Tái đàn chăn nuôi sau Tết: Chú trọng phòng, chống dịch bệnh

Do cung ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm giảm đáng kể. Để ổn định chăn nuôi và chủ động nguồn cung thực phẩm đầu năm, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đang tập trung tái đàn.

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi cần tái đàn theo nhu cầu thị trường, kết hợp đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Chăm sóc đàn gà theo tiêu chuẩn VietGAP tại một trang trại ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Chăm sóc đàn gà theo tiêu chuẩn VietGAP tại một trang trại ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Chủ động duy trì quy mô chăn nuôi

Thời điểm này, các trang trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang khôi phục sản xuất, nhiều hộ chủ động tái đàn nhằm duy trì quy mô chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung ổn định cho thị trường.

Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Nguyễn Duy Vụ (thị xã Sơn Tây) cho biết, Xí nghiệp đang tập trung sản xuất giống gà Mía, gà lai, nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, quy mô nuôi thường xuyên khoảng 10 vạn gà Mía sinh sản. Trung bình mỗi ngày, Xí nghiệp cung cấp hàng nghìn gà giống 1 ngày tuổi và gà thương phẩm cho các vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố, như: Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh...

Về việc tái đàn chăn nuôi sau Tết, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh chia sẻ, từ Tết đến nay, giá lợn hơi ổn định ở mức hơn 70.000 đồng/kg nên người chăn nuôi có lãi. Sau khi xuất bán một phần lứa lợn trong dịp Tết Nguyên đán, Hợp tác xã tiếp tục tái đàn và chăm sóc đàn lợn thương phẩm, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường 5-10 tấn thịt lợn. Toàn bộ chuồng nuôi mới được tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc, tổng đàn khoảng 200 con, dự kiến thời gian tới, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường lượng lớn thực phẩm...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Đình Đảng, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, các cơ sở chăn nuôi đưa lượng lớn gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nên tổng đàn giảm mạnh. Đến nay đàn trâu là 29,6 nghìn con; đàn bò 122 nghìn con, giảm 2,4% so với tháng 12-2024; đàn lợn 1,2 triệu con, giảm 1,2%; đàn gia cầm 31,7 triệu con, giảm 0,9%. Tuy nhiên, sau Tết, các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đều tích cực khôi phục sản xuất, chủ động tái đàn nên nguồn cung sẽ ổn định...

Theo sát nhu cầu thị trường và bảo đảm an toàn sinh học

Sau Tết, giá lợn hơi, gia cầm có xu hướng tăng, song chưa thực sự ổn định. Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn, trước khi thực hiện tái đàn và mở rộng quy mô, người chăn nuôi cần thận trọng tính toán cung - cầu, tránh nuôi ồ ạt. Trước khi đầu tư vào con giống và mở rộng tổng đàn, cơ sở chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ lưỡng dự báo về giá cả, nhu cầu tiêu thụ, đầu ra sản phẩm; đồng thời chăn nuôi theo chuỗi giá trị, ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, siêu thị để bảo đảm đầu tư đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Việc tái đàn ồ ạt không chỉ tiềm ẩn rủi ro về giá cả mà còn có nguy cơ làm mất cân đối cung - cầu, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người chăn nuôi...

Bên cạnh đó, sau Tết Nguyên đán, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn, là điều kiện để các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát, như: Lở mồm long móng, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục… Do đó, khi tái đàn, người chăn nuôi cần cẩn trọng, đặc biệt chú ý công tác phòng chống dịch bệnh.

Ông Bạch Văn Hộp, ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho hay, trang trại của ông đã nhập vài chục con lợn giống về nuôi. Khi tái đàn, ông và người dân đều chọn mua con giống ở các trại giống uy tín, tiêm đầy đủ vắc xin theo định kỳ; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, kết hợp phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi hằng tuần...

Để ổn định hoạt động chăn nuôi, chủ động nguồn cung thực phẩm, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, cùng với tái đàn theo nhu cầu thị trường, người chăn nuôi nên duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống có chất lượng. Đối với việc nhập con giống từ bên ngoài, cần đặc biệt lưu ý lựa chọn cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch rõ ràng; tránh mua từ nguồn trôi nổi, không bảo đảm tiêu chuẩn…

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, trong tiêm phòng đại trà đợt 1 năm 2025, các địa phương cần tích cực phối hợp với cơ quan thú y, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% tổng đàn để phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm...

Mặt khác, các địa phương cần khuyến cáo người dân áp dụng biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ quy trình chăm sóc để hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Người chăn nuôi cần cải tạo chuồng trại thông thoáng, tránh gió lùa, mưa dột; sử dụng vôi bột hoặc hóa chất sát trùng để khử trùng chuồng trại; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý chất thải, sát trùng dụng cụ chăn nuôi; cung cấp thức ăn bảo đảm dinh dưỡng, nước uống sạch… nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tai-dan-chan-nuoi-sau-tet-chu-trong-phong-chong-dich-benh-693538.html
Zalo