Vụ phá ngai vàng triều Nguyễn: Tạm giữ hình sự nghi phạm

Cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự và tiến hành kiểm tra đối với nghi phạm phá hoại ngai vàng triều Nguyễn tại Huế.

Vụ phá ngai vàng đang được điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật

Ngày 25/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Huế đã tạm giữ hình sự đối tượng H.V.P.T (sinh năm 1983, quê quán Thành phố Huế, nơi ở tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra, làm rõ hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại điện Thái Hòa - Đại Nội Huế, thuộc phường Đông Ba, quận Phú Xuân, Huế.

Như đã thông tin, vào lúc 11h55 ngày 24/5, đối tượng Hồ Văn Phương Tâm mua vé vào tham quan Đại Nội Huế. Sau khi vào khu vực điện Thái Hòa, Tâm leo qua hàng rào bảo vệ, ngồi lên ngai vua triều Nguyễn (ngai vàng), rồi dùng tay bẻ gãy phần tựa tay bên trái của ngai. Trước hành vi của đối tượng với việc phá hoại ngai vàng triều Nguyễn - Bảo vật quốc gia đặt tại điện Thái Hòa, Đại Nội Huế đã khiến dư luận bức xúc.

Đáng chú ý, vụ việc xảy ra giữa ban ngày, ngay trong khu vực di tích đặc biệt được bảo vệ nghiêm ngặt, khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ.

Đước biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng bảo vệ tại Đại Nội đã khống chế, bắt giữ đối tượng và bàn giao cho Công an phường Đông Ba. Cơ quan công an đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Kết quả test nhanh sau đó cho thấy, đối tượng âm tính với ma túy.

Công an Thành phố Huế đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân và các lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai nhân chứng, người liên quan và tiến hành các bước điều tra tiếp theo. Được biết, bước đầu tiếp xúc, đối tượng có biểu hiện tâm thần, nói nhảm, không thể trả lời các câu hỏi của điều tra viên, nên cơ quan điều tra chưa thể lấy lời khai.

Hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định thế nào?

Theo quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

- Tài sản là di vật, cổ vật.

* Khung 2:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức;

- Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Tài sản là bảo vật quốc gia;

- Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

- Để che giấu tội phạm khác;

- Vì lý do công vụ của người bị hại;

- Tái phạm nguy hiểm.

* Khung 3:

Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

* Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngai vàng tại điện Thái Hòa là Bảo vật quốc gia, thuộc sở hữu của Nhà nước. Nếu kết quả giám định cho thấy thiệt hại nghiêm trọng, hành vi của nghi phạm có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 178, Bộ Luật hình sự.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/vu-pha-ngai-vang-trieu-nguyen-tam-giu-hinh-su-nghi-pham-179250525184802443.htm
Zalo