Tác dụng bất ngờ của vỏ quả thanh long
Thay vì vứt vỏ sau khi ăn thanh long như hầu hết mọi người vẫn làm, bạn nên giữ lại một phần để tận dụng những lợi ích tuyệt vời của vỏ quả thanh long.
Phần lớn mọi người biết đến thanh long là loại trái cây nhiệt đới thơm ngon và bổ dưỡng mà không ngờ ngay cả phần vỏ cũng có nhiều tác dụng với sức khỏe và sắc đẹp. Biết được vỏ quả thanh long có tác dụng gì, chắc chắn nhiều người sẽ giữ lại nó thay vì vứt bỏ một cách phí hoài.
Vỏ quả thanh long có tác dụng gì?
Vỏ quả thanh long thường bị xem là phần bỏ đi nhưng thực tế lại là một nguồn dưỡng chất dồi dào mang lại nhiều lợi ích. Với các thành phần như vitamin C, chất xơ, anthocyanin và pectin, vỏ thanh long không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn hỗ trợ làm đẹp hiệu quả. Dưới đây là những tác dụng nổi bật của vỏ thanh long:
Hỗ trợ giảm cân
Vỏ thanh long là một thực phẩm lý tưởng cho những ai đang trong quá trình giảm cân. Chứa nhiều chất xơ và ít calo, vỏ thanh long có thể tạo cảm giác no lâu hơn, giúp giảm cảm giác thèm ăn và hạn chế việc ăn vặt. Khi kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục, vỏ thanh long có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc giảm mỡ và duy trì vóc dáng.
Một số nghiên cứu cho thấy, các hợp chất trong vỏ thanh long có thể giúp giảm cholesterol xấu và cải thiện các chỉ số sức khỏe, điều này có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ quá trình giảm cân. Đặc biệt, vỏ thanh long còn chứa anthocyanin, một hợp chất giúp ngăn ngừa tình trạng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể.
Làm đẹp da
Đừng vứt vỏ khi ăn thanh long vì ngoài tác dụng giảm cân, nó còn có khả năng làm đẹp da nhờ vào hàm lượng vitamin C và các chất chống ôxy hóa.
Vitamin C có tác dụng kích thích sản xuất collagen, giúp da luôn mịn màng và đàn hồi. Các chất chống ôxy hóa trong vỏ thanh long giúp bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường như ô nhiễm, ánh nắng mặt trời và khói bụi. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, sử dụng mặt nạ hoặc trà từ vỏ thanh long là cách hiệu quả để bảo vệ làn da trước tác hại của tia UV và các yếu tố gây hại từ môi trường.
Vỏ thanh long cũng giúp ngăn ngừa mụn và làm sáng da tự nhiên. Các thành phần trong vỏ thanh long có khả năng làm giảm viêm da và tăng cường độ ẩm cho da, giúp da luôn khỏe mạnh và tươi sáng.
Ngăn ngừa và giảm mụn trứng cá
Vỏ thanh long còn mang lại hiệu quả tự nhiên trong việc ngăn ngừa và giảm mụn trứng cá cũng như mụn nhọt trên da.
Nhờ chứa hàm lượng cao vitamin E và vitamin C, vỏ thanh long giúp kiểm soát lượng dầu thừa, giảm bít tắc lỗ chân lông – nguyên nhân chính gây mụn. Đồng thời, các chất chống ôxy hóa trong vỏ giúp bảo vệ da khỏi tác động của gốc tự do, mang lại làn da mịn màng, sáng khỏe và không lo mụn.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Vỏ thanh long chứa các hợp chất quan trọng như taraxastan, pentacyclic, và trepen, giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể.
Các chất chống ôxy hóa trong vỏ thanh long giúp giảm viêm, ngăn ngừa sự hình thành các mảng bám trong động mạch và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Vỏ thanh long còn giúp giảm huyết áp và cân bằng lượng cholesterol trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Cách chế biến và sử dụng vỏ thanh long
Để phát huy tác dụng của vỏ quả thanh long, bạn có thể tham khảo một số cách chế biến đơn giản sau:
- Trà vỏ thanh long: Thái vỏ thanh long thành từng sợi nhỏ, ngâm với nước muối khoảng 10 phút, rửa sạch và phơi khô. Sau đó, bạn cho vỏ thanh long khô vào nước sôi và hãm như trà để thưởng thức. Trà vỏ thanh long có tác dụng giải nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa và làm đẹp da.
- Smoothie vỏ thanh long: Bạn có thể xay vỏ thanh long với một ít trái cây khác như chuối, dứa, hoặc cà rốt để tạo thành một món smoothie bổ dưỡng và giúp giảm cân hiệu quả.
- Món ăn nhẹ: Vỏ thanh long có thể được chế biến thành món ăn vặt, chẳng hạn trộn vỏ thanh long với giấm, muối và ớt ngọt để tạo ra một món ăn nhẹ lạ miệng.
Dù vỏ thanh long mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng khi sử dụng, bạn cần lưu ý một số điều quan trọng. Trước hết, hãy đảm bảo vỏ được rửa thật sạch để loại bỏ hóa chất hoặc bụi bẩn còn bám trên bề mặt. Bên cạnh đó, do vỏ thanh long có kết cấu khá cứng và vị đắng nhẹ, bạn nên chế biến đúng cách, chẳng hạn như nấu chín hoặc làm trà để dễ sử dụng và hấp thu tối đa các dưỡng chất.