Tại sao nám da dễ tái phát sau điều trị?
Điều trị nám chỉ giúp loại bỏ các melanin quá mức ở trên da chứ không hoàn toàn ức chế được quá trình sản sinh ra các melanin mới. Vì vậy nám rất dễ tái phát và thường phải điều trị duy trì lâu dài...
1. Nguyên nhân khiến nám da tái phát trở lại
Nám da là một vấn đề dai dẳng, được ví như "căn bệnh mạn tính" của da liễu. Tình trạng này không chỉ khó điều trị mà còn dễ tái phát ngay cả khi đã áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc da kỹ lưỡng. Tình trạng nám xuất hiện trở lại trên da không chỉ khiến người điều trị cảm thấy uổng phí công sức điều trị mà còn khiến họ gặp khó khăn trong quá trình điều trị lại lần nữa.
Các dấu hiệu nhận biết nám da tái phát:
- Xuất hiện các đốm hoặc mảng da sẫm màu hơn: Các vết nám cũ có thể đậm màu trở lại hoặc xuất hiện thêm các đốm, mảng nám mới ở các vị trí tương tự hoặc lan rộng ra các vùng da khác, đặc biệt là những vùng thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như gò má, trán, mũi và cằm.
- Màu sắc không đồng đều: Vùng da bị nám có màu sắc khác biệt rõ rệt so với vùng da xung quanh, có thể là màu nâu nhạt, nâu vàng hoặc đậm hơn.
- Ranh giới không rõ ràng (đối với nám sâu): Nếu là nám sâu tái phát, các đốm nám có thể có ranh giới không rõ ràng và lan tỏa hơn.
- Tăng đậm màu khi tiếp xúc với ánh nắng: Các vết nám trở nên sẫm màu hơn sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Khi nám da tái phát sẽ khó điều trị hơn...
Các nguyên nhân khiến nám da tái phát gồm:
- Ánh nắng mặt trời: Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến nám xuất hiện và dễ tái phát. Tia UV có khả năng xâm nhập sâu vào lớp trung bì của da, kích thích quá trình sản sinh melanin quá mức trên da... từ đó khiến các vết nám sậm màu hơn và lan rộng.
Melanin là tế bào được sản sinh nhằm bảo vệ da khỏi tác nhân gây hại nhưng việc xuất hiện quá nhiều sẽ gây khó khăn cho cơ thể trong quá trình đào thải, dẫn tới melanin tồn đọng lại trên da, tích tụ và hình thành nên các vết nám. Đặc biệt, với các vùng da từng bị nám, từng là nơi tích tụ nhiều melanin nếu không được bảo vệ và che chắn kỹ càng thì sẽ thúc đẩy khả năng sản sinh melanin và làm tăng sắc tố trở lại.
- Thay đổi nội tiết tố: Nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa sắc tố da, đặc biệt đối với phụ nữ. Trong các giai đoạn mà cơ thể phải trải qua các sự thay đổi lớn như quá trình mang thai, sau sinh, hoặc tiền mãn kinh, dùng thuốc tránh thai... thì các hormone nội tiết như estrogen và progesterone có thể bị biến đổi không kiểm soát.
Hormone estrogen có tác động trực tiếp tới quá trình sản sinh sắc tố trên da, nên khi hormone này xảy ra tình trạng mất cân bằng sẽ dễ kích thích sản sinh quá mức tế bào hắc sắc tố, dẫn đến hiện tượng tái phát nám, ngay cả khi đã được điều trị hiệu quả.
Trong khi đó, progesterone có thể làm giảm khả năng sản xuất các thành phần thuộc lớp lipid trên da như ceramide. Vậy nên khi cơ thể không cân bằng được progesterone thì làn da dễ trở nên suy yếu và nhạy cảm hơn với các yếu tố gây hại từ môi trường ngoài.
Tình trạng này không chỉ làm suy yếu hàng rào bảo vệ da mà còn gây suy giảm hiệu quả của lần điều trị, dẫn tới tình trạng nám tái phát không kiểm soát.
- Chăm sóc da không đúng cách: Nhiều người sau khi điều trị nám thành công lại xuất hiện tâm lý chủ quan, coi nhẹ và không duy trì chế độ chăm sóc da khoa học sau điều trị.
Quá trình điều trị nám thường có tác động sâu vào trong da, có thể làm giảm chức năng của hàng rào bảo vệ da nên rất cần sự chăm sóc, hồi phục kỹ càng sau đó. Do đó nếu làn da không được chú ý chăm sóc sẽ là điều kiện lý tưởng để các tế bào gây nám tích tụ trở lại. Đặc biệt là khi ra ngoài làn da không được bảo vệ da bằng các kem chống nắng và che chắn kỹ càng thì tia UV và các tác nhân môi trường như ô nhiễm, bụi mịn có thể dễ dàng tấn công, làm tổn thương lớp màng bảo vệ da và kích hoạt lại sắc tố melanin tại các vùng nám cũ.
Ngoài ra, việc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không phù hợp với làn da sau điều trị có thể gây ra các rủi ro không mong muốn như viêm nhiễm, thúc đẩy nguy cơ tăng sắc tố. Bên cạnh đó, nếu trong chu trình chăm sóc da hằng ngày không sử dụng các dưỡng chất cần thiết như vitamin C, E và niacinamide – các hoạt chất có tác dụng ức chế sản sinh melanin, dẫn đến các tế bào hắc sắc tố cũng sẽ dễ dàng hoạt động trở lại ngay cả trên vùng da từng điều trị thành công.
- Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền và cơ địa cũng có tác động lớn tới khả năng nám tái phát trở lại. Tiền sử gia đình mắc phải tình trạng nám tái phát thì bạn cũng rất dễ gặp phải vấn đề này. Ngoài ra, nếu sở hữu làn da mỏng, nhạy cảm và yếu... thì da cũng dễ bị nám tái phát ngay cả trong trường hợp nám đã biến mất sau lần điều trị trước đó.
- Stress và lối sống: Căng thẳng, thiếu ngủ, chế độ ăn uống không lành mạnh cũng có thể ảnh hưởng đến sắc tố da và làm tăng nguy cơ nám tái phát.
2. Cách phòng ngừa nám da tái phát
Để ngăn ngừa nám da tái phát cần cần tuân thủ các bước trong quy trình chăm sóc da hằng ngày:
- Bảo vệ da:Luôn bảo vệ da khỏi tia UV trong ánh nắng mặt trời bằng việc sử dụng kem chống nắng phù hợp và che chắn kỹ càng khi ra ngoài. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF từ 30 trở lên hàng ngày, ngay cả khi trời râm mát. Thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài 20-30 phút và thoa lại sau mỗi 2-3 giờ hoặc sau khi đổ mồ hôi, bơi lội. Đội mũ, đeo kính râm, mặc quần áo dài tay để che chắn da khi ra ngoài trời nắng gắt. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Tuân thủ các bước điều trị và chăm sóc da theo hướng dẫn của chuyên gia, bác sĩ da liễu...
- Chăm sóc da:Đâu tiên cần duy trì thói quen làm sạch da với sản phẩm làm sạch chuyên dụng như nước tẩy trang và sữa rửa mặt phù hợp vào mỗi buổi tối. Buổi sáng dùng sữa rửa mặt trước khi sử dụng sản phẩm chăm sóc da. Rửa mặt với nước mát vào buổi trưa, sau đó thoa lại kem chống nắng. Quá trình này giúp loại bỏ phần lớn bụi bẩn, dầu nhờn tích tụ trên da - tác nhân làm da suy yếu và dễ khiến nám quay trở lại.
Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, phù hợp với loại da; tránh các sản phẩm chứa chất tẩy rửa mạnh, cồn, hương liệu, hoặc các thành phần gây kích ứng da.
Sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần giúp làm sáng da và ngăn ngừa sắc tố như vitamin C, niacinamide... Đối với tình trạng da có tiền sử bị nám thì điều này vô cùng cần thiết để ức chế sản sinh melanin, đồng thời làm sáng vùng da tối màu để duy trì hiệu quả điều trị và ngăn ngừa tái phát tối đa.
Tẩy tế bào chết nhẹ nhàng 1-2 lần mỗi tuần để loại bỏ lớp da sần sùi và giúp các sản phẩm dưỡng da thẩm thấu tốt hơn.
Dưỡng ẩm đầy đủ để duy trì hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh.
Kiểm soát nội tiết tố nếu nám da liên quan đến yếu tố này. Việc sử dụng các biện pháp điều chỉnh nội tiết tố cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Duy trì lối sống lành mạnh:Hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc và bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E… sẽ hỗ trợ cân bằng nội tiết và cải thiện khả năng chống lại các tác động gây hại từ môi trường xuống lớp biểu bì. Ăn uống cân bằng, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và uống đủ nước; tránh các nguồn thực phẩm nhiều dầu mỡ, thịt đỏ...
Thăm khám định kỳ tại các cơ sở da liễu uy tín nhằm duy trì sức khỏe da và phát hiện kịp thời các dấu hiệu tái phát nám nếu có.
Việc điều trị nám cần có sự kiên trì và kết hợp nhiều phương pháp. Ngay cả khi đã điều trị thành công, việc phòng ngừa tái phát vẫn là yếu tố then chốt để duy trì làn da khỏe đẹp và không bị nám trở lại.
Mời độc giả xem thêm video:
Làm thế nào để không bị nám da khi mang thai? | SKĐS