Tái cấu trúc chính sách giá điện, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% vào năm 2025, thì năng lượng điện không chỉ còn là yếu tố đầu vào đơn thuần, mà đã trở thành huyết mạch của quá trình phát triển.
Trong bối cảnh ngành điện phải đối mặt với yêu cầu nâng cao chất lượng và đảm bảo nguồn cung ổn định cho một nền kinh tế đang tăng tốc theo hướng xanh, bền vững, các bất cập trong chính sách giá điện lại càng bộc lộ rõ. Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá – cho rằng chính cơ chế giá hiện hành đang là điểm nghẽn lớn. Từ việc chưa tính đúng, tính đủ chi phí, gánh quá nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau, đến cơ chế bù chéo kéo dài… tất cả đã làm suy giảm sức hút đầu tư vào ngành điện. Để tháo gỡ, ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất một loạt cải cách mang tính căn cơ:
"Theo tôi cần phải thực hiện giải pháp dài hạn. Chúng ta phải chuyển điều hành giá điện sang thực hiện theo cơ chế giá thị trường thông qua việc tính đúng, tính đủ giá điện và phải sửa biểu giá điện hiện hành để xử lý những bất cập. Tôi nghĩ rằng, công thức tính giá điện hiện nay cần phải bỏ chi phí khác đi. Chi phí khác bản chất là chi phí chưa được tính đúng tính đủ mà chúng ta phân bổ dần. Có những loại chi phí gọi là chi phí khác, ví dụ như chênh lệch tỉ giá.Cho nên công thức tính giá điện theo cơ chế thị trường phải tính lại,ví dụ như chi phí phát, chi phí truyền tải, chi phí bán lẻ, quản lýv.v… Cần tính đủ chi phí và phải có lợi nhuận nhất định. Bên cạnhđó, phải bỏ bù chéo với giá điện và xử lý bằng chính sách khác về giá điện giữa các vùng miền cho phù hợp."

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Cần xóa bỏ cơ chế 'mua cao, bán thấp', để giá điện phản ánh đúng giá trị, hướng đến cạnh tranh lành mạnh trong thị trường bán lẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, việc cộng an sinh vào trong giá không chỉ làm méo mó tín hiệu thị trường mà còn khiến ngành điện bị trói buộc, thiếu điều kiện tài chính để mở rộng và đảm bảo cung ứng bền vững. Nếu được tách bạch rõ ràng, chính sách an sinh có thể phát huy hiệu quả đúng chỗ, trong khi giá điện trở về đúng với chức năng kinh tế của nó. Tái cấu trúc chính sách giá điện không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Bằng cách chuyển sang cơ chế giá thị trường, xóa bỏ bù chéo, và đầu tư vào năng lượng sạch, ngành điện sẽ là đòn bẩy cho các chính sách phát triển bền vững được triển khai hiệu quả hơn.