nam?

Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030 sẽ là cơ hội cho sự phát triển của các loại ô tô, xe máy điện khi nhiều mẫu xe xăng phải ngưng bán.

Vừa qua, PLO có đăng tải nội dung bài viết liên quan đến nhiều mẫu ô tô và xe máy đang bán tại Việt Nam có thể sẽ phải ngưng bán nếu không đáp ứng hạn mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ được áp dụng trong thời gian tới. Theo đó, bài viết đã được nhiều chủ ô tô, xe máy quan tâm về những loại xe nào được áp dụng và thời điểm áp dụng quy định mới này.

Chi tiết các mẫu xe phải dừng bán?

Tại Quyết định số 1191/QĐ của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030.

 Nếu không đáp ứng được mức tiêu thụ nhiên liệu, nhiều dòng ô tô, xe máy sẽ phải ngưng bán tại thị trường Việt Nam. Ảnh: TN

Nếu không đáp ứng được mức tiêu thụ nhiên liệu, nhiều dòng ô tô, xe máy sẽ phải ngưng bán tại thị trường Việt Nam. Ảnh: TN

Tại mục 2.4, Quyết định mô tả biện pháp, mục tiêu, phương thức thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong GTVT theo “Đóng góp không điều kiện”.

Theo đó, Biện pháp E17 là giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Mục tiêu, lộ trình và thời gian thực hiện như sau:

Theo NDC 2022, đến năm 2030, biện pháp áp dụng giới hạn định mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới sẽ đạt kết quả:

- 100% xe máy đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100km;

- 100% ô tô con sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu: ô tô con dung tích động cơ <1400cc đạt 4,7 lít/100km; ô tô con dung tích động cơ từ 1400 - 2000cc đạt 5,3 lít/100km; ô tô con dung tích động cơ >2000cc đạt 6,4 lít/100km. Tỷ lệ áp dụng cho phương tiện mới lần lượt là 30% vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.

Đồng thời Quyết định cũng quy định về kế hoạch thực hiện như sau:

Năm 2024: Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tiêu thụ năng lượng cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới và tổ chức triển khai, thực hiện.

Cơ hội cho xe xanh

Ở mục 2.4.8 cũng nêu ra Biện pháp E24 và E25 là sử dụng xe máy điện và ô tô điện. Mục tiêu, lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể: Thực hiện theo NDC 2022, cụ thể đến năm 2030: ô tô điện đạt tỷ lệ sử dụng 30%; xe máy điện chiếm 22% tổng số xe máy sử dụng.

Kế hoạch thực hiện: Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các QCVN liên quan đến xe ô tô điện, xe mô tô, xe gắn máy điện. Xây dựng, ban hành QCVN thay thế QCVN 09:2015/BGTVT về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô trong đó cập nhật các quy định liên quan đến ô tô điện.

 Các chuyên gia đánh giá, với yêu cầu giảm khí thải nhà kính sẽ là cơ hội để phát triển xe điện. Ảnh: TN

Các chuyên gia đánh giá, với yêu cầu giảm khí thải nhà kính sẽ là cơ hội để phát triển xe điện. Ảnh: TN

Xây dựng, ban hành Thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ; dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

Nghiên cứu rà soát niên hạn sử dụng đối với ô tô chở người, ô tô chở hàng sử dụng điện; đề xuất quy định theo hướng thuận lợi hơn cho ô tô điện nếu đảm bảo các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Triển khai thực hiện Thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ trong đó có quy định về số lượng vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện trong trạm dừng nghỉ[8] để phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp.

Nghiên cứu, phát triển mạng lưới hạ tầng trạm sạc điện trên các tuyến đường quốc lộ và tuyến đường cao tốc vào “Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông điện quốc gia.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế trao đổi, bù trừ hạn ngạch và trao đổi tín chỉ cac-bon từ các dự án chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng phương tiện điện.

Xây dựng quy trình thủ tục, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng chia sẻ, mục tiêu 30% ô tô điện vào năm 2030 sẽ tạo ra một “lực đẩy khổng lồ” cho thị trường xe điện. Các nhà sản xuất ô tô điện sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất, giới thiệu các mẫu xe đa dạng hơn về kiểu dáng, phân khúc giá và công nghệ. Người tiêu dùng cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn và dần chuyển sang sử dụng xe điện vì những lợi ích về chi phí vận hành, bảo trì và thân thiện với môi trường.

“Sự phát triển của xe điện sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất pin, động cơ điện, bộ điều khiển, các linh kiện điện tử và phần mềm quản lý xe điện. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực sản xuất và tạo ra giá trị gia tăng”- ông Đồng phân tích.

Tương tự như ô tô, mục tiêu 22% xe máy điện vào năm 2030 cũng được vị chuyên gia đánh giá sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường xe máy điện. Xe máy điện ngày càng được cải thiện về thiết kế, quãng đường di chuyển và hiệu suất, trở thành lựa chọn hấp dẫn cho người tiêu dùng đô thị.

“Các nhà sản xuất xe máy điện sẽ phải cạnh tranh để thu hút khách hàng bằng cách giới thiệu các mẫu xe mới với công nghệ tiên tiến, thiết kế đẹp mắt và giá cả cạnh tranh. Điều này sẽ thúc đẩy sự đổi mới trong ngành”- vị chuyên gia chia sẻ thêm.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tai-sao-nhieu-mau-o-to-xe-may-se-phai-ngung-ban-tai-viet-nam-post848412.html
Zalo