Tác dụng của cùi dừa

Cùi dừa (cơm dừa) rất giàu năng lượng, 100g cùi dừa cung cấp 354kcal, phần lớn đến từ chất béo (33.49 g) và carbohydrate (15.23g). Mặc dù phần cùi dừa có hàm lượng chất béo bão hòa cao (29.698g-gần 90% lượng chất béo) không giống như các loại hạt giàu chất béo không bão hòa khác. Nhưng cùi dừa có nhiều hợp chất hoạt tính sinh học tăng cường sức khỏe.

Acid béo bão hòa trong dừa là acid lauric, acid này làm tăng nồng độ HDL-cholesterol tốt trong máu. Cùi dừa cũng chứa các vitamin và chất khoáng tương tự như trong nước dừa, tuy nhiên điểm khác biệt là cùi dừa còn cung cấp vitamin E, vitamin K và selen.

Cùi dừa chứa nhiều acid béo

Các acid béo chuỗi trung bình có trong cùi dừa như acid caprylic, acid capric, acid lauric, acid palmitic, acid steraic, acid oleic, acid linoleic… được hấp thu trực tiếp ở ruột và gửi đến gan để tạo ra năng lượng. Do đó những acid béo chuỗi trung bình này không tham gia vào quá trình vận chuyển và hình thành cholesterol. Thêm vào đó, acid lauric cũng được chứng minh làm tăng HDL cholesterol giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Cùi dừa hỗ trợ giảm cân

Các nghiên cứu cho thấy chất béo chuỗi trung bình trong cùi dừa có tác dụng làm tăng cảm giác no từ đó có thể hạn chế được lượng thức ăn nạp vào cơ thể.

Có nhiều chất xơ

Cùi dừa chứa nhiều chất béo nên có thể giúp cơ thể hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Cùi dừa cũng chứa nhiều chất xơ nên có thể giúp hệ tiêu hóa ngăn ngừa tình trạng táo bón.

Hỗ trợ khả năng miễn dịch

Các chất béo chuỗi trung bình trong dừa: acid lauric, acid caprylic, acid capric hoặc acid myristic được biết đến với tác dụng kháng vi khuẩn, virus mạnh mẽ. Các chất này có tác dụng tiêu diệt những loại vi khuẩn hoặc virus có màng bọc lipid bằng cách phân hủy lớp bảo vệ này. Ví dụ, chất béo này có thể chống lại các vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, viêm xoang, vi khuẩn gây sâu răng, nhiễm trùng tiết niệu…

Mặt khác monoglyceride, đặc biệt là monolaurin trong dầu dừa có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn E.Coli, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng và nấm Candida.

Cùi dừa chứa acid lauric

Acid lauric là một acid béo chuỗi trung bình, chiếm hơn 50% tổng lượng acid béo trong dầu dừa. Và theo các nghiên cứu acid này có thể giúp hỗ trợ giảm tình trạng suy giảm trí nhớ hoặc giảm chức năng não ở những người mắc bệnh Alzheimer.

Những ai không nên ăn cùi dừa?

Cùi dừa là một loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa nhưng chất béo từ dừa đã được chứng minh giúp làm tăng nồng độ cholesterol tốt HDL và giảm nồng độ cholesterol xấu LDL trong máu.

Tuy nhiên không nên ăn cùi dừa hàng ngày vì có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh chuyển hóa khác. Thêm vào đó do lượng chất béo và chất xơ dồi dào nên việc ăn quá nhiều cùi dừa có thể gây đầy bụng và tạo cảm giác khó chịu.

Chỉ nên dùng cùi dừa 1-2 lần/tuần và những người bị hội chứng suy nhược, tiêu hóa kém, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch nên hạn chế ăn cùi dừa.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/tac-dung-cua-cui-dua-40428.html
Zalo