Tài liệu giá trị về thềm lục địa Việt Nam

Tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu vừa qua, Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vinh dự nhận giải A cho cuốn sách 'Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển' của các tác giả: Bùi Công Quế (Chủ biên), Phùng Văn Phách, Đỗ Huy Cường, Trần Tuấn Dũng, Lê Đức Anh.

Cuốn sách thuộc thể loại sách chuyên khảo, tổng hợp kết quả của cụm công trình điều tra nghiên cứu vùng biển Việt Nam trong hơn 20 năm qua về chủ đề quản lý biển và xác định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đó là một dự án và 3 đề tài khoa học, công nghệ cấp quốc gia được thực hiện, hoàn thành tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với sự phối hợp của Ủy ban Biên giới quốc gia và các bộ, ngành.

 Bìa cuốn sách.

Bìa cuốn sách.

Nội dung chính của cuốn sách gồm 4 chương. Chương 1 tổng hợp giới thiệu về Công ước Liên hợp quốc (LHQ) 1982 về Luật Biển (viết tắt là UNCLOS), được coi là hiến pháp về đại dương thế giới với những điều luật và quy định về cơ sở khoa học, quyền lợi, trách nhiệm của các quốc gia có biển xác định phạm vi giới hạn vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia như các vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa được mở rộng, những vấn đề lý thuyết và thực tế cần được xử lý để phù hợp, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ.

Các tác giả cuốn sách phân tích những khó khăn khi triển khai các điều luật này trong thực tế trước bối cảnh cấu tạo và thành phần địa chất đáy đại dương rất phức tạp, đa dạng trên toàn bề mặt hành tinh. Trong chương này có những nội dung mang tính thời sự và rất quan trọng là phần giới thiệu, đánh giá những kinh nghiệm của các nước có biển trên thế giới như Australia, Nga, Nhật Bản, New Zealand trong việc xác định ranh giới thềm lục địa được mở rộng và lập báo cáo quốc gia của mình nộp cho LHQ.

Chương 2 và chương 3 trình bày nội dung của cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo các quy định và điều lệ của UNCLOS. Đó là các cơ sở khoa học địa chất, địa vật lý trên vùng biển Việt Nam và kế cận. Trên cơ sở phân tích, xử lý bằng những phương pháp và công nghệ tiên tiến, hiện đại, toàn bộ số liệu điều tra, khảo sát hiện có cùng với khối lượng lớn số liệu khảo sát mới theo quy trình công nghệ hiện đại do LHQ quy định đã lần đầu tiên xác định và xây dựng được các loại bản đồ, sơ đồ, mặt cắt có phạm vi, tỷ lệ lớn trên toàn vùng biển Việt Nam theo những quy chuẩn quốc tế phục vụ và đáp ứng quy trình xác định ranh giới ngoài thềm lục địa được mở rộng theo UNCLOS.

Chương 4 trình bày các phương án ứng dụng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý nói trên để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam. Kết quả ứng dụng các phương án khác nhau và theo phương án tối ưu đều xác định một cách thuyết phục những đường ranh giới ngoài của các vùng thềm lục địa được mở rộng khá xa ra phía ngoài giới hạn vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của UNCLOS.

Chuyên khảo này có giá trị khoa học và thực tiễn vì lần đầu tiên xây dựng được một cơ sở khoa học duy nhất, cập nhật và hiện đại, phù hợp với các quy chuẩn quốc tế để theo đó xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam phù hợp UNCLOS và được LHQ chính thức công nhận làm cơ sở để sử dụng rộng rãi, hiệu quả trong quản lý biển, đảo, phục vụ khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng biển Việt Nam. Cuốn sách này còn được sử dụng như là một trong những tài liệu cơ bản phục vụ sự nghiệp tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền quốc gia trong Chiến lược biển của Việt Nam.

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tai-lieu-gia-tri-ve-them-luc-dia-viet-nam-5002334.html
Zalo