Tại sao mức phạt tăng?

Những ngày gần đây dư luận tập trung chú ý đến nhiều mức phạt vi phạm khi tham gia giao thông.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2025, mức tiền phạt đối với các lỗi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tăng vọt nhiều lần khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ có hiệu lực.

Đúng vào ngày 1/1, trong một bàn cỗ cưới tại Ba Vì, Hà Nội, các thực khách nhắc nhở nhau: thôi không uống rượu, nếu không có vợ chở khi về; nhớ cẩn thận vì mức phạt tăng lên. Mọi người ý thức được rằng, lần này không thể đùa được với chuyện cơm áo, gạo tiền; phạt một lần mất gần cả tháng tiền công như chơi.

Trên đường phố Hà Nội, ở các quận Đống Đa, Nam Từ Liêm…, xe cộ đi lại trật tự hẳn, dù vẫn còn những vi phạm lẻ tẻ như leo lề khi đường quá đông.

Một phụ huynh thường xuyên chở con đi học nhận xét: “Tôi thấy đường phố nay trật tự hẳn. Mọi người dừng xe đúng vạch. Những ngày trước, tôi sợ nhất là qua ngã tư, có một ai đó phóng xe vượt đèn đỏ, rất nguy hiểm”.

Trước đây, tình trạng vượt đèn đỏ là phổ biến, điều ai cũng thấy. Nhưng hành vi vi phạm kiểu này dường như quá phổ biến nên việc phạt cũng không xuể. Và vì mức phạt khá nhẹ, mấy trăm nghìn đồng, nên người tham gia giao thông dễ có suy nghĩ “lỡ có phải nộp phạt thì cũng không đáng lo lắm, vẫn có tiền để nộp”…

Hành vi vi phạm khi tham gia giao thông không chỉ gây lộn xộn về trật tự công cộng, gây ùn tắc có khi kéo dài nhiều giờ mà còn gây ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng cho cộng đồng. Không nói ai cũng biết, hằng năm, nước ta có khoảng 10 nghìn người tử vong vì tai nạn giao thông, và rất nhiều người nữa bị thương…

Sâu trong tiềm thức, việc vi phạm giao thông diễn ra nhiều còn là sự coi thường luật pháp. Ai cũng có thể vi phạm. Việc vi phạm trở nên bình thường, có khi còn được sự cảm thông của người thân.

Việc tuyên truyền để thay đổi ý thức, văn hóa tham gia giao thông cũng đã được các cơ quan chức năng thực hiện khá đều tay. Trong trường học có những buổi ngoại khóa, những lời nhắc nhở của thầy cô giáo với học sinh về tuân thủ luật khi tham gia giao thông. Nhưng tính hiệu quả của việc tuyên truyền thì ai cũng đã thấy: việc vi phạm vẫn xảy ra, trong đó có ở lứa tuổi học đường.

Do đó, việc chế tài nghiêm khắc vi phạm giao thông đã trở nên cần thiết. Ngay từ phép trị của người xưa, khi đất nước vào thời kỳ nhờn luật, sự trừng phạt phải nghiêm khắc hơn, “pháp trị” thay cho “đức trị”.

Trên thực tế, việc chế tài nghiêm khắc đối với vi phạm giao thông cũng đã được nhiều nước tiên tiến áp dụng. Nước ta nay mới có mức phạt nặng cũng là đã hơi muộn.

Chuyển biến ý thức tham gia giao thông là điều ai cũng thấy sau chỉ mới khoảng 10 ngày áp dụng mức phạt mới. Điều quan trọng hơn, ý thức đó phải là thường trực ở mỗi người, mọi lứa tuổi. Để đến một lúc nào đó, những chuyển biến này trở thành nét văn hóa, giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị, trở nên trật tự, số ca tai nạn và số người tử vong giảm hẳn. Có thể nói, mức phạt nghiêm khắc (nếu làm minh bạch, công bằng như phạt nồng độ cồn) sẽ mang lại nhiều cái được cho cộng đồng.

Thành Thực

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tai-sao-muc-phat-tang.html
Zalo