Tại sao các ảnh chụp 'vầng hào quang Mặt Trời' ở Hà Nội trông rất khác nhau?

Nhiều người đã chụp lại được ảnh 'vầng hào quang Mặt Trời' - hay quầng Mặt Trời - ở Thủ đô Hà Nội. Nếu để ý thì sẽ thấy những hình ảnh này trông khá khác nhau, hình mờ hình tỏ, dù là ảnh chụp ở cùng một thời điểm. Tại sao lại như vậy?

Một hiện tượng quang học thú vị và đẹp mắt đã xảy ra ở Thủ đô Hà Nội vào trưa ngày 15/5 và rất nhiều người chụp ảnh được, đó là hiện tượng quầng Mặt Trời - một vòng hào quang lớn bao quanh Mặt Trời.

Về bản chất của hiện tượng này thì đã có rất nhiều thông tin. Nói ngắn gọn, vòng tròn sáng quanh Mặt Trời (hoặc Mặt Trăng) xuất hiện khi ánh sáng Mặt Trời (hoặc Mặt Trăng) khúc xạ qua các tinh thể băng trong một lớp mây ti mỏng.

Mặt Trời lớn như vậy, ai ngẩng lên nhìn bầu trời cũng thấy chói mắt như nhau. Ánh sáng nhiều như vậy, hầu như ở khắp thành phố đều thấy rực rỡ như nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ những hình ảnh quầng Mặt Trời được chụp lại thì sẽ thấy ảnh không hoàn toàn giống nhau. Có ảnh quầng sáng rất nét, có ảnh mờ hơn, có ảnh lại một nửa quầng sáng thì nét hơn nửa còn lại…

Tại sao lại như vậy, tất nhiên loại trừ lý do những máy khác nhau thì chụp ảnh có độ nét khác nhau?

Ảnh: Hà Nội News Facebook.

Ảnh: Hà Nội News Facebook.

Theo trang EarthSky, thực tế, các quầng Mặt Trời là dấu hiệu có những đám mây ti mỏng ở độ cao khoảng 6 km hoặc hơn, tính từ mặt đất. Những đám mây này chứa hàng triệu, hàng triệu tinh thể băng li ti. Vòng tròn ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy được tạo ra bởi cả hiện tượng khúc xạ (tia sáng bị “gãy” khi đi từ môi trường trong suốt này sang môi trường trong suốt khác) và phản xạ (ánh sáng bị hắt trở lại môi trường cũ khi gặp một bề mặt nhẵn bóng) do những tinh thể băng nói trên. Những tinh thể băng cần phải có hướng và vị trí phù hợp theo mắt của người nhìn thì mới có quầng sáng.

Và đó chính là lý do mà các vầng hào quang quanh Mặt Trời thực ra có tính cá nhân. Mỗi người nhìn thấy quầng sáng riêng của mình, được tạo ra bởi các tinh thể băng từ góc nhìn của mình, khác với những tinh thể băng tạo ra quầng sáng cho người đứng ngay bên cạnh.

Vì vậy, ảnh chụp quầng Mặt Trời của mỗi người đều có thể khác nhau.

Ảnh: iFact Facebook.

Ảnh: iFact Facebook.

Mà nói cho cùng, việc này cũng như thể thiên nhiên nói "ẩn dụ" cho thực tế là cùng một sự việc nhưng mỗi người có cách nhìn khác nhau mà.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/tai-sao-cac-anh-chup-vang-hao-quang-mat-troi-o-ha-noi-trong-rat-khac-nhau-post1742695.tpo
Zalo