Tài năng trẻ là nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật

Ngày 12/11, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTT&DL) tổ chức Hội thảo với chủ đề: Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật'.

Hội thảo diễn ra nhằm đánh giá, phân tích vai trò, thực trạng của tài năng trẻ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đương đại, giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, cũng như chính quyền địa phương, những người thực hành văn hóa, nghệ thuật nhận diện rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Từ đó, đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.

Cần có cơ chế, chính sách cho các tài năng trẻ

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, ông Hoàng Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa nghệ thuật cho biết, trong thời gian qua, lĩnh vực văn hóa đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, và xã hội nhất là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Bên cạnh một số đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nghệ nhân và ưu đãi trong đào tạo các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ trong hệ thống các trường văn hóa, nghệ thuật đã được đầu tư.

 Ông Hoàng Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa nghệ thuật phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo.

Ông Hoàng Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa nghệ thuật phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, chưa thực sự khơi nguồn, tạo động lực cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật phát triển, như những điểm nghẽn trong đào tạo nghệ thuật; chế độ, chính sách cho nghệ sĩ, diễn viên (bồi dưỡng, ưu đãi...); chế độ nhuận bút, thù lao cho người viết, sáng tác; cơ chế để thu hút người trẻ tham gia các hoạt động thực hành văn hóa, nghệ thuật; vấn đề huy động các nguồn lực xã hội hóa v.v...

Từ những vấn đề nêu trên, nhằm giúp các các nhà quản lý, các nhà khoa học, chính quyền địa phương, những người thực hành văn hóa, nghệ thuật nhận diện rõ hơn về thực trạng nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và cũng là hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức Hội thảo: “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật”.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, bà Lê Thị Hoài Phương - GS, TS, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, đội ngũ những người hoạt động nghệ thuật không hoàn toàn giống đại đa số lực lượng lao động của các ngành nghề khác trong xã hội, họ học tập, rèn luyện, làm việc trong một môi trường khá khác biệt, đó là môi trường nghệ thuật, nơi mà sự sáng tạo và năng lực cá nhân cần có sự quan tâm đặc biệt.

Nếu để đào tạo cùng một lúc hàng trăm, hàng nghìn kỹ sư, thợ lành nghề thì chỉ cần 3-5 năm, thời gian đào tạo của một bác sĩ chuyên khoa lâu nhất cũng mất 8 năm, nhưng để có được một tài năng nghệ thuật thì cần hàng chục năm, vài chục năm, mà có khi vẫn không thể thành tài với đúng nghĩa của nó.

 Ông Nguyễn Quang Long - Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam nói về vai trò của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống hiện nay.

Ông Nguyễn Quang Long - Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam nói về vai trò của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống hiện nay.

Nói về vai trò của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống, ông Nguyễn Quang Long - Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam cho biết: "Điểm khởi đầu để thế hệ trẻ tham gia vào bảo tồn, phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống thường ở vai trò người thực hành mức độ phổ thông: là nghệ nhân trình diễn, hoặc trực tiếp tạo ra sản phẩm. Bắt đầu chính thức tham gia quá trình phục hồi giá trị truyền thống và sáng tạo giá trị mới khi đã hiểu rõ về di sản, sáng tạo giá trị mới khi đã ở độ chín của lứa tuổi thanh niên. Xuất phát điểm khác nhau, người trực tiếp tham gia học tập tại các trường chuyên về nghệ thuật phù hợp, người trực tiếp lĩnh hội từ cộng đồng, học hỏi từ phương thức truyền khẩu và từ thực tiễn khi thực hành di sản".

Theo ông Quang Long, thành phần tham gia bảo tồn phát huy giá trị truyền thống, sáng tạo giá trị mới sẽ chủ yếu đến từ cộng đồng, họ hoạt động một cách tự nguyện, theo phương thức xã hội hóa. Có người lấy hoạt động phục hồi và sáng tạo giá trị mới đưa vào sản phẩm để có thể tạo ra kinh tế và lấy đó làm công việc chính thức; có người hoạt động trong nghề nhưng chỉ xem quá trình hoạt động sáng tạo gắn với giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống là đóng góp; có người lấy nghề khác để sinh sống và tham gia mang tính chất giữ cho được truyền thống của quê hương.

 Quang cảnh Hội thảo "Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật".

Quang cảnh Hội thảo "Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật".

Đề xuất về giải pháp tạo nguồn nhân lực trẻ trong văn hóa nghệ thuật, ông Tống Toàn Thắng -ThS, NSND, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, việc tạo nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức nghệ thuật, cộng đồng và các doanh nghiệp. Để tạo nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cần có những kiến nghị cụ thể về cơ chế chính sách và phương pháp đào tạo.

"Các cơ chế chính sách hỗ trợ, cùng với các phương pháp đào tạo đổi mới, sẽ góp phần nuôi dưỡng và phát triển tài năng trẻ, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị nghệ thuật trong xã hội", ông Tống Toàn Thắng nhấn mạnh.

Hội thảo sáng nay là diễn đàn để các nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà quản lý cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, nghiên cứu về vai trò của tài năng trẻ trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Đồng thời cũng khuyến khích thế hệ trẻ phát triển năng lực sáng tạo và kết nối với các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hội thảo nhận được 32 bài tham luận có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn. Các báo cáo được trình bày, ý kiến trao đổi tại Hội thảo được các đại biểu tập trung vào các nội dung chính sau: Đánh giá thực trạng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, những người trẻ đang thực hiện sáng tạo văn hóa, nghệ thuật (ưu điểm, hạn chế). Qua đó, đề xuất giải pháp phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ tài năng trong văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Bài và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-nang-tre-la-nguon-luc-sang-tao-va-phat-trien-van-hoa-nghe-thuat-post321006.html
Zalo