Tách làn để giảm tai nạn cho xe máy, khả thi không?

Số liệu thống kê cho thấy, xe máy có liên quan tới khoảng 65% - 70% số vụ tai nạn giao thông. Trong đó, không ít vụ tai nạn xảy ra tại các nút giao do xe máy rẽ trái cắt ngang đầu ô tô.

Một số chuyên gia đề xuất áp dụng mô hình phân tách khu vực cho phương tiện xe máy rẽ trái tại các nút giao sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Phương án này có khả thi trong điều kiện của Việt Nam?

PGS.TS Vũ Hoài Nam, giảng viên trường Đại học xây dựng Hà Nội

PGS.TS Vũ Hoài Nam, giảng viên trường Đại học xây dựng Hà Nội

Giải pháp giảm tai nạn giao thông

Chỉ tính riêng năm 2023, số vụ tử vong liên quan đến tai nạn xe máy chiếm hơn 90% tổng số ca tai nạn giao thông.

TS Dương Khánh Vân, Cán bộ kỹ thuật Tổ chức y thế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, yếu tố chính gây ra va chạm giao thông là tham gia giao thông hỗn hợp. Do vậy, cần phải tách làn phương tiện: "Theo những bằng chứng của các quốc gia đã thực hiện hiệu quả, trong các biện pháp can thiệp WHO đề xuất, giải pháp can thiệp về đường sá, hiệu quả nhất là thiết kế làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy".

PGS.TS Vũ Hoài Nam, giảng viên trường Đại học xây dựng Hà Nội phân tích, tại một số tuyến đường dù có phân tách làn ô tô và xe máy nhưng tại nút giao vẫn xảy ra tình trạng giao thông hỗn loạn, nhiều trường hợp xe máy rẽ trái, cắt ngang đầu các phương tiện ô tô, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Do vậy, thiết kế các nút giao nên chú trọng ưu tiên các phương tiện xe máy, không rơi vào điểm mù của các phương tiện ô tô.

"Đã phân làn xe máy, thì tại các nút giao phải có đường vượt chui dành riêng cho xe máy, có chỉ dẫn đèn tín hiệu dành riêng trong xe máy. Trong thiết kế nút giao chỉ cần chú trọng thiết kế Bike box, tín hiệu đèn xe máy được đi trước, xe tải và ô tô đi sau một vài giây, khi đã ổn định rồi. Bike box rất phổ biến cho cả xe đạp và xe máy", PGS.TS Vũ Hoài Nam phân tích

Tối ưu thiết kế nút giao để bảo vệ người đi xe máy

Một số quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đã thiết kế những khu vực riêng cho xe gắn máy. Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng, ngay tại Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng đã thiết kế khu vực kẻ vạch liền phía dành cho xe máy dừng đèn đỏ, phía trước ô tô, trước khi chuyển làn. Điều này sẽ giải quyết được tình trạng đứng lấn làn và cắt đầu, gây ùn tắc giao thông.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Ông Cường khẳng định, phương án bố trí khu vực dành riêng cho xe máy tại các nút giao có tính khả thi và dễ triển khai thực hiện ở các đô thị Việt Nam: "Tôi nghĩ hoàn toàn khả thi, không có gì là khó thực hiện. Thứ nhất là về cải tạo hạ tầng, không phải bắt buộc thay đổi lại thiết kế đường và chỉ thiết kế lại quy định xe máy đứng ở đâu và quy định thông qua vạch kẻ đường, quy định việc luồng giao thông".

Thạc sĩ Đinh Đăng Hải, Chuyên gia Cao cấp Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam dẫn chứng kinh nghiệm của Đài Loan (Trung Quốc) trong thiết kế khu vực dành cho xe máy dừng chờ đèn đỏ ở phía trên ô tô hoặc những khu vực nằm ở hướng vuông góc với chiều đang đi, để thực hiện rẽ trái theo 2 bước.

Ông Hải cho rằng, trong điều kiện ở Việt Nam, phương án bố trí khu vực dừng chờ đèn đỏ cho xe máy trước khu vực trên ô tô và tách làn xe máy rẽ trái theo 2 bước ở những nút giao rộng sẽ giúp tăng năng lực nút giao và nâng cao an toàn cho người tham gia giao thông: "Tôi thấy là giải pháp này có thể áp dụng và có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cái box đó phải thiết kế liền với hệ thống đèn tín hiệu, đèn tín hiệu phải được bố trí sao không bị khuất tầm nhìn, mọi người phải nhìn thấy đèn mới đi được tiếp. Ngoài ra, trên đường phố còn có người đi bộ, xe đạp, xe buýt nên khi phân tách các khu vực khác nhau và thiết kế nút giao đảm bảo mạch lạc hơn đối với tất cả các phương tiện để từ đó sẽ giảm xung đột"

Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, tại một số đô thị của Việt Nam cũng đã sử dụng phương án tách làn xe máy rẽ trái tại các nút giao nhưng chưa thực sự rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể cho người tham gia giao thông. Do vậy, các đô thị của Việt Nam có thể triển khai thí điểm mô hình Bike box, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.

Tính đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 77 triệu xe mô tô, xe máy được đăng ký. Phát biểu tại, hội thảo kỹ thuật “Các giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho người đi xe máy tại Việt Nam” tổ chức hôm qua (12/2), ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, dự báo, đến năm 2030 và những năm tiếp theo, xe máy vẫn là phương tiện sử dụng chính.

Do vậy, thời gian tới, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần cùng ngồi lại với nhau, xây dựng và những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người điều khiển xe máy ở cả khía cạnh cơ sở hạ tầng, phương tiện, giáo dục và truyền thông…

Hoàng Hà/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tach-lan-de-giam-tai-nan-cho-xe-may-kha-thi-khong-post1154689.vov
Zalo