Tái đàn gia súc, gia cầm sau Tết Nguyên đán

Sau Tết Nguyên đán, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện để tái đàn, ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết chuyển mùa nên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát, người chăn nuôi cần thận trọng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng tái đàn ồ ạt.

Người chăn nuôi xã Xuân Minh (Thọ Xuân) chuẩn bị chuồng trại để thực hiện tái đàn.

Người chăn nuôi xã Xuân Minh (Thọ Xuân) chuẩn bị chuồng trại để thực hiện tái đàn.

Sau khi xuất bán hơn 70% tổng đàn gà, ngay sau Tết Nguyên đán, khi thời tiết hửng nắng, chị Lê Thị Huế ở xã Yên Phú (Yên Định) đã nhanh chóng thuê nhân công để vệ sinh hệ thống chuồng trại; mua thêm các dụng cụ chăn nuôi để chuẩn bị tái đàn. Năm nay, với cảnh báo về dịch bệnh cúm gia cầm, chị Huế cũng thận trọng hơn trong khâu vệ sinh, lựa chọn con giống và hạn chế người ra vào trang trại. Chị Huế cho biết: “Việc tái đàn thường được tập trung khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, đây là thời điểm giao mùa, vì vậy ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi thì cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm”. Cũng theo chị Huế: Con giống đóng vai trò quan trọng nên được chị lựa chọn cẩn thận, hầu hết được nhập từ những trang trại giống uy tín và được kiểm tra chất lượng, tiêm phòng vắc-xin, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh trước khi cho nhập đàn. Bên cạnh đó, đối với hệ thống chuồng trại, chị thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng, xới lớp độn chuồng, khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt; toàn bộ nền chuồng, sàn, tường, sử dụng vòi tăng áp bơm nước rửa sạch nền, vách tường, chuồng nuôi... hạn chế tối đa điều kiện để phát sinh dịch bệnh. Đồng thời, sử dụng hóa chất và vôi bột để vệ sinh chuồng trại trước khi đưa con giống vào nuôi, vệ sinh sạch sẽ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.

Tại xã Xuân Giang (Thọ Xuân), anh Ngô Đình Tuấn đang tập trung dọn dẹp, tu sửa lại khu chuồng nuôi lợn rừng của gia đình. Anh Tuấn cho biết: “Những tháng đầu năm, thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường, đàn vật nuôi bị giảm sức đề kháng nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Đối với lợn rừng, tôi chú trọng kiểm tra nguồn gốc con giống, thông tin về các điều kiện như tiêm vắc-xin, lịch sử bệnh con nái, cân nặng con giống, trước khi vận chuyển phải cho uống điện giải để tăng cường sức đề kháng... Bên cạnh đó, phun khử trùng, để trống chuồng từ 3 đến 5 ngày; con nuôi mới phải cách ly ở khu vực riêng từ 15 đến 20 ngày trước khi nhập đàn, hạn chế người lạ vào khu vực chăn nuôi, tránh đưa mầm bệnh từ khu vực khác vào khu vực chăn nuôi”.

Năm 2025, toàn tỉnh đề ra mục tiêu tổng đàn trâu đạt 162 nghìn con, đàn bò đạt 275 nghìn con, đàn lợn đạt 1,4 triệu con, đàn gia cầm đạt 28 triệu con. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ những tháng đầu năm, cùng với ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương đang chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trước khi thực hiện tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, về lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế; tránh tư tưởng nóng vội; không tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trong thời gian trước đó. Về con giống, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người dân nên duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống có chất lượng; đối với những cơ sở, hộ chăn nuôi nhập con giống bên ngoài, cần tìm hiểu các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; bố trí nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn... Hiện nay, thời tiết bất thường là điều kiện để các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát triển, người chăn nuôi nên chú trọng thực hiện các biện pháp như cải tạo chuồng trại thông thoáng, tránh gió lùa, mưa dột; quét dọn, cọ rửa nền chuồng, tường chuồng không đọng nước; sử dụng vôi bột, hoặc các loại hóa chất sát trùng để phun, khử trùng chuồng trại... Bên cạnh đó, cung cấp thức ăn, nước uống sạch, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng; bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa... để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương cũng cần tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin; phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại áp dụng các biện pháp an toàn.

Đi đôi với đó, trong quá trình chăn nuôi, người dân phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy những hiện tượng bất thường, như: sốt cao, bỏ ăn, ho, khó thở... phải nhanh chóng nuôi nhốt cách ly ra khu vực riêng để kiểm tra, theo dõi, điều trị; đồng thời, báo cho cán bộ thú y để được hướng dẫn biện pháp phòng, trị bệnh thích hợp. Về phía chính quyền địa phương, phối hợp với các đơn vị chuyên môn thực hiện giám sát thực tế đối với số lượng con nuôi được tái đàn, tiếp nhận hồ sơ kê khai tái đàn của các hộ chăn nuôi, kiên quyết không thực hiện tái đàn đối với những hộ chăn nuôi không đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tai-dan-gia-suc-gia-cam-sau-tet-nguyen-dan-240049.htm
Zalo