Tái khởi động điện hạt nhân, Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực ra sao?
Bộ Công thương nhận định, trong trường hợp tái triển khai cả hai dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất 2x2.000MW), nhu cầu nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, điện hạt nhân là xu thế tất yếu của thế giới, hiện nhiều quốc gia đã tái khởi động và phát triển rất mạnh nguồn điện này. Kể cả những nước có ý định "đóng cửa" điện hạt nhân sau sự cố Nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản cũng đã quay trở lại với điện hạt nhân do nhu cầu năng lượng điện lớn cho các trung tâm dữ liệu trong phát triển công nghệ AI, công nghiệp bán dẫn, IoT...
Phù hợp điện hạt nhân quy mô nhỏ
Nhận định hiện có nhiều công nghệ của nhiều nước đã phát triển ở mức an toàn rất cao, thậm chí còn an toàn hơn rất nhiều các nguồn điện truyền thống khác, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam có địa hình dài từ Bắc đến Nam nếu phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ thì càng phù hợp.
"Ở những nơi phụ tải thấp, nơi có tiềm năng khai thác phát triển năng lượng tái tạo, gió, mặt trời mà có thêm điện hạt nhân module nhỏ thì rất thuận lợi cho khai thác phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo cùng với nguồn điện nền, điện sạch...", ông Diên phân tích.
Đây là lĩnh vực khó, cần trình độ cao, vì vậy, theo vị bộ trưởng "vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực kỹ thuật là vô cùng quan trọng".
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) về điện hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học, kỹ thuật đầu đàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy thiếu và lạc hậu.
Hơn 50% nhân lực phục vụ cho dự án nhà máy điện hạt nhân thuộc các ngành, lĩnh vực như cơ khí, hóa chất, vật liệu, điện, điện tử, điều khiển tự động, môi trường… Tuy nhiên, chưa có kinh nghiệm đào tạo.
Theo ông Hùng, với điều kiện của Việt Nam, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, thì cần khoảng 1.200 người cho các vị trí.
Như vậy, trong trường hợp tái triển khai cả hai dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất 2x2.000MW), nhu cầu nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người.
Ngoài ra, còn cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật và pháp quy hạt nhân, các chuyên gia nghiên cứu và phát triển (chuyên gia R&D), các chuyên gia chu trình nhiên liệu... phục vụ nghiên cứu, quản lí, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.
Việt Nam sẽ đào tạo nhân lực ra sao?
PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương TP.HCM cho biết, việc đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị hàng chục năm, hoặc hơn trước khi đưa nhà máy điện hạt nhân được đưa vào vận hành.
Vì thế, bà đề nghị, Bộ Công thương chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các nội dung có liên quan điện hạt nhân và lượng tử vào chuẩn chương trình đào tạo các ngành đào tạo có liên quan đến những vị trí nhân lực cần thiết trong 1 nhà máy điện hạt nhân, từ giai đoạn quản lý dự án, xây dựng nhà máy đến giai đoạn vận hành nhà máy.
Góp ý thêm, TS. Vũ Đức Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì cho biết, phát triển nhân lực ngành hóa học trong lĩnh vực điện hạt nhân là nhiệm vụ rất quan trọng.
PGS. TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho hay, trước đây, Trường Đại học Điện lực đã đào tạo được khoảng 188 kỹ sư về ngành điện hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều học viên trong số đó đã chuyển sang ngành nghề khác, trong khi một số người vẫn ở lại nước ngoài học tập.
Ông Châu góp ý, để đủ nhân lực cho phát triển điện hạt nhân, các trường, viện căn cứ theo thế mạnh của những ngành đào tạo có liên quan để tập trung đào tạo.
Về việc này, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, sự cần thiết phải chuẩn bị từ sớm, từ xa nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, khoa học kỹ thuật cho chương trình phát triển điện hạt nhân.
Nó không chỉ dừng lại ở dự án điện hạt nhân mà là hệ sinh thái của điện hạt nhân và công nghệ điện hạt nhân trong tương lai.
Ông Diên cũng cho biết, tới đây Bộ sẽ chủ trì đưa ra chương trình đào tạo chuẩn. Cụ thể, sẽ phải khẩn trương dự kiến được nhu cầu, quy mô lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo và việc này phải xong trong quý I/2025.
Trong quý II/2025, cần phải đánh giá khả năng thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân và hệ sinh thái năng lượng hạt nhân tại Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài ngành Công thương. Các cơ sở cần đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền để được giao chỉ tiêu đào tạo.