Tại sao nên bỏ tử hình tội Gián điệp, Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân?

Trong số 8 tội danh được đề xuất bỏ hình phạt tử hình trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có tội Gián điệp. Xét về thực tiễn, thời gian qua, cơ quan chức năng chưa áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm này.

Việc bỏ án tử hình đối với tội Gián điệp và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án cũng thể hiện tinh thần nhân đạo XHCN, thể hiện cam kết của Việt Nam trong nỗ lực giảm hình phạt tử hình trong quy định của Bộ luật Hình sự, nhưng vẫn đảm bảo cách ly vĩnh viễn người bị kết án khỏi xã hội nên vẫn thể hiện tính nghiêm khắc, răn đe, phòng ngừa trong áp dụng hình phạt. Bên cạnh đó, việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng về tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình.

Đối với tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, trên thực tế, các hoạt động của đối tượng bị xét xử về tội phạm này chỉ dừng lại ở hành vi giúp sức, hoạt động đắc lực, hoặc xúi giục, kích động người khác, không phải đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội không gây ra hậu quả nghiêm trọng như các tội xâm phạm an ninh quốc gia khác vẫn giữ hình phạt tử hình như tội: Phản bội Tổ quốc; Bạo loạn; Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Hơn nữa, qua số liệu thống kê cho thấy, từ 2018 đến nay, không có trường hợp nào bị kết án tử hình về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Bên cạnh đó, việc bỏ án tử hình đối với tội danh này và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án cũng thể hiện tinh thần nhân đạo XHCN, thể hiện cam kết của Việt Nam trong nỗ lực giảm thiểu hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự; đồng thời, cũng đảm bảo tính răn đe cần thiết khi cách ly vĩnh viễn người bị kết án ra khỏi đời sống xã hội.

Liên quan đến tội Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đây là tội danh nhằm trừng trị những người phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của đất nước trong các lĩnh vực: chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân.

Đối với tội danh này, hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tác động trực tiếp đến cơ sở vật chất - kỹ thuật, gây thiệt hại về tài sản XHCN, không gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người. Trên thực tế cũng không có trường hợp nào bị kết án tử hình về tội danh này trong khoảng thời gian nghiên cứu. Do đó, có thể xem xét xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này.

Đối với tội Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, cơ sở thực tiễn xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay không gây chiến tranh xâm lược các nước khác. Bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh nay cũng là phù hợp với Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, theo đó, mức hình phạt cao nhất đối với 4 tội ác quốc tế chỉ dừng lại ở mức tù chung thân hoặc phạt tù cao nhất là 30 năm tù. Hơn nữa, khả năng xảy ra tội phạm này ở Việt Nam rất thấp, thực tiễn chưa có tội phạm nào được thực hiện, nên cần sửa đổi để phù hợp với Quy chế Rome...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giai-dap-phap-luat/tai-sao-nen-bo-tu-hinh-toi-gian-diep-hoat-dong-nham-lat-do-chinh-quyen-nhan-dan--i769457/
Zalo