Video liên ngành ra quân xử lý vi phạm ATGT đường sắt tại Hà Nội

Lực lượng thuộc Cục CSGT (Bộ Công an), CSGT Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương ra quân xử lý vi phạm trật tự ATGT tuyến đường sắt Thống Nhất qua địa bàn TP. Hà Nội.

Một số hình ảnh tổ liên ngành Cục CSGT, CSGT Hà Nội và Công an địa bàn kiểm tra xử lý vi phạm hành lang tại đường sắt Thống Nhất qua địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội

Một số hình ảnh tổ liên ngành Cục CSGT, CSGT Hà Nội và Công an địa bàn kiểm tra xử lý vi phạm hành lang tại đường sắt Thống Nhất qua địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội

Ngày 15/8, trao đổi với PV Tạp chí Giao thông Vận tải, Thượng tá Vũ Sỹ Chính, Đội Kiểm tra, kiểm soát TTATGT Đường sắt số 1 (Phòng 6, Cục CSGT, Bộ Công an) thông tin, thực hiện Kế hoạch số 3622 của Cục CSGT (Bộ Công an), lực lượng thuộc Cục đã ra quân xử lý vi phạm từ ngày 15/8- 31/12/2024 trên toàn tuyến đường sắt Thống Nhất.

Đơn vị chủ trì phối hợp với Đội CSCT đường bộ số 14 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) ra quân tuyên truyền, xử lý vi phạm hành lang ATGT trên tuyến đường sắt Thống Nhất qua địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội). Đây cũng là "điểm nóng" về vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Quá trình xử lý, tổ liên ngành tiếp tục tuyên truyền tới người vi phạm, người dân sinh sống, bán hàng không vi phạm hành lang đường sắt, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn.

Theo ghi nhận của PV trong sáng cùng ngày (15/8) tại Km7+900 đến Km8 tuyến đường sắt Thống Nhất qua địa bàn huyện Thanh Trì, tổ công tác liên ngành Đội Kiểm tra, kiểm soát TTATGT Đường sắt số 1 (Phòng 6, Cục CSGT), Đội CSGT đường bộ số 14 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội), Công an Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) ra quân kiểm tra, đồng thời tiến hành lập biên bản, xử lý đối với các trường hợp vi phạm "mua bán hàng hóa hoặc họp chợ trên đường sắt". Sau hơn 1 giờ, tổ liên ngành đã xử phạt 4 trường hợp vi phạm "mua bán hàng hóa hoặc họp chợ trên đường sắt", tương ứng với mức phạt tiền 4 triệu đồng/1 trường hợp vi phạm.

Đại úy Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng Công an Trị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì cho biết, qua khảo sát trên địa bàn có hàng chục đường ngang giao cắt đường sắt Bắc - Nam với đường Ngọc Hồi. "Công an Thị trấn phối hợp với Ban chỉ đạo 197 địa bàn thường xuyên tuyên truyền, ra quân phát tờ rơi đến từng hộ dân, chủ cửa hàng về đảm bảo hành lang ATGT đường sắt", Đại úy Hà chia sẻ và thông tin: Đối với trường hợp bán hàng hóa trên địa bàn, đơn vị thường xuyên nhắc nhở khách ra vào chú ý quan sát, có người cảnh giới ra vào.

Đại úy Hà cho biết, đối với người ở địa phương khác đến thuê trọ, sinh sống trên địa bàn thì giao cho cảnh sát khu vực quản lý địa bàn, khi kiểm tra luật cư trú, kết hợp tuyên truyền đảm bảo an toàn mỗi khi ra vào đường ngang qua đường sắt. Hiện tại đã đề xuất bịt 9 lối đi do người dân tự mở thiếu các thiết bị cảnh báo.

Còn Trung tá Trần Minh Kiên, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 14 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) thông tin, ngay sau khi tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm, tổ công tác liên ngành tiếp tục phát tờ rơi tuyên truyền về một số nội quy, quy tắc và cách xử lý tình huống khi đi qua nơi giao nhau giữa đường bộ với đường sắt.

"Khi đi qua đoạn giao nhau với đường sắt, người dân cần chú ý quan sát, chủ động nhường đường, giảm tốc độ, dừng cách đường ray 5m khi có báo hiệu đoàn tàu đến, không cố vượt, trường hợp xe chết máy thì phải bình tĩnh tìm cách di chuyển xe ra khỏi đường ray...", Trung tá Kiên chia sẻ một số nội dung tuyên truyền.

Trong sáng cùng ngày (15/8), tổ công tác của đơn vị cũng đã lập biên bản 5 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm "Dừng xe trong phạm vi an toàn của đường sắt" và thông qua công tác lập biên bản xử lý, cán bộ, chiến sĩ CSGT tiếp tục tuyên truyền trực tiếp tới người vi phạm về đảm bảo an toàn mỗi khi đi qua đường sắt.

"Qua thống kê các vụ TNGT liên quan đến đường sắt gây hậu quả nghiêm trọng, nạn nhân đều không phải người sinh sống dọc tuyến đường sắt. Điển hình 2 vụ tai nạn gần đây nhất trên địa bàn huyện Thanh Trì, nạn nhân tử vong là người ở quận Hai Bà Trưng đi mua đồ câu khi băng qua đường sắt thiếu quan sát nên va chạm với tàu hỏa. Còn nạn nhân tử vong ngày hôm qua (14/8) là người quê Bình Định, do mâu thuẫn tình cảm nên trèo qua barie, lao vào đoàn tàu đang di chuyển…", Trung tá Kiên thông tin.

Cũng theo Trung tá Kiên, qua khảo sát, những "điểm đen" hay xảy ra tai nạn hoặc tiềm ẩn nguy cơ TNGT được xác định đều là những đoạn đường chạy qua khu dân cư đông đúc. Thời gian tới, cùng với việc tuyên tuyền cảnh báo từ xa, lực lượng CSGT tiếp tục phối hợp cùng công an quản lý địa bàn ứng trực và tổ chức tập huấn cho nhân viên ngành đường sắt, cũng như người dân sinh sống gần đó những biện pháp cảnh báo, xử lý và phòng tránh tai nạn rủi ro cho người tham gia giao thông qua khu vực.

Còn theo Thượng tá Vũ Sỹ Chính, Đội Kiểm tra, kiểm soát TTATGT Đường sắt số 1 (Cục CSGT), thống kê cho thấy trên địa bàn Hà Nội có khoảng 40km đường sắt chạy qua với khoảng 1.000 lối đi giao cắt khu dân cư, các tuyến quốc lộ, đường nội đô và đường liên huyện… Hiện tại ngành đường sắt đã bàn giao hồ sơ các lối đi ngang, đi tắt cho các địa phương quản lý. Qua khảo sát, với những lối đi tự mở trên 3m thì phải thu hẹp và bố trí người cảnh giới trong khi chờ đóng lại.

Ngoài ra, với những đường kết nối khu dân cư đã được yêu cầu lắp cảnh báo, đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương về việc xóa bỏ các lối đi tự mở, góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường sắt trên toàn địa bàn.

Văn Huế

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/video-lien-nganh-ra-quan-xu-ly-vi-pham-atgt-duong-sat-tai-ha-noi-18324081513385897.htm
Zalo