Tác động của DeepSeek trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung

Tuần trước, công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Quốc đã khiến cả thế giới sửng sốt khi ra mắt DeepSeek-R1, một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mã nguồn mở có thể sánh ngang với các sản phẩm tiên tiến nhất từ OpenAI của Mỹ, nhưng với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ.

Biểu tượng của Deepseek. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Biểu tượng của Deepseek. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Nhà đầu tư công nghệ có ảnh hưởng, ông Marc Andreessen, gọi mô hình của Deepseek là “một trong những đột phá đáng kinh ngạc và ấn tượng nhất” mà ông từng thấy. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh đây chính là “lời cảnh tỉnh”.

Thành công vượt bậc của DeepSeek đã làm dấy lên nỗi lo ngại trong cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ. Nhiều chuyên gia cảnh báo sản phẩm AI của Trung Quốc có thể rẻ hơn và ngày càng vượt trội hơn, từ đó đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trong cuộc đua công nghệ tiên tiến. Nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển và chiếm ưu thế, họ có thể thu hút sức mạnh toàn cầu - theo những cách không tưởng tượng nổi.

Mô hình AI tiên tiến của Trung Quốc được phát triển trong bối cảnh đối thủ đáng gờm - Mỹ - cũng sở hữu những hệ thống AI mạnh mẽ, làm nóng lên cuộc cạnh tranh không chỉ về công nghệ mà còn về ảnh hưởng quốc tế.

Việc Trung Quốc bắt kịp Mỹ trong cuộc đua này diễn ra vào thời điểm các hệ thống AI tiên tiến nhất ở cả hai quốc gia đang đạt được những tiến bộ vượt bậc. Tháng 9 năm ngoái, mô hình o1 của OpenAI đã trở thành mô hình đầu tiên chứng minh khả năng suy luận tiên tiến hơn nhiều so với các chatbot trước đó, một kết quả mà DeepSeek hiện đã đạt được với ít tài nguyên hơn nhiều. Nhưng những mô hình này chỉ là khởi đầu.

Tuần trước, OpenAI đã mở quyền truy cập cho người dùng vào phiên bản “mini” của mô hình o3. Mặc dù phiên bản đầy đủ vẫn chưa ra mắt, nhưng o3 được cho là đã đạt được một bước tiến lớn về hiệu suất, dù những kết quả này chưa được kiểm chứng rộng rãi.

Sự phát triển nhanh chóng này khiến một số chuyên gia AI hàng đầu, như ông Dario Amodei, Giám đốc Điều hành của Công ty nghiên cứu và phát triển AI Anthropic, đối thủ của OpenAI, dự đoán rằng vào năm 2026 hoặc 2027, AI có thể sẽ “thông minh hơn phần lớn con người trong hầu hết mọi lĩnh vực.”

Biểu tượng của Hãng OpenAI. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Biểu tượng của Hãng OpenAI. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Những dự đoán này đã bị chỉ trích, song nhiều người vẫn lo ngại về các rủi ro tiềm tàng, nhất là khi AI có thể gây ra mối nguy hiểm cho nhân loại.

Ông Geoffrey Hinton, một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực AI, cảnh báo rằng giảm thiểu nguy cơ từ AI phải là ưu tiên toàn cầu, ngang tầm với các mối đe dọa như đại dịch và chiến tranh hạt nhân.

Những lo ngại này dẫn đến một thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách: làm thế nào để chuẩn bị cho một tương lai - nơi AI có thể là một phần không thể thiếu, nhưng cũng ẩn chứa đầy nguy hiểm?

Theo các nhà hoạch định chính sách Mỹ, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và phức tạp, có hai mục tiêu chính sách rõ ràng mà Mỹ cần theo đuổi. Một là duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI, hai là chuẩn bị cho một tương lai mà cả hai quốc gia đều sở hữu hệ thống AI vô cùng mạnh mẽ, nhưng cũng ẩn chứa đầy nguy hiểm.

Trong hai mục tiêu này, việc duy trì ưu thế vượt trội so với Trung Quốc ít gây tranh cãi hơn, vì đây được xem là yếu tố cốt lõi trong chính sách công nghệ và an ninh hiện nay. Tuy nhiên, cách thức để Mỹ đạt được mục tiêu này vẫn là một vấn đề. Hơn nữa, dữ liệu và nhân tài kỹ thuật – hai yếu tố quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực AI – đóng vai trò then chốt, nhưng các nhà hoạch định chính sách lại khó có thể tác động trực tiếp đến chúng.

Thay vào đó, Mỹ đã tập trung vào việc kiểm soát chuỗi cung ứng chất bán dẫn, nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận những loại chip cao cấp. Tuy nhiên, sự thành công của mô hình AI mới từ DeepSeek đã khiến một số người cho rằng việc kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ có thể phản tác dụng hoặc không hiệu quả. Họ chỉ ra rằng Trung Quốc có thể sử dụng các chip cao cấp đã dự trữ, tự sản xuất sản phẩm thay thế và làm giảm phần thưởng kinh tế cho các công ty bán dẫn phương Tây.

Giới chuyên gia thừa nhận dù kiểm soát xuất khẩu có thể tạo ra khó khăn cho Trung Quốc, nhưng điều đó cũng thúc đẩy sự sáng tạo của các công ty của nước này. Ông chủ của DeepSeek, Liang Wenfeng, đã khẳng định: “Tiền bạc chưa bao giờ là vấn đề, nhưng lệnh cấm vận chuyển chip tiên tiến mới là điều khiến chúng tôi gặp khó khăn”.

Nếu Trung Quốc có thể vượt qua rào cản này, họ sẽ có tiềm năng phát triển những mô hình AI vượt trội hơn, đe dọa vị trí dẫn đầu của Mỹ trong ngành công nghệ này.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Foreign Policy)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tac-dong-cua-deepseek-trong-cuoc-canh-tranh-cong-nghe-my-trung-20250207171539366.htm
Zalo