Tai nạn đường sắt - nhiều tiềm ẩn

Lâu nay, chúng ta thường thấy nói nhiều về các vụ tai nạn giao thông đường bộ mà không mấy khi nói đến tai nạn đường sắt. Quả thật, số vụ tai nạn đường sắt ít hơn rất nhiều; số lượng các cung đường sắt cũng chỉ bằng một phần rất nhỏ so với chiều dài đường bộ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta có thể lơ là, xem nhẹ công tác quản lý an toàn giao thông đường sắt.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh tư liệu

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh tư liệu

Hẳn mọi người còn nhớ vào đầu tháng 8 năm ngoái, tại cung đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn qua địa phận tổ 6, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) đã xảy ra vụ tai nạn giữa tàu chở hàng và một người đi xe máy. Hậu quả làm người đi xe máy tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được xác định là do người lái xe máy bất cẩn, không quan sát, đi ngang qua đường sắt trong khi vào đúng giờ tàu chở hàng chạy qua.

Trước đó, cách nay đúng 10 năm, nhiều người dân TP. Thái Nguyên đã chứng kiến vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra tại điểm cắt giữa tuyến đường sắt Hà Nội - Quan Triều với đường Phú Xá. Xe ô tô tải mang biển kiểm soát 20L-1007 và tàu chở hàng mang số hiệu Đ12E-636 đã đâm va vào nhau khiến toàn bộ phần đầu xe tải biến dạng, nhiều đoạn đường ray bị hư hỏng. Người dân cho biết, đây là một trong những điểm đen của tuyến đường sắt này, thường xuyên xảy ra tai nạn giữa tàu hỏa và các phương tiện đi lại khác.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tính riêng quý I/2024, cả nước xảy ra 40 vụ tai nạn đường sắt, làm 30 người tử vong, 5 người bị thương. Tuy số vụ không nhiều như tai nạn giao thông đường bộ, nhưng giao thông đường sắt luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao vì người dân đã tự ý bỏ rào chắn, mở lối đi từ đường gom qua đường sắt mà không có bất kỳ phương án cảnh báo nào.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 3 tuyến đường sắt chạy qua với chiều dài khoảng 100km gồm các tuyến: Đông Anh - Quan Triều; Kép - Lưu Xá và Quan Triều - Núi Hồng. Theo báo cáo chuyên môn, dọc các tuyến đường sắt qua địa phận Thái Nguyên có 119 vị trí giao cắt với đường bộ. Trong đó, có 11 đường ngang có gác, 15 đường ngang có cảnh báo tự động, cần chắn tự động, 4 đường ngang có hình thức phòng vệ bằng biển báo, 89 lối đi tự mở.

Nhận thấy tầm quan trọng của an toàn giao thông đường sắt, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai các giải pháp hiệu quả để hạn chế tối đa tai nạn xảy ra. Tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi có đường sắt đi qua phải rà soát cặn kẽ toàn bộ đường ngang, lối đi tự mở trên các tuyến, nhất là đối với 2 tuyến Đông Anh - Quan Triều; Kép - Lưu Xá; phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt cắm mốc lộ giới đường sắt, xây dựng đường gom, xóa bỏ các lối đi tự mở.

Lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp kiểm tra 5 nhà ga, 6 cung đường, xác định lại vị trí 89 lối đi tự mở. Tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các trưởng xóm, hộ dân cạnh đường tầu; tăng cường tuyên truyền chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt cho các hộ dân và có biện pháp thu hẹp các lối đi tự mở. Xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp đỗ xe trong phạm vi an toàn đường ngang. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan chức năng đã thực hiện đóng rào chắn xóa bỏ 2 lối đi tự mở trên tuyến Đông Anh - Quan Triều và sơn gờ giảm tốc tại 12 vị trí lối đi tự mở khác.

Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không trộm cắp tài sản, phá hủy công trình đường sắt. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh khu vực có đường sắt đi qua, duy trì hoạt động phong trào “Em yêu đường sắt quê em”, xây dựng mô hình “Đường tàu, đường hoa”… Đặc biệt, cảnh báo người dân chú ý quan sát khi qua đường sắt, không họp chợ, kinh doanh buôn bán, lấn chiếm hành lang và chăn thả gia súc trên phạm vi quy định của đường sắt.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/ban-doc/ban-doc-quan-tam/202407/tai-nan-duong-sat-nhieu-tiem-an-a162c88/
Zalo